Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học
Thứ Năm, 4/4/2019 9:51'(GMT+7)

Giảm ô nhiễm môi trường không khí từ phát triển giao thông bền vững và sử dụng năng lượng sạch

Các chất khí khác như NO2, SO2, CO… đều có giá trị trung bình thấp hơn rất nhiều giới hạn quy chuẩn cho phép. Các nguồn gây ô nhiễm chính gồm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt ở các khu vực đô thị. Tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đến hết năm 2018 trên 3,7 triệu xe. Số lượng đô thị tăng nhanh, nhất là các đô thị trực thuộc tỉnh. Năm 2007 cả nước có 729 đô thị, đến năm 2018 tăng lên 819 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt và 817 đô thị loại 1 đến 5.

Khí thải từ các phương tiện này là một trong những nhân tố chủ yếu gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Khí thải từ các phương tiện giao thông bao gồm bụi, CO2, NO2, SO2, khói, chì, VOC… trong không khí. Số liệu quan trắc tại các nút giao thông vào giờ cao điểm cho thấy nồng độ các loại bụi PM10, PM2.5, PM1 tăng cao, do tập trung đông số lượng phương tiện tham gia giao thông. Nhiều khu vực hoạt động xây dựng, phát triển đô thị chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các công trường xây dựng đã và đang gây ra ô nhiễm không khí, chủ yếu là ô nhiễm bụi trong quá trình thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu, đất cát phục vụ thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, ô nhiễm do khí thải của ngành công nghiệp xi măng, sản xuất thép, nhiệt điện, khai thác than, vật liệu xây dựng, hóa chất, một số ngành sử dụng lò hơi. Một số nhà máy, đặc biệt là loại vừa và nhỏ như nhà máy xi măng lò đứng hầu như chưa có hệ thống xử lý bụi đạt yêu cầu. Các nhà máy thép, xi măng chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất độc hại.

Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết: Một số vấn đề tồn tại trong công tác quản lý môi trường như hành lang pháp lý chưa đồng bộ và chưa phù hợp với diễn biến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; hệ thống quy định và quy chuẩn kỹ thuật chưa bao quát các lĩnh vực đặc thù và thực tiễn sản xuất. Công tác phối hợp quản lý môi trường không khí giữa các bộ, ngành liên quan với Bộ Tài nguyên và Môi trường thiếu chặt chẽ và chưa thường xuyên. Hệ thống quan trắc môi trường chưa phát huy được hiệu quả giám sát quản lý. Trang thiết bị quan trắc chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí nhiều nơi không bố trí đủ kinh phí vận hành bảo dưỡng.

Các mô hình nghiên cứu quản lý chất lượng không khí chưa được áp dụng rộng rãi, công nghệ xử lý khí thải mới chỉ xử lý được các loại khí cơ bản như bụi, NO2, SO2 mà chưa xử lý hoàn toàn được các loại khí thải độc hại. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát nguồn thải chưa hiệu quả. Thiết bị đo nhanh khí thải chưa được đầu tư tương ứng với diễn biến phức tạp của các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường không khí, Tổng cục Môi trường cho rằng, giải pháp trước mắt cần tổ chức thực hiện Quyết định 985aQĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý môi trường không khí; tăng cường các nguồn lực về con người, xây dựng chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp quản lý môi trường không khí từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất lượng không khí; bổ sung nguồn lực tài chính cho công tác quản lý môi trường không khí, quan trắc chất lượng không khí, cải thiện hiệu quả quan trắc và thông tin dữ liệu để phục vụ kịp thời cho yêu cầu quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường không khí; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý chất lượng không khí.

Giải pháp lâu dài là đồng bộ các công cụ quản lý chất lượng không khí, đặc biệt đẩy mạnh phát triển công cụ kinh tế trong quản lý chất lượng không khí như thiết lập cơ chế trao đổi hạn ngạch trao đổi khí thải công nghiệp, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải hoặc nguyên, nhiên liệu, dịch vụ phát sinh khí thải; hài hòa việc sử dụng các công cụ kinh tế với công cụ pháp lý và các giải pháp công nghệ cần được cân nhắc trong bối cảnh thực tiễn.

Các giải pháp công nghệ cần thực hiện thông qua việc quan trắc, kiểm kê phát thải, kiểm soát chất lượng không khí đô thị và khu công nghiệp; tổ chức thực hiện mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và kiểm kê nguồn thải; tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất cũng như tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng cần tăng cường kiểm soát khí thải từ hoạt động giao thông, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng, các dự án phải thực hiện nghiêm ngặt bảo vệ môi trường trong xây dựng, không để rơi vãi, phát tán bụi; tuyên truyền người dân không đốt rơm rạ bừa bãi, hạn chế tối đa việc sử dụng than trong đun nấu…; tăng cường đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động liên tục đảm bảo đủ dày mạng lưới để dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí xung quanh; công khai thông tin chất lượng không khí tại các trạm đo cho người dân biết.

Theo Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), cần khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác./.

Minh Nguyệt/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất