Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 1/2/2011 18:12'(GMT+7)

Thiếu vắng tác phẩm lý luận phê bình

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 
  • Từ hội địa phương

Ấn tượng nhất trong giải thưởng của HNV Hà Nội năm 2010 không phải là tập thơ Cởi gió của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai hay tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương, hai tác phẩm được trao thưởng ở lĩnh vực thơ và văn xuôi. Chính tập thơ vừa được xuất bản của cố nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ mới là tâm điểm của giải thưởng HNV Hà Nội năm nay. Với nhan đề Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tập thơ xuất bản vào giữa năm 2010 này tập hợp hơn 100 tác phẩm của nhà thơ Lưu Quang Vũ, trong đó có cả những tác phẩm chưa từng được công bố. Được đánh giá là “tuyển tập thơ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất về Lưu Quang Vũ cho đến nay”, tác phẩm đã được 9 trong số 12 thành viên ban chung khảo của HNV Hà Nội chọn trao giải thưởng “Thành tựu về thơ”.

Nói như thế không có nghĩa hai tác phẩm Cởi gióNhân gian không đặc sắc, ngược lại cả hai đều nhận được những đánh giá cao. Một điều đáng tiếc nhưng không mấy bất ngờ khi một lần nữa HNV Hà Nội vắng bóng giải thưởng cho sách dịch, tác phẩm lý luận phê bình.

Nếu giải thưởng của HNV Hà Nội chỉ gây chút ngạc nhiên thì giải thưởng của HNV TPHCM năm 2010 mới thực sự là gây sửng sốt. Được công bố chính thức sau cả giải thưởng của HNV Việt Nam vốn có tiếng là “khó tính”, nhưng giải thưởng HNV TPHCM năm nay còn thể hiện sự khó tính hơn khi chỉ có duy nhất một tác phẩm được trao giải, mà tác phẩm đó lại thuộc về tác phẩm Được sống và kể lại của nhà điêu khắc Trần Luân Tín, một tác phẩm thuộc thể loại tự truyện, một thể loại vốn hay bị nghi ngờ là “ít tính văn chương”. Tuy nhiên, Được sống và kể lại khiến tất cả những ai đọc nó phải bất ngờ. Câu chuyện của một anh lính thông tin nơi chiến trường Quảng Trị mùa hè 1972 hay tại Sài Gòn những ngày tháng 4 lịch sử có cái nhẹ nhàng trong những trận đánh khốc liệt, cái dữ dội hoài niệm trong giờ phút yên bình.

Tự truyện của Trần Luân Tín thể hiện chiến tranh dưới cặp mắt thật đến lạ lẫm, không cần nói nhiều đến hy sinh nhưng lại phản ánh sự khốc liệt đến tận cùng, chỉ giây phút lặng lẽ đêm 30-4 nhưng lại thể hiện trọn vẹn cái khát khao hòa bình của người lính.

Phần tặng thưởng thì năm nay đều thuộc về hai tác giả “vừa hết trẻ” là Lê Thiếu Nhơn với tập thơ Bản tường trình giấc mơ đi vắng và Phan Hồn Nhiên với tập truyện Cánh trái. Năm nay mọi người hy vọng nhiều vào giải thưởng nhà văn trẻ (dưới 30 tuổi) được Ban Chấp hành mới thông qua ngay sau khi thành lập, chỉ tiếc rằng cơ cấu giải đã có nhưng người xứng đáng lại chưa tìm được.

  • Đến hội quốc gia

Vừa qua, HNV Việt Nam đã có thông báo chính thức, giải thưởng văn học năm 2010 được trao cho nhà văn Sương Nguyệt Minh với tập truyện ngắn Dị hương và dịch giả Nguyễn Bích Lan với tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột (dịch từ nguyên tác tác phẩm Q&A của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup). Ba tác phẩm được trao bằng khen là cuốn tiểu thuyết Thế giới xô lệch của nhà văn Bích Ngân, Tháng giêng tháng giêng, một vòng dao quắm là tập tản văn của Y Phương và bản dịch tác phẩm Quà của Chúa (nhà văn Ba Lan Dorota Terakowska) của dịch giả Lê Bá Thự.

Với cơ cấu giải thưởng như trên, so với giải của các hội địa phương có thể xem là “tròn trịa”, dĩ nhiên lại một lần nữa thiếu hụt giải cho các tác phẩm lý luận phê bình nhưng đây đã là thực trạng lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Có điều, dù được coi là đầy đặn hơn nhưng giải thưởng của HNV Việt Nam cũng vẫn chỉ là sự phản ánh ở tầm khác thực trạng chung của nền văn học trong nước mà các hội địa phương đã phản ánh. Nếu ở giải địa phương ấn tượng nằm ở những tác phẩm gắn với tên tuổi người nổi tiếng hay sự độc đáo bất chợt thì ở cấp quốc gia, ấn tượng lại nằm ở hai tác phẩm dịch mà một ăn theo sự thành công của điện ảnh (Triệu phú khu ổ chuột) và một đã nổi tiếng thế giới (Quà của Chúa). Không phải Dị hương, Thế giới xô lệch hay Tháng giêng tháng giêng, Một vòng dao quắm là không xứng đáng. Ngược lại, chỉ riêng tập tản văn của Y Phương đã khiến dư luận khen nức nở khi đưa không gian văn hóa Cao Bằng vào tản văn nhưng lại đầy chất thơ.

Giải thưởng của các HNV dù khác nhau nhưng ở một góc độ đã phản ánh văn học trong nước năm 2010. Không thiếu những tác phẩm hay nhưng lại thiếu tác phẩm nổi bật, đặc biệt vẫn vắng bóng những tác phẩm lý luận phê bình và những tác phẩm văn học mang hơi thở của thời đại./.
 
Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất