Thứ Bảy, 27/4/2024
Khoa học
Thứ Bảy, 6/4/2019 15:31'(GMT+7)

Thách thức từ các mạng đa kênh

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các mạng đa kênh này cũng đặt ra một số thách thức đối với các cơ quan quản lý từ việc thành lập, tổ chức, giải thể doanh nghiệp, truy thu thuế đến kiểm soát chất lượng nội dung các chương trình được đăng tải.

Quyết định chấm dứt hợp tác về quản lý nội dung số giữa Youtube với tập đoàn Yeah 1 Network đang là đề tài “nóng” xuất hiện trên các mặt báo những ngày qua. Bởi lẽ, biện pháp ít có tiền lệ của Youtube đã khiến giá trị cổ phiếu của Yeah 1 sụt giảm nghiêm trọng, bất chấp các nỗ lực để khắc phục hậu quả từ phía doanh nghiệp này. Dù vậy, với nhiều người, kết cục mà Yeah 1 nhận được không quá bất ngờ, bởi đó là hậu quả tất yếu của hàng loạt sai phạm nghiêm trọng đã diễn ra trong nhiều năm qua. Cụ thể, tháng 1-2017, Yeah 1 đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT) xử phạt 20 triệu đồng vì “không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật” khi tiếp tay kênh Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life (Người Nhện Công Chúa Băng Giá siêu anh hùng ngoài đời thật) đăng tải các video (vi-đê-ô) vi phạm thuần phong, mỹ tục. Tháng 7-2017, Yeah 1 tiếp tục bị Câu lạc bộ sách Sài Gòn tố cáo đã có hành vi tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói không bản quyền. Do đó, sự việc Springme (một công ty có 16,5% cổ phần của Yeah 1) gặp sự cố với Youtube vì “tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của mạng xã hội này” chỉ là giọt nước làm tràn ly. Nói cách khác, trong suốt một thời gian dài, Youtube đã giơ cao đánh khẽ với nhiều nội dung sai phạm của các doanh nghiệp MCN (mạng đa kênh - Multi-channel network), mà Yeah 1 là thí dụ điển hình.

Trong những bê bối của Youtube, Yeah 1 cũng là cái tên nổi bật vì hành vi trốn thuế và mập mờ trong các giao dịch mua bán cổ phiếu. Cuối năm 2018, Yeah 1 từng bị Chi cục Thuế quận 1 (TP Hồ Chí Minh) phạt và truy thu thuế hơn 325 triệu đồng vì các sai phạm như: kê khai thuế không đúng quy định, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... Cũng trong năm 2018, Ủy ban Chứng khoán nhà nước Việt Nam đã xử phạt doanh nghiệp này số tiền 65 triệu đồng vì chuyển nhượng trái phép 7,82 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp cho DFJ Vinacapital Venture Investment (một công ty đầu tư mạo hiểm). Như vậy, tuy là một tập đoàn start-up (khởi nghiệp) tiên phong và thành công trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ MCN, mô hình kinh doanh của Yeah 1 đang tỏ ra thiếu bền vững khi liên tục vi phạm các quy định của pháp luật và các mạng xã hội.

Trên thực tế, vụ bê bối của Yeah 1 cũng phần nào phản ánh bộ mặt của đa số kênh giải trí của Việt Nam và nước ngoài đang hiện diện trên Youtube. Kinh doanh trên Youtube nói riêng, các mạng xã hội nói chung, đang đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khi họ dễ dàng né tránh các quy định của pháp luật từ nghĩa vụ đóng thuế đến quản lý chất lượng nội dung đăng tải. Đã qua rồi thời kỳ Youtube là mạng xã hội dành cho người nghiệp dư chuyên đăng tải, chia sẻ các video về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Thay vào đó, các kênh giải trí ở Việt Nam đã và đang được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp; mà đứng sau một kênh video là ê-kíp hùng hậu gồm đạo diễn, diễn viên, quay phim, đơn vị tổ chức sản xuất, liên hệ quảng cáo. Họ không chỉ làm giàu từ nền tảng quảng cáo của Google, mà còn làm đại diện hình ảnh cho khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Không chỉ vậy, những kênh giải trí này cũng tạo ra một mạng lưới liên kết chặt chẽ với nhau, để tăng lượng tương tác, chia sẻ. Thậm chí, họ còn cho ra đời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MCN như Yeah 1, Trắng TV, METUB Network... Thế nhưng, sự chuyên nghiệp hóa đội ngũ sản xuất video trên các kênh thuộc Youtube có vẻ như tỷ lệ nghịch với chất lượng chương trình phát sóng trên mạng xã hội này. Khác với các tổ chức, cá nhân tội phạm trên mạng xã hội đăng tải video để gây án hoặc có động cơ thiếu trong sáng, đa số các video đăng trên các kênh MCN đều “phù hợp” với “bộ lọc tự động” của Youtube, nhưng nội dung của chúng lại đang xuống cấp một cách báo động mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào về chất lượng, nội dung, hay giới hạn thời gian.

Yeah 1 không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam bị Youtube và các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp mạnh tay trong những năm qua. Trước đó, trong các chiến dịch càn quét nội dung tiêu cực, Youtube đã áp dụng nhiều hình thức xử lý như: ẩn, xóa video, tắt lựa chọn quảng cáo kiếm doanh thu, xóa vĩnh viễn nhiều tài khoản nổi tiếng từ Việt Nam. Về phía ngành thuế, đã truy thu và phạt số tiền hàng tỷ đồng với một số cá nhân làm giàu từ Google, Facebook. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định một sự thật là trong nhiều năm, có rất ít kênh video vi phạm pháp luật và chính sách trên mạng xã hội bị xử lý. Điều này được lý giải bởi việc rà soát, kiểm duyệt chất lượng nội dung chương trình của các kênh giải trí của Youtube gần như chỉ được tiến hành một cách thủ công. Xử lý sai phạm chậm trễ, cộng thêm chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến nhiều đơn vị MCN vẫn “chứng nào tật nấy”.

Thực tế, danh sách thịnh hành trên Youtube hiện nay cho thấy sự hỗn tạp về nội dung chương trình khi các nhà sản xuất video liên tục thay đổi xu hướng để thu hút lượng người truy cập nhiều nhất có thể. Số lượng nhà sản xuất và video tăng nhanh, nhất là trong các chủ đề dung tục, phản văn hóa. Trong khi trào lưu phim bạo lực với chủ đề tội phạm, giang hồ chưa kịp nguội thì dòng phim ngôn tình xuyên tạc lịch sử, phim kinh dị mê tín dị đoan, các thử thách quái đản đã lên ngôi. Như kênh Challenge Me (Hãy thách thức tôi) đang thu hút gần 1,2 triệu lượt người theo dõi. Kênh này tự giới thiệu “series tài liệu khám phá thực tế phát trên Youtube về những điều bí ẩn trong cuộc sống chưa có lời giải đáp thỏa đáng, gây tò mò, thậm chí sợ hãi cho con người... Thông qua đó là giới thiệu cảnh đẹp, con người, lịch sử, địa lý, phong tục Việt Nam”. Nhưng thực tế, nội dung chủ yếu của các tập phim này chỉ xoay quanh những chuyện rùng rợn, hoang đường như Nghiệp âm, Nhật ký phòng trọ ma, tâm linh Thái Lan, Khám phá chuyện kỳ bí... Trong loạt phim đó, nhân vật trải nghiệm thường xuyên kích động người xem bằng những câu chuyện phi lý, thiếu cơ sở khoa học. Trong khi tự nhận là phim cổ trang, lấy cảm hứng từ lịch sử nhưng hai tác phẩm Bí mật trường sanh cung, Nam phi liên hoàn kế và dự án Phượng khấu sắp ra mắt đã gây ra tranh cãi kịch liệt trong cộng đồng mạng vì các yếu tố xuyên tạc lịch sử, sao chép nội dung, dàn dựng cẩu thả, phân biệt giới tính... Trong khi đó, đạo diễn Bí mật trường sanh cung thản nhiên thừa nhận mình cố tình sao chép các tình tiết của Diên hy công lược và cảm thấy hãnh diện nếu được ví von với bộ phim này, bất chấp thảm họa truyền hình đó bị Nhật báo Bắc Kinh lên án là một sản phẩm giải trí chỉ biết theo đuổi những lợi ích thương mại, thay vì truyền tải các giá trị tinh thần tốt đẹp. Tệ hại hơn, Nam phi liên hoàn kế còn sử dụng chiêu trò hài rẻ tiền vốn từ lâu đã bị công chúng phê phán để chọc cười khán giả như: giả gái, người đồng tính, khiếm khuyết về hình thể...

Bên cạnh xu hướng sản xuất phim dài kỳ, trào lưu thử thách, thì thí nghiệm rùng rợn trên các kênh giải trí Việt Nam cũng đang có chiều hướng gia tăng. Sau “thành công” gây tranh cãi của kênh Youtube NTN (Nguyễn Thành Nam), hàng loạt nhà sản xuất video ở Việt Nam cũng đang chạy theo mô hình trên. Nội dung của những chương trình này chỉ xoay quanh các trò chơi lố bịch, hù dọa, thậm chí gây nguy hiểm cho con người và môi trường như: Trò đùa cho người vào vali kéo đi chơi Tết, Thử đánh cá bằng natri, Nghịch ngu troll bạn điện giật phải đi cấp cứu, Đốt xe máy thử lòng người đi đường... Có thể nhắc tới hậu quả tai hại từ trò chơi thách thức nhau trên mạng xã hội là vụ việc “thiếu nữ đốt trường học để câu like” và dường như đó chưa phải là bài học răn đe hiệu quả đối với các nhà sản xuất video sẵn sàng làm mọi thứ để có thu nhập từ quảng cáo trực tuyến.

Trong khi chờ đợi các biện pháp xử lý bằng bộ lọc chuyên biệt từ Youtube, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc với các doanh nghiệp MCN có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Vì khác với các cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội để chống phá Nhà nước, bôi xấu cá nhân,... phải sử dụng địa chỉ nước ngoài, hoặc nấp dưới danh nghĩa này khác, đa số kênh MCN đều đăng ký tài khoản chính thức trên Youtube, địa chỉ IP tại Việt Nam. Thậm chí một số kênh MCN đã chuyển sang mô hình doanh nghiệp truyền thông, công khai các thông tin như: số điện thoại, tài khoản ngân hàng, địa chỉ thư điện tử để khách hàng liên hệ quảng cáo. Đây chính là cơ sở để các cơ quan chức năng thuộc Bộ TT - TT cùng nhiều ban, ngành khác thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi. Đầu năm 2018, Bộ TT - TT đã có kế hoạch lập danh sách những kênh Youtube “sạch” để khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm ăn hợp pháp, đàng hoàng. Tuy nhiên, để thực hiện thành công dự án này, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy định chặt chẽ về quản lý doanh nghiệp trên mạng xã hội và chất lượng nội dung chương trình. Trong đó, có thể xem việc tham khảo hệ thống phân loại các chương trình trên sóng truyền hình hiện nay tại Việt Nam và thế giới, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo là các chuẩn mực pháp lý, là cơ sở để xử lý. Bởi, dù được phát sóng trên bất kỳ phương tiện nào, từ đài truyền hình, báo điện tử hay mạng xã hội, các đơn vị sản xuất chương trình video vẫn phải bảo đảm chất lượng nội dung và tuân thủ pháp luật.

Trong bối cảnh truyền hình internet đang ngày một phát triển, việc các cá nhân, tổ chức, công ty kinh doanh, cung cấp dịch vụ MCN là một xu thế tất yếu. Chính vì vậy, cần phải tạo điều kiện và bộ khung pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của loại hình dịch vụ mới này, tránh để diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phân chia lợi ích nhóm... Song ở chiều ngược lại, các cá nhân, tổ chức, công ty đó cũng cần ý thức nghiêm túc về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật khi sản xuất, đăng tải và chia sẻ video với mục đích kinh doanh. Vì mọi hành vi làm giàu bất chính dưới bất kỳ danh nghĩa nào thì cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất