Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 10/3/2011 21:21'(GMT+7)

“Tất cả đều được lợi từ Chỉ số Thành phố Xanh”

Xin giới thiệu bài phỏng vấn riêng ông Peter Löscher tiếp sau việc công bố Chỉ số thành phố xanh châu Á gần đây với những đề xuất của ông cho các thành phố như Hà Nội để cải thiện các vấn đề môi trường.

- Xin ông cho biết sáng kiến “Chỉ số thành phố xanh” được đưa ra trong bối cảnh nào?

Ông Peter Löscher: Các đô thị tiêu thụ khoảng 75% nguồn năng lượng toàn cầu và thải ra 80% lượng khí CO2. Do đó cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải được thực hiện tại các thành phố. Chúng tôi mong muốn giúp các thành phố trên thế giới, như Hà Nội, có thể kết hợp tăng trưởng lành mạnh với việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra sáng kiến Chỉ số thành phố xanh. Nghiên cứu này cung cấp thông tin về các giải pháp môi trường và công nghệ hiệu quả để giúp các thành phố, đồng thời đưa ra những hồ sơ chi tiết về những thách thức, điểm mạnh, yếu của mỗi thành phố và nêu bật những ý tưởng sáng tạo và thiết thực nhất mà các thành phố khác có thể học tập.

- Mặc dù đạt tăng trưởng cao nhưng lâu nay châu Á phải vật lộn đối phó với các vấn đề môi trường, vậy mà Chỉ số thành phố xanh châu Á lại được đưa ra khá muộn. Xin ông cho biết tại sao chỉ số cho châu Á lại được công bố sau châu Âu và Mỹ Latinh? Việc thực hiện dự án này ở châu Á có gặp khó khăn gì không?

Ông Peter Löscher: Châu Á là khu vực thứ 3 mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tiếp sau châu Âu và khu vực Mỹ Latinh nhưng không phải là khu vực cuối cùng. Còn nhiều khu vực khác tiếp theo, như Bắc Mỹ và châu Phi. Nhưng việc thực hiện nghiên cứu đầu tiên hay cuối cùng không phải là vấn đề mà điều cần quan tâm là việc đã thực hiện nghiên cứu đó. Vì dự án đưa ra những chiến lược thành công cho việc phát triển đô thị bền vững và hình thành nền tảng khách quan để các nhà hoạch định kế hoạch đô thị trong các khu vực trao đổi ý tưởng.

Các thành phố phải là nơi đáng để cho mọi người sinh sống lâu dài. Và điều này càng phù hợp với khu vực châu Á, trong bối cảnh bùng nổ các khu đô thị nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên trái đất. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng dân cư ở các thành phố châu Á đã tăng khoảng 100.000 người một ngày. Điều này có tác động rất lớn đến cơ sở hạ tầng: số dân tăng thêm đó đòi hỏi nhiều năng lượng hơn, nước sạch nhiều hơn, rồi cần nâng cấp giao thông và những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng. Và đối với Siemens với tư cách là công ty đi tiên phong về cơ sở hạ tầng xanh thì điều này mang lại tiềm năng lớn.

- Một chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu EIU của tạp chí Economist có nói trong cuộc họp báo công bố Chỉ số thành phố xanh châu Á rằng chỉ số này không nhằm mục đích xếp hạng các thành phố về mức độ thân thiện môi trường nhưng sẽ giúp các thành phố này biết họ cần làm tốt hơn ở mặt nào. Ông có nghĩ chính quyền các thành phố sẽ lưu tâm đến vấn đề này không? Và nếu có, những nhà tiên phong về công nghệ xanh như Siemens sẽ giúp đỡ họ thế nào?

Ông Peter Löscher:
Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì có thể khẳng định rằng Chỉ số thành phố xanh châu Âu và Mỹ Latinh đã giúp các thành phố học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các thành phố đã hiểu rõ hơn về mặt mạnh và yếu của mình về các vấn đề liên quan đến các vấn đề bền vững đô thị. Và chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ thông tin đầy đủ về bảo vệ khí hậu có hiệu quả, và là đối tác trong việc phát triển các giải pháp hạ tầng toàn diện và bền vững.

Siemens thu được nhiều kinh nghiệm từ việc thực hiện dự án tại các thành phố trên thế giới và có kinh nghiệm về nhiều công nghệ sạch - từ sản xuất, truyền tải và sử dụng năng lượng sạch cho đến vận tải công cộng, hệ thống xử lý nước hay các công nghệ xây dựng.

Chỉ riêng trong năm tài khóa 2010, doanh thu của Siemens từ các dự án liên quan đến môi trường lên đến 28 tỷ euro. Các dự án ở Việt Nam cũng góp phần vào nguồn thu đó.

- Rõ ràng là thành phố Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để trở thành thành phố xanh, không chỉ vì mục tiêu được xếp hạng cao hơn. Quản lý môi trường ở Hà Nội chỉ ở mức dưới trung bình trong Chỉ số thành phố xanh châu Á, cũng như tiêu chí “sử dụng đất và các tòa nhà” và “vệ sinh.” Giao thông thông và nước cũng là hai vấn đề đáng quan tâm. Vậy ông có đề xuất giải pháp gì cho thành phố trong thời gian tới?


Ông Peter Löscher:
Mỗi một giải pháp đóng góp vào sự phát triển đô thị bền vững đều có tầm quan trọng. Chỉ số thành phố xanh châu Á có thể được coi là cơ sở cho các bước tiếp theo. Nghiên cứu này đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vấn đề môi trường ở Hà Nội.

Theo kết quả nghiên cứu, thành phố bị thất thoát 45% nguồn nước cung cấp do rò rỉ đường ống, nên giải pháp trước mắt là nâng cấp hệ thống nước hiện tại và nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm nước.

Thêm vào đó, hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh hay xe điện sẽ mang lại lợi ích cho cả người dân và môi trường. Và Việt Nam không cần phải bắt đầu từ con số không. Việt Nam đã có những sáng kiến xanh rất tốt như chương trình bảo toàn năng lượng và chương trình quốc gia về hiệu quả năng lượng. Thúc đẩy rộng rãi các chương trình và có hành động cụ thể là chìa khóa cho một Hà Nội xanh và thuận lợi cho cuộc sống của người dân.

- Được biết chỉ số này sẽ được công bố khoảng 2-3 năm một lần. Đối với các thành phố trong danh sách, điều này là dễ hiểu vì họ có thời gian để cải thiện tình hình. Nhưng đối với những thành phố không có trong danh sách thì sao? Ông có nghĩ chỉ số này có ảnh hưởng đến các thành phố đó?

- Ông Peter Löscher: Đúng vậy. Tất cả các thành phố đều hưởng lợi từ kết quả này. Như tôi đã nói ở trên, Chỉ số thành phố xanh cung cấp hồ sơ chi tiết về những thách thức, thế mạnh và điểm yếu của mỗi thành phố và cũng nêu bật những ý tưởng sáng tạo và cách triển khai tốt nhất của mỗi thành phố mà các thành phố khác có thể học tập.

Tôi xin lấy một ví dụ: thường thì mọi người không nghĩ đến các tòa nhà, nhưng thực tế đáng ngạc nhiên là công trình xây dựng nhà lại chiếm 40% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Siemens đã chứng minh được rằng áp dụng công nghệ xây dựng thông minh có thể tiết kiệm được 30% năng lượng tiêu thụ. Minh chứng cho điều này là trung tâm Siemens ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Và các tòa nhà ở Việt Nam cũng có thể theo cách đó.

- Tại buổi thảo luận sau cuộc họp báo tại Singapore có một gợi ý rằng các thành phố giàu nên giúp đỡ các thành phố nghèo hơn trong vấn đề môi trường. Ông có nghĩ rằng điều này có thể thực hiện được và liệu có gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện không?

- Ông Peter Löscher: Khi nghiên cứu Chỉ số thành phố xanh châu Á, chúng tôi đã phát hiện những ví dụ thú vị liên quan đến việc các thành phố giàu hỗ trợ tài chính và chuyên môn cho các thành phố nghèo hơn. Ví dụ như ở Nhật Bản, Cục Thủy lợi Yokohama nhận thấy họ đã được hưởng lợi nhiều từ sự trợ giúp kỹ thuật từ một kỹ sư người Anh ở thế kỷ trước và bắt đầu mời chuyên gia từ các thành phố đang phát triển trên thế giới tham gia các chương trình đào tạo.

Siemens cũng rất chủ động trong lĩnh vực này. Năm 2009, chúng tôi thành lập một ban gồm các chuyên gia từ các đơn vị liên quan và các phòng chức năng để cùng đánh giá yêu cầu về hạ tầng cơ sở của các thành phố và phát triển giải pháp riêng cho khách hàng.

Ngoài ra, trong những tháng gần đây, chúng tôi đã xây dựng mội đột ngũ hùng hậu gồm 50 chuyên viên để thống nhất đầu mối cung cấp dịch vụ cho các thành phố như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là Siemens cũng có các giải pháp tài chính cho những thành phố muốn đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng nhưng gặp hạn chế về ngân sách: chúng tôi gọi là thầu hiệu quả năng lượng.

Mô hình này rất đơn giản. Chúng tôi cung cấp cho khách hàng công nghệ tiết kiệm năng lượng và họ có thể chi trả cho công nghệ này từ số tiền tiết kiệm do cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Do đó sẽ không có đầu tư bổ sung cho khách hàng. Mô hình này đã rất thành công trên thế giới.

- Xin cảm ơn ông./.

PV (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất