Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 20/9/2012 22:15'(GMT+7)

63 % sinh viên thất nghiệp, chất lượng giáo dục có vấn đề?

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng giáo dục đại học đang có nhiều vấn đề. (ảnh Kim Ngân).

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng giáo dục đại học đang có nhiều vấn đề. (ảnh Kim Ngân).

 
Đó là lời chia sẻ của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam khi bàn về những "thất vọng và kỳ vọng" vào nền giáo dục Việt Nam. GS Phạm Minh Hạc thẳng thắn chỉ ra rằng, sinh viên đang thiếu nhiều kỹ năng và sống thực dụng. Theo điều tra của Bộ GD năm 2011, cả nước có đến 63 % sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng.

Tại sao nhiều sinh viên ra trường bị các doanh nghiệp từ chối? Giáo dục đại học đang có nhiều vấn đề? Và định hướng, lý tưởng của sinh viên hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển nguồn nhân lực phù hợp với đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

 Theo GS, nguyên nhân nào dẫn đến việc nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã bị các doanh nghiệp trong và ngoài nước từ chối và kêu “yếu” về năng lực chuyên môn?

GS Phạm Minh Hạc: Tại hội chợ việc làm ở Đà Nẵng, Hà Nội thì 1000 em cũng chỉ tuyển được 5 – 7 người vào làm việc. Có hai vấn đề ở đây là:
Theo một thống kê gần đây của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: Có 26,2% cử nhân ĐH ra trường không có việc làm; 70,8% cử nhân có việc làm nhưng phần lớn là làm trái ngành nghề; chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo. 

Thứ nhất, số lượng sinh viên đầu ra mỗi năm khá nhiều. Hiện nay có hơn 500 trường cao đẳng, đại học, chưa kể đến tư thục mà chỉ có ít trường đạt chuẩn. Theo đánh giá, ở tư thục thì 10 em mới có một em đạt chất lượng đại học thực sự.

Ví dụ một số trường không có người vào học, tuyển sinh ồ ạt nhưng chỉ vài chục thí sinh dự thi… sống leo lắt mà không xóa bỏ hẳn; đăng ký ở một nơi, dạy ở một nơi; không có thầy, cơ sở vật chất không đạt chất lượng. Hoặc hiện tượng mượn danh để mở trường, lớp đã bị lên án nhiều.

Thứ hai, thực tế thị trường lao động của nước ta khá khó khăn, ngặt nghèo và tỷ lệ người thất nghiệp nhiều (khoảng 7 – 8%, thậm chí là cao hơn). Nên người có bằng cấp cũng gặp khó khăn.

Thứ ba, bản thân sinh viên khi ra trường thiếu sự chủ động, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn. Trong trường đại học không tự rèn luyện, tu dưỡng, không phấn đấu và thiếu lý tưởng sống.

Theo số liệu điều tra của Bộ GD&ĐT năm 2011, 63% sinh viên thất nghiệp
do thiếu kỹ năng. (ảnh minh họa internet).


- Đi sâu hơn về nguồn nhân lực của đất nước, GS đánh giá như thế nào về sinh viên hiện nay? GS đã từng nói rằng, 15 năm trước có 75% sinh viên sống thực dụng, vậy còn bây giờ thì sao thưa ông?

GS Phạm Minh Hạc: 
Tôi đã có nhiều chương trình nghiên cứu về con người và nguồn nhân lực, trong đó có sinh viên. Tình hình hiện nay là việc học, tu dưỡng ở các trường đại học đang có vấn đề. Sinh viên mờ nhạt về lý tưởng, không có sự phấn đấu, chỉ lo lắng về đời sống.

Hiện nay, số sinh viên thực sự chăm học, tự rèn luyện tu dưỡng thì không nhiều, có trường chỉ dưới 10%. Ở Việt Nam, ai cũng nói học phổ thông, nhất là lớp 12 thì quá căng thẳng, còn học đại học là “nghỉ ngơi”. Nhưng ở trên thế giới thì ngược lại. Đơn giản như thư viện của trường đại học ở nhiều nước là mở suốt ngày đêm, kể cả ngày lễ. Còn ở Việt Nam thư viện ít hoặc rất sơ sài, ít đầu sách và ít người đọc. Cụ thể như sau:

Tôi thấy, không ít sinh viên có nhiều thú vui hơn là trau dồi học tập, chuyên môn… Trong cuốn sách mà tôi đã nghiên cứu, chỉ có 20 – 30% sinh viên tham gia các hoạt động xã hội gồm công tác Đoàn, công tác thanh niên và sinh viên. Tự hỏi là có bao nhiêu phần trăm sinh viên tham gia công tác hè. Có nhiều trường trả lời, sinh viên của họ chỉ tối đa 30% tham gia trong khi con số này ở các nước tư bản là 80% - 90%.

Thứ hai là khi tốt nghiệp ra trường, họ không muốn đi công tác ở nơi khác, nơi xa… Có hàng mấy trăm người cầm tấm bằng đại học, nhưng lại làm mấy nghề thủ công, đơn giản hay lao động nặng nhọc ở thành phố, trong khi các miền khác thì thiếu trầm trọng…

Thứ ba là 50% lao động ở tất cả các cấp bậc, bằng cấp không yên tâm, thỏa mãn với những việc mình đang làm, đều muốn “nhấp nhổm”. Viện Khoa học GD Việt Nam nghiên cứu rằng, 50 % giáo viên ân hận là đã chọn nghề này và nếu có điều kiện lựa chọn nghề khác thì họ không bao giờ quay lại.

- GS có thể lý giải tại sao nhiều sinh viên làm trái ngành, trái nghề, thậm chí là làm những công việc thủ công đơn giản hoặc nặng nhọc trong khi có bằng cấp đại học?

GS Phạm Minh Hạc:
Đó là vấn đề định hướng. Định hướng giá trị của sinh viên hiện nay là vấn đề rất lớn. Một là, không có định hướng, nghĩa là “nước chảy chỗ trũng”. Hai là lạc hướng, không có phấn đấu để trở thành một người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, mà nghĩ đơn giản chỉ là đủ lo toan đời sống. 

Đa số đều định hướng nghề nghiệp theo xu thế không phù hợp với sự phát triển của đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tế, nước ta là nước nông nghiệp, nhưng số lượng người học về ngành nông nghiệp lại rất thấp. Trước tôi đưa vào là 8%, nhưng giờ Bộ GD chỉ đưa hơn 2%. Và xu thế là không ai thích học nghề nông, lâm, ngư nghiệp, mà đều đổ xô vào kinh tế, quản trị kinh doanh chứ không vào sản xuất.

- Để sinh viên có định hướng đúng, giáo dục đại học đóng góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục là điều đáng bàn, không phải đổi mới “một sớm một chiều”. Theo GS thì điều gì quyết định chất lượng của giáo dục trong trường đại học? 

GS Phạm Minh Hạc: Giáo dục đại học rất quan trọng. Bởi nếu không tốt thì sẽ không ra được nguồn nhân lực như chúng ta mong muốn, không ra con người trí thức trẻ. Mình cứ nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nhưng nếu không có người nối tiếp thì cũng không có nguyên khí. Một điều đáng lo lắng, thuộc về căn nguyên là không chỉ người dân mà ngay nhà nước vẫn có chính sách khuyến khích “chạy theo bằng cấp”.

Đại học khác phổ thông ở chỗ là tinh thần tự học và tự rèn luyện quyết định hơn hẳn so với ở phổ thông. Tuy vậy, việc giảng dạy giữ vai trò hướng dẫn hết sức quan trọng. Để làm được thì trường đại học phải có không khí học tập và rèn luyện, có môi trường khuyến khích những cố gắng của người học. 

Phải tăng cường điều kiện để cho sinh viên tự học, tự rèn luyện như trang bị phòng thí nghiệm, xưởng, thư viện để tham gia nghiên cứu, thực hành…

- Hiện nay, phong trào sinh viên Việt Nam du học diễn ra rầm rộ. GS có nghĩ rằng giáo dục Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của người Việt không?

GS Phạm Minh Hạc: Xu thế đó là tất yếu, du học hay trao đổi học sinh, sinh viên là xu thế cả thế giới, đã có từ lâu đời. Đó là tâm lý quần chúng người này theo người kia, lây lan. Đó là tham vọng ham muốn của con người. Nhưng quan trọng là học gì, có tích cực đóng góp cho đất nước không… Theo tôi, khoa học, giáo dục đều mang tính thế giới. Mình phải không ngừng cập nhật, phải đi học nước ngoài để trau dồi, phục vụ đất nước.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Theo GDVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất