Khoảng 150 đại biểu đã tham dự cuộc hội thảo kéo dài hai ngày về chất độc da cam được tổ chức tại trường Đại học Berkeley, thành phố San Francisco, bang California (Mỹ), trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua.
Cuộc hội thảo, do Quỹ Rotary phối hợp với Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco tổ chức, với sự tham dự của Trưởng Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc màu da cam/dioxin, ông Ngô Quang Xuân; điều phối viên của nhóm, bà Susan Berresford và ông Charles Bailey, Giám đốc Văn phòng da cam của Viện Aspen.
Cuộc hội thảo lần này còn có nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ tham dự như nhóm "Những người bạn Việt" (Viet Fellows) và thân nhân các gia đình cựu chiến binh người Mỹ gốc Việt và người Mỹ bị nhiễm chất độc màu da cam từ thời kỳ chiến tranh.
Ông Ngô Quang Xuân cho biết cuộc hội thảo đã tập trung xem xét lại những nỗ lực và sự đóng góp của các bên trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.
Hội thảo đánh giá dự án tẩy rửa chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng là một thành công và hy vọng tới đây sẽ nhận thêm nhiều hỗ trợ về công nghệ, nhân lực và cả tài chính để xử lý "điểm nóng" thứ hai là sân bay Biên Hòa.
Theo ông, cuộc hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức cho một bộ phận người dân, các tổ chức ở Mỹ về hậu quả của chất độc da cam mà Việt Nam đã và đang phải tiếp tục phải gánh chịu.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một đại diện của Việt Nam, cho rằng cần có những nỗ lực, hỗ trợ lớn hơn nữa nhằm giải quyết hậu quả chất đọc da cam ở Việt Nam, bởi những gì mà phía Mỹ hỗ trợ cho tới nay là quá nhỏ bé so với thực tế.
Hiện ở Việt Nam đang có một dự án do Quỹ Rotary phối hợp với Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin thực hiện, cải thiện nguồn cung cấp nước sạch cho xã Đông Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, nơi nhiễm chất độc da cam nặng nhất./.
TTXVN