Tổ chức
Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, trong tháng 1 vừa qua, giá
lương thực thế giới đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp và hiện đã giảm
khoảng 18% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3 năm ngoái, sau khi
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, những
thông tin nêu trên chưa thể làm dịu đi nỗi lo an ninh lương thực của
nhiều quốc gia châu Phi trong bối cảnh hạn hán diễn ra nghiêm trọng và
tình trạng thiếu điện đang đe dọa sản xuất lương thực tại châu lục này.
Theo
Báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), biến đổi khí hậu
gây hạn hán tệ nhất trong khoảng 4 thập kỷ vừa qua tại vùng Sừng châu
Phi. Theo đó, 12 triệu người ở Ethiopia, 5,6 triệu người ở Somalia và
4,3 triệu người ở Kenya đang trong tình cảnh mất an ninh lương thực trầm
trọng. Tình trạng đói kém ở vùng Sừng châu Phi còn trở nên trầm trọng
hơn do cuộc xung đột ở Ukraine, phần nào đã làm tăng giá lương thực và
nhiên liệu, làm gián đoạn hoạt động tài trợ cho khu vực này.
Thiếu
lương thực nghiêm trọng cũng xảy ra tại một quốc gia châu Phi khác là
Kenya. Cơ quan quản lý hạn hán quốc gia của nước này (NDMA) cho biết 6
triệu người hiện đang lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực ở 32/47
hạt do hạn hán ngày càng gay gắt. NDMA cảnh báo, tại Kenya hiện có hơn
970.000 trẻ em dưới 5 tuổi, 142.000 bà mẹ đang mang thai và cho con bú,
đang bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ khẩn cấp để duy trì sự sống.
Ngoài hạn hán, an ninh lương thực của châu Phi còn bị đe dọa bởi việc
cắt điện liên tục tại Nam Phi tác động tiêu cực đến sản xuất và thị
trường lương thực. Hiệp hội các ngành nông nghiệp tại Nam Phi (AgriSA)
vừa cho biết, khủng hoảng năng lượng diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên
toàn quốc đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành thực phẩm của nước này.
Việc cắt điện luân phiên nhằm giảm tải cho hệ thống truyền tải điện đã
xảy ra liên tục do cơ sở hạ tầng điện than cũ kỹ; theo đó, đã gây ra
tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng chủ lực, làm tăng giá hàng hóa,
nhất là thực phẩm.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, “Lục địa
đen” đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất từ
trước đến nay. Hơn 20% dân số châu Phi, tương đương 278 triệu người, đối
mặt với nạn đói. Trong khi đó, Cơ quan Nhi đồng của Liên hợp quốc
(UNICEF) cho biết, gần 2 triệu trẻ em trên khắp Ethiopia, Kenya và
Somalia cần được điều trị khẩn cấp do bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm
trọng. Hồi tháng 9/2022, UNICEF cho biết, 730 trẻ em chết trong bảy
tháng đầu năm 2022 tại các trung tâm dinh dưỡng ở Somalia. Tuy nhiên,
con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Để tránh
một cuộc khủng hoảng nhân đạo, cuối tháng 1 vừa qua, tại Hội nghị thượng
đỉnh Lương thực châu Phi, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB)
cho biết, các đối tác phát triển cam kết tài trợ 30 tỷ USD nhằm thúc
đẩy sản xuất lương thực tại châu Phi trong 5 năm tới. Liên minh châu Âu
(EU) cuối tháng 1 vừa qua cũng đã tài trợ hơn 71 triệu USD giúp giải
quyết khủng hoảng lương thực ở miền Đông và Nam châu Phi.
Tính
đến cuối tháng 1 vừa qua, WFP đã nhận được 71,44 triệu USD do EU tài trợ
để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực tại 11 quốc gia thuộc miền
Đông và miền Nam châu Phi. Phần lớn số tiền tài trợ nêu trên sẽ được
dùng để đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng và thực phẩm cơ bản của hàng triệu
người dân đang là “nạn nhân của giặc đói”.
Giới phân tích cho
rằng, những nỗ lực của các nhà tài trợ nêu trên là kịp thời và vô cùng
quan trọng với người dân tại các vùng nghèo, vùng bị hạn hán của châu
Phi. Tuy nhiên, so với nhu cầu và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng
hoảng lương thực tại “Lục địa đen” thì số viện trợ nêu trên vẫn chỉ “như
muối bỏ bể”. Thực tế này đòi hỏi các nước thành viên Liên minh châu Phi
(AU) cần nghiêm túc tìm giải pháp trước mắt và lâu dài cho nạn đói và
tình trạng di cư đang diễn ra ngày càng trầm trọng ở một số vùng của
châu Phi do chịu tác động của xung đột vũ trang và thời tiết cực đoan./.
HÀ VIỆT (nhandan.vn)