Ở Việt Nam, vấn đề tái sử dụng nước thải vẫn chưa được chú ý nhiều, mặc
dù gần đây đã có một số nghiên cứu về tái sử dụng nước thải song mới là
những nghiên cứu ở quy mô nhỏ.
Tái sử dụng nước thải là biện pháp sử dụng hiệu quả khi nguồn nước ngọt hạn chế ở nhiều quốc gia, giải pháp hữu hiệu bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường nước, đất.
Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, nước thải được tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả sử dụng để làm nước uống. Tình hình tái sử dụng nước trên toàn cầu với tỷ lệ 32,1% cho tưới tiêu nông nghiệp; 18,79% cho công nghiệp; 6,39% cho hoạt động giải trí; 20,62% cho tưới tiêu, tạo cảnh quang; 2,3% tái sử dụng làm nước uống gián tiếp…
Tuy vậy, do yếu tố kinh tế trong xử lý nước thải để tái sử dụng, tùy điều kiện của các quốc gia mà mức độ tái sử dụng nước thải có sự khác biệt. Israel là quốc gia đang đứng đầu thế giới về tái chế nước thải với 75% lượng nước thải được sử dụng lại.
Ở Việt Nam, vấn đề tái sử dụng nước thải vẫn chưa được chú ý nhiều. Mặc dù gần đây đã có một số nghiên cứu về tái sử dụng nước thải song mới là những nghiên cứu ở quy mô nhỏ, tập trung vào một đối tượng/ngành sử dụng và xả nước thải.
Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào đánh giá toàn diện về thực trạng tái sử dụng nước thải cho tất cả các ngành/khu vực dùng nước và xả nước thải.
Về mặt chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu và tái sử dụng nước thải. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng nước thải.
Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng, thiếu nguồn nước sạch, vấn đề tái sử dụng nước thải cần phải có những chính sách đồng bộ ở các cấp và cần được xem là một bộ phận không tách rời với công tác quản lý nước thải nói riêng và quản lý tài nguyên nói chung.
Hiện các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn đã và đang quy hoạch và triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Việc đưa vào vận hành các nhà máy này sẽ góp phần giảm thiểu một lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt các sông hồ nội thành, nội thị tại nhiều địa phương.
Dự kiến sẽ xây dựng 51 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại 3 trở lên với công suất hơn 4 triệu m3/ngày đến năm 2030. Có một số công nghệ xử lý nước thải tại chỗ cho các hộ gia đình hay các cụm dân cư với công suất nhỏ hơn cũng được nghiên cứu và ứng dụng khá tốt như các mô hình bể BASTAF, bể AFSB, AFSB-F…
Có nhiều phương pháp xử lý nước thải chăn nuôi được áp dụng như phương pháp sinh học, hóa lý, đất ngập nước… trong đó phương pháp sinh học được ứng dụng phổ biến.
Gần đây, một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, do đặc tính nước thải chăn nuôi, điển hình là chăn nuôi lợn có hàm lượng các chất hữu cơ, nito, phốt pho và coliform rất cao nên phải được xử lý qua 3 bước kế tiếp bao gồm xử lý yến khí với kỹ thuật ABR để loại phần lớn chất hữu cơ, tiếp theo là xử lý bằng kỹ thuật lọc sinh học hiếu khí-thiếu khí loại bỏ tiếp chất hữu cơ và phần lớn nito, phốt pho và cuối cùng là xử lý bổ sung bằng thực vật thủy sinh loại bỏ các chất này.
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các công trình khí sinh học quy mô nhỏ hơn 15m2 phù hợp với nhu cầu sử dụng khí ga đun nấu của hộ gia đình nên đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Cặn lắng từ khâu xử lý nước thải được thu gom xử lý chung với phân và nước rỉ trong quá trình ủ phân có thể đưa ngược trở lại hệ thống xử lý nước thải.
Khảo sát 120 nhà máy chế biến thủy sản trong cả nước, công nghệ xử lý nước thải đang được áp dụng gồm công nghệ lọc yếm khí kết hợp hồ sinh học; công nghệ sinh học hiếu khí bùn hoạt tính lơ lửng hay kết hợp kỵ khí và hiếu khí; quá trình hóa lý kết hợp với quá trình sinh học hiếu khí, trong đó chủ yếu là công nghệ sinh học hiếu khí bùn hoạt tính lơ lửng.
Với ngành sản xuất dệt nhuộm, 4 công nghệ chính đang được áp dụng như kết hợp hóa lý và lọc; kết hợp hóa lý và sinh học hiếu khí hay ngược lại; kết hợp hóa lý, sinh học hiếu khí và hóa lý; kết hợp hóa lý, sinh học và lọc.
Do đặc thù của ngành dệt nhuộm có sử dụng nhiệt trong quá trình nhuộm nên nước thải thường có nhiệt độ cao nên dây chuyền công nghệ của một số công ty có sử dụng tháp giải nhiệt hoặc giàn làm mát. Hầu hết các hệ thống xử lý được khảo sát đều không có công đoạn khử trùng trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Do đó, chỉ tiêu coliform của nước thải đầu ra hầu hết đều vượt quy chuẩn việt Nam. Ngoài việc thiếu hụt kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong việc không được tiếp cận hệ thống, công nghệ xử lý chất thải mới. Do đó, chất lượng nước thải không đảm bảo khi xả thải ra môi trường.
Trên thế giới cũng như Việt Nam không áp dụng một công nghệ duy nhất, mà áp dụng nhiều giải pháp công nghệ khác nhau để xử lý an toàn và triệt để nước thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.
Hiện Việt Nam đang áp dụng một số nhóm công nghệ như bãi lọc trồng cây kết hợp bể lọc yếm khí; hồ sinh học ổn định; lọc sinh học nhỏ giọt; bùn hoạt tính trong bể hiếu khí hay xử lý nước thải theo nguyên tắc yếm khí-thiếu khí-hiếu khí hoặc hiếu khí-thiếu khí trong các công trình hợp khối.
Mỗi công nghệ, phương pháp xử lý có ưu điểm, nhược điểm riêng nên trong quá trình áp dụng cần có sự cân nhắc cho phù hợp.
Do đặc trưng của nước thải sinh hoạt có hàm lượng chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ lớn, thành phần khá phức tạp nên các công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung loại bỏ các chất ô nhiễm này và thường phải thường tích hợp nhiều phương pháp để xử lý.
Hiện nay công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có sự khác biệt ở các đô thị khác nhau, tùy thuộc vào tính chất nước thải và công suất xử lý. Công nghệ bùn hoạt tính được áp dụng rộng rãi nhất bao gồm bùn hoạt tính truyền thống, kỵ khí-thiếu khí-hiếu khí, bể phản ứng sinh học hoạt động theo mẻ hay mương ôxi hóa.
Gần đây, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam.
Ưu điểm của giải pháp là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt là nồng độ ô nhiễm cao, với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường./.
Minh Nguyệt (TTXVN)