Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 31/1/2011 11:33'(GMT+7)

"Chợ chữ" - Nét đẹp văn hoá ngày xuân

 

Đến hẹn lại lên, cứ khoảng từ 20 tháng Chạp âm lịch, các ông đồ lại khăn xếp áo the, rủ nhau đến khu phố Quốc Tử Giám “họp nhau”, tạo cho cho bức tường phía ngoài Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội trở thành không gian cổ mà không cũ. Ở đây, cuộc sống mất hẳn đi dáng vẻ hối hả, vội vã. Cả khách và người bán chữ khá thư thả, trầm ngâm... Ông Nguyễn Anh Phương (ở Phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho biết, đến chợ chữ những ngày giáp tết, ngắm nhìn cảnh mua bán, đàm đạo về chữ nghĩa, ông cảm thấy rất thư thái.

Tôi cảm thấy rất vui khi đến chợ chữ này. Đây là bản sắc dân tộc cần nhân rộng ra để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi sẽ mua chữ Phúc để gia đình luôn hạnh phúc, con cháu ấm no- ông Phương nói.

Những chiếu thư pháp của các ông đồ bày san sát chạy dọc một đoạn hè phố Quốc Tử Giám. Mới 9 giờ sáng cả đoạn đường nhộn nhịp cảnh những ông đồ ngồi múa bút và dòng người thưởng ngoạn, mua chữ. Tấp nập mà không ồn ào, cái chợ đặc biệt này kéo dài tới 9 giờ tối. Trên tường của Văn Miếu là hàng dài câu đối, kiểu chữ mấu được trưng bày để khách tha hồ xem và lựa chọn. Bên dưới những manh chiếu, ngổn ngang những manh tre giấy dó, mực tàu... Còn phía trước các chiếu, người ta đứng chen chúc để xem các ông đồ múa bút . Có những người chỉ muốn xem nhưng càng xem càng thích nên cuối cùng cũng mua. Viên Y Kiên (Hiện đang làm trong một khách sạn ở phố cổ Hà Nội) cho biết, đến đây để xin chữ hộ bạn nhưng thấy thầy đồ giảng giải về ý nghĩa của từng chữ nên đã quyết định mua thêm một chữ cho bản thân mình. Đó là chữ Nhẫn.

Theo ông Phạm Đức Hinh (CLB UNESSCO thư pháp), khách đến chợ chữ chủ yếu là khách của năm ngoái. Họ đến vì tín nhiệm người bán hàng, để mua một chữ cho năm nay và cũng để trả lễ người bán chữ. Ông Phạm Đức Hinh đã ngồi các chợ chữ được 5 năm nay và có nhiều khách hàng quen của các năm trước. Ông kể năm nay, ngày đầu tiên họp chợ chữ, có một kỷ niệm làm ông cảm thấy vui vui: Một phụ nữ tìm ông suốt từ hôm 15 tháng chạp nhưng tận ngày 23 mới tìm được.

Chị ấy bảo năm ngoái cháu 37 tuổi mà chưa có chồng, cháu xin bác chữ Duyên thì tôi không cho vì bác bảo duyên là duyên nợ, không được đâu. Tôi cho chị ấy chữ Vận Lai. Năm nay chị đã có 1 đứa con rồi…- Ông Hinh khoe.

Năm nay ông Hinh cho người phụ nữ chữ An, vì ông giải thích người đàn bà trong nhà, trên có mái nhà, dưới có người phụ nữ, người phụ nữ trong nhà làm cho gia đình luôn luôn hạnh phúc, bình an. Nhận hai chữ An vừa ráo mực, cả khách mua chữ và người bán chữ đều thấy vui và hồ hởi.

Đến chợ chữ, nhiều người sẵn sàng bỏ ra 500.000đồng để mua một chữ do TS Hán học Cung Khắc Lược viết, bởi ông là người duy nhất ở cái chợ chữ vỉa hè này có trình độ uyên thâm, và cũng bởi họ quý trọng nhân cách của ông.

Xin chữ gì, bán chữ gì còn căn cứ vào từng đối tượng, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính. Như người quan chức thì từng thời điểm, tuỳ từng công việc, chức vị mà xin những chữ: Liêm, Chính, Trung, Dũng, Công, Tâm, Nhân, Nghĩa, Đức, Danh, Thành... người đang học hành, rèn luyện phấn đấu thường xin chữ Minh, Chí, Chuyên, Nhẫn, Cần, Thành, Đạt, Toại, Đắc... các cháu học sinh thường xin chữ: Tuệ, Minh, Trí, Tiến, Đạt, Thành, Chuyên, Cần...các nhà thương gia, doanh nhân thường xin chữ: Lộc, Tài, Tiền, Thuận, Phát, Hưng, Thịnh, Vượng... Thế giới chữ phong phú như chính cuộc sống vậy và chợ chữ vẫn thế, họp vào những ngày Tết để những người trọng chữ tìm gặp tri âm, tri kỷ...

- Mai Hồng- Lê Thu-              

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất