Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 5/11/2011 22:6'(GMT+7)

Để người tham gia Bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Do vậy, trong thời gian tới Luật BHYT cần được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cho phù hợp với thực tiễn hơn nữa. Có như vậy, Luật BHYT mới phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng KCB cho người dân có thẻ BHYT.

Nhiều thủ tục rắc rối

Việc thông báo số thẻ BHYT khám ban đầu chưa được chuẩn xác, quy trình đối chiếu, cập nhật dữ liệu giữa phòng thu – phòng sổ thẻ chưa rõ ràng. Đây là những vướng mắc mà các đơn vị KCB luôn gặp phải, làm giảm niềm tin của người bệnh về việc tham gia BHYT. Không những thế, thủ tục giấy tờ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển tuyến, thanh toán viện phí của bệnh nhân có thẻ BHYT.

Ông Lê Hồng Phước, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, chia sẻ: “Hàng ngày, Bệnh viện tiếp hơn 600 lượt người có thẻ BHYT tới khám. Và chúng tôi thường xuyên gặp rắc rối ở ngay khâu đầu tiên - khâu tiếp đón. Thẻ bảo hiểm phát hành bằng giấy, trong khi đó người sử dụng bảo quản không tốt dẫn đến thẻ bị nhòa chữ, rách. Nhiều trường hợp, các chi tiết trên thẻ lại không chính xác so với Chứng minh thư. Trong khi đó, bệnh nhân lại không kiểm tra trước, chỉ đến lúc vào bệnh viện mới biết có sai sót. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có đến hai ba thẻ bảo hiểm. Do vậy, công tác kê khai ban đầu thường kéo dài, gây mất thời gian cho người bệnh, làm chậm trễ quá trình chữa bệnh”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh): Cần quá nhiều giấy tờ để bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT được thanh toán chi phí như: Giấy xác nhận tham gia BHYT 6 tháng liên tục để hưởng kỹ thuật cao; Giấy xác nhận tham gia BHYT 3 năm liên tục để hưởng 50% thuốc ung thư, chống thải ghép, kèm bản photo Giấy chuyển viện tuyến huyện… Khi người bệnh không có hoặc thiếu các giấy tờ trên thì quỹ BHYT sẽ không thanh toán cho người bệnh chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, yêu cầu Giấy xác nhận tham gia BHYT 3 năm liên tục đối với cán bộ hưu trí không thống nhất cũng làm bệnh nhân bức xúc. Vì Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải có Giấy xác nhận nhưng BHXH một số tỉnh khác cho rằng không cần và không cấp cho người bệnh. Như vậy, khi bệnh nhân cần chuyển viện từ tuyến tỉnh lên Trung ương sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần thực hiện thống nhất và thuận tiện hơn về yêu cầu văn bản kèm theo khi khám chữa bệnh BHYT. Chẳng hạn trước khi thực hiện Luật BHYT, thẻ BHYT tự nguyện có in trên thẻ thông tin ngày được hưởng kỹ thuật cao, ngày được hưởng thuốc điều trị ung thư…. Nhưng hiện nay không còn thể hiện thông tin đó trên thẻ BHYT mà bệnh nhân BHYT phải xin giấy xác nhận riêng.

Những vướng mắc về giới hạn thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao

Những quy định về giới hạn thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao (sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại) cũng đã gây nhiều rắc rối không kém cho các bệnh viện trong quá trình triển khai. Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh (nhất là những bệnh nhân nghèo), các bệnh viện đã linh động cách giải quyết. Tuy nhiên, những cách giải quyết này cũng chỉ mang tính tạm thời và nhiều khi lại gây ra những rắc rối khác cho bệnh viện và cả bệnh nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Quyết Tiến cho biết thêm: “Theo quy định thì đa số người bệnh được quỹ BHYT thanh toán theo mức phần trăm tương ứng tỷ lệ quyền lợi được khi KCB BHYT nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu (hiện tại = 40x830.000 đồng = 33.200.000 đồng). Mức hưởng trước khi thực hiện Luật BHYT quy định không quá 20 triệu đồng. Nhờ vậy, quyền lợi của người bệnh khi được thực hiện các kỹ thuật cao đã được nâng cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều kỹ thuật cao mà chi phí đã vượt quá cao so với 40 tháng lương tối thiểu (chi phí cao chủ yếu do giá vật tư y tế), do vậy người bệnh phải thanh toán số tiền khá lớn. Và theo yêu cầu bệnh lý, một số bệnh nhân cần phải được thực hiện nhiều lần với cùng một loại kỹ thuật cao (trong một lần phẫu thuật có thể dùng nhiều kỹ thuật như sửa van hai lá, ba lá…) nhưng quỹ BHYT cũng chỉ thanh toán không vượt quá 33.200.000 đồng cho lần nhập viện đó, phần chi phí còn lại bệnh nhân tự thanh toán. Để quỹ BHYT thanh toán cho bệnh nhân, bệnh viện đã chủ động cho bệnh nhân nhập viện nhiều lần để thực hiện cùng một loại kỹ thuật cao. Thế nhưng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến đến quá trình điều trị của bệnh nhân và góp phần quá tải cho công tác hành chính của bệnh viện”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, bệnh viện đã chủ động phối hợp với BHXH TP. Hồ Chí Minh kịp thời tháo gỡ và giải quyết những vấn đề liên quan đến danh mục dịch vụ kỹ thuật cao như phẫu thuật tim hở, thông tim can thiệp (các dịch vụ này chưa được phê duyệt sẽ được BHXH thanh toán cho người sử dụng BHYT) để hầu hết các bệnh nhân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện. Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của bệnh nhân nói chung, bệnh nhân có thẻ BHYT nói riêng, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao đã được ứng dụng. Thế nhưng, nhiều dịch vụ này chưa có tên trong các danh mục phân loại kỹ thuật của Bộ Y tế nên chưa được duyệt giá, vẫn gây khó khăn cho bệnh viện và thiệt thòi cho người có thẻ BHYT (chưa được áp dụng hình thức thanh toán phù hợp nên nhiều khi bệnh nhân có thẻ BHYT phải tự chi, hoặc chưa được tiếp cận với những dịch vụ này…). Ngoài ra, một số giá dịch vụ kỹ thuật có giá thu rất bất hợp lý, gây khó khăn cho bệnh viện trong cân đối thu chi. Rõ ràng, cả bệnh nhân và các bệnh viện đang chờ sự thay đổi thuận lợi hơn về quyền lợi hưởng chi phí kỹ thuật cao. Đồng thời Bộ Y tế cũng cần thường xuyên cập nhật danh mục kỹ thuật cao phù hợp với nhu cầu KCB và có phương thức thanh toán chi phí kỹ thuật cao phù hợp.

Bộ Y tế đưa ra chỉ tiêu, năm 2015 tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm khoảng 70% dân số. Để đạt được con số trên, ngoài những nhóm đối tượng bắt buộc (học sinh, sinh viên, công chức) cần sự tham gia tự nguyện của những đối tượng còn lại. Nhưng để người dân tự nguyện tham gia BHYT, thì BHXH cũng như cơ sở KCB phải tạo được niềm tin cho người dân thông qua việc hoàn thiện Luật BHYT./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất