(TCTG) - Ngày 8-11 tại KS Tây Nguyên (TP.Kon Tum) tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị tập huấn "Tư vấn và xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao" với gần 100 học viên là cán bộ y tế thuộc 09 huyện, thành phố; cán bộ y tế của một số sở, ngành, trường học… trong toàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn, bác sỹ Lê Nam Khánh-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của lớp tập huấn, giúp cho các cán bộ làm công tác lao tuyến cơ sở của tỉnh có thêm kiến thức về tư vấn và xét nghiệm lao/HIV cho người bệnh, từ đó làm tốt công tác hoạt động lồng ghép lao/HIV tại cơ sở, trong điều kiện Kon Tum là địa phương có số người nhiễm và mắc lao ngày càng cao.
Trong thời gian hai ngày (8 – 9/11), các học viên được tìm hiểu sâu các chuyên đề như: Quy trình xét nghiệm chẩn đoán HIV cho người bệnh lao; nhận thức về tư vấn xét nghiệm chẩn đoán HIV cho người bệnh lao; kỹ năng tư vấn đối với bệnh nhân lao; sự khác nhau giữa tư vấn xét nghiệm tự nguyện và xét nghiệm chẩn đoán HIV cho bệnh nhân lao…
Theo bác sỹ CKI Nguyễn Đình Bản-Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum, bệnh lao hiện đã và đang trở thành vấn đề khẩn cấp trên toàn cầu, là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Dân số thế giới hiện đã đạt con số 7 tỉ người, trong đó số nhiễm lao hàng năm khoảng 2 tỉ người (theo ước tính của WHO). Trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam là nước đứng thứ ba sau Trung Quốc, Philippines về số lượng bệnh nhân lao đang lưu hành cũng như số bệnh nhân mới xuất hiện hàng năm. Nguy cơ nhiễm lao hàng năm ở Việt Nam là 1,7%, với khoảng 44% dân số đã bị nhiễm lao. Trong khi đó, nguy cơ mắc lao cao gấp 5-10 lần ở người có HIV và nguy cơ kháng thuốc là rất cao.
Với tỉnh Kon Tum, một địa phương mặt bằng kinh tế, xã hội còn thấp; đời sống người dân còn nhiều khó khăn; trên 53% dân số là đồng bào DTTS; tình trạng di dân tự do nhiều… là điều kiện "thuận lợi" các tệ nạn xã hội gia tăng, nhất là HIV/AIDS… do đó bệnh lao tại địa phương vẫn là bệnh phổ biến và số người nhiễm và mắc lao ngày càng cao.
Phi Em