Theo Bộ GD-ĐT, trường nào không có tên trong danh sách 14 trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh liên thông từ trung cấp (TC) nghề - CĐ nghề lên CĐ chính quy, từ CĐ nghề lên ĐH chính quy nhưng vẫn thông báo tuyển sinh và tổ chức đào tạo là vi phạm nghiêm trọng các quy định của bộ. Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt trường từ trung cấp, CĐ đến ĐH dù chưa được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho liên thông từ hệ nghề lên hệ CĐ, ĐH chính quy nhưng vẫn ồ ạt công khai tuyển sinh và thách thức cơ quan quản lý.
Bất chấp quy định...
Từ năm 2010 Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (HUI) đã âm thầm tổ chức tuyển sinh liên thông cho sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề tại trường lên ĐH chính quy. Đáng nói hơn, cuối năm 2011, sau khi phát hiện sai phạm trong liên kết đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH giữa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng) và Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM, Bộ GD-ĐT đã hủy kết quả của kỳ thi ngày 22 và 23-10-2011 do hai trường trên tổ chức, đồng thời giao cho HUI tổ chức một kỳ thi lại cho các thí sinh đã tham dự kỳ thi này. Tiếp sau đó, Bộ GD-ĐT cũng giao cho HUI đào tạo số thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi này. Chưa dừng lại đó, bộ cũng giao cho HUI tiếp nhận và đào tạo số thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi liên thông từ CĐ nghề lên ĐH đã được hai trường trên tổ chức thi ngày 16 và 17-7-2011.
Cùng tham gia cuộc đua vô luật trên, hàng loạt trường khác sau khi bằng mọi giá “chạy” được giấy phép đào tạo nghề do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) cấp đã đánh bóng bằng tên gọi khá lạ “cao đẳng thực hành” và gài bẫy thí sinh bằng việc “được liên thông lên ĐH chính quy”. Trên thông tin tuyển sinh của các trường như: ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), CĐ Nghề kinh tế và công nghệ Hà Nội, ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... dù chưa có phép liên thông cũng đường đường chính chính ra thông báo sinh viên sau khi tốt nghiệp được liên thông lên ĐH chính quy. Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội) cũng Nam tiến liên kết với nhiều trường CĐ nghề tổ chức tuyển sinh cho liên thông từ CĐ nghề lên ĐH hệ chính quy.
Không chỉ các trường ĐH bất chấp quy định mà ngay cả các trường CĐ nghề, trung cấp nghề cũng tham gia vào cuộc đua trái phép này. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam tạo sự chú ý cho thí sinh bằng cách thông báo các ngành CĐ nghề được liên thông lên ĐH gồm kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, CNTT, kỹ thuật xây dựng. Đáng nói hơn, nhiều trường CĐ nghề tại TPHCM do Sở LĐTB-XH TPHCM quản lý cũng vô tư tung hoành thông báo tuyển sinh hệ CĐ nghề liên thông ĐH chính quy như: Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ Ladec, Trường CĐ Nghề kinh tế kỹ thuật công nghệ TPHCM, Trường CĐ Nghề cơ giới và thủy lợi; Trường CĐ Nghề iSpace, Trường CĐ Nghề giao thông vận tải Trung ương 3... cũng thi nhau cầm đèn chạy trước ô tô để hút thí sinh bằng cách vì tự cho “sinh viên tốt nghiệp được liên thông lên ĐH chính quy”.
Buông lỏng quản lý
Theo Bộ GD-ĐT, vừa qua có tình trạng một số cơ sở giáo dục tuy không được phép đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH chính quy nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh trái phép. Nhiều thí sinh đã bị “mắc bẫy” tuyển sinh dạng này. Nhằm giúp thí sinh không bị nhầm lẫn, Bộ GD-ĐT công bố danh sách cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH chính quy.
Cùng với thông báo này, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh “trường nào không có tên trong danh sách nhưng vẫn thông báo và tổ chức đào tạo là vi phạm nghiêm trọng các quy định của bộ”. Như vậy, việc công khai danh sách những trường được bộ cho phép liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH chính quy cũng đồng nghĩa với việc khẳng định những trường còn lại đang tổ chức thông báo, tuyển sinh là “xé rào”. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi có thông báo chính thức của Bộ GD-ĐT, các trường như ĐH Lạc Hồng, ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam, Trường CĐ nghề iSpace, Trường CĐ Nghề giao thông vận tải Trung ương 3, Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ Ladec, Trường CĐ Nghề kinh tế Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường CĐ Nghề cơ giới và Thủy lợi... vẫn vô tư đăng tải thông tin tuyển sinh và tự biên tự diễn khi thông tin “sinh viên tốt nghiệp được liên thông ĐH chính quy”.
Theo thông tin từ các trường phạm luật nói trên, sở dĩ họ thông tin như vậy là căn cứ vào Thông tư 27. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi xác minh, điều kiện liên thông từ CĐ nghề lên ĐH được quy định bởi Thông tư liên tịch số 27 giữa liên Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH ký ngày 28-10-2010. Thông tư nêu rõ một trong các điều kiện để trường ĐH được đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH là có quyết định cho phép đào tạo liên thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt…
Như vậy, việc hàng loạt trường đã và đang tuyển sinh và vô tư dùng chiêu thức liên thông ĐH chính quy khiến thí sinh mù mờ thông tin. Và một khi Bộ GD-ĐT đã công khai danh sách các trường được cấp phép đào tạo thì cũng nên có biện pháp xử lý đối với những cơ sở cố tình phạm luật để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người học./.
14 trường ĐH, CĐ được đào tạo liên thông
Theo danh sách mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, cả nước hiện nay có 14 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ TC-CĐ nghề lên CĐ-ĐH chính quy gồm: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Lao động Xã hội, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Sao Đỏ, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Hàng hải, Trường CĐ Thương mại và Du lịch Thái Nguyên, Trường CĐ Viễn Đông, Trường CĐ Xây dựng số 1. |
Thanh Hùng/SGGP