Chủ Nhật, 24/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 11/5/2013 23:31'(GMT+7)

Thái Bình: Nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho các tập thể đạt thành tích trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho các tập thể đạt thành tích trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Ảnh: Thành Tâm


Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng cao. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể  triển khai sâu rộng phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa. Việc đăng ký, bình xét công nhận gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa được thực hiện dân chủ, công khai đã có tác dụng tích cực, góp phần ổn định tình hình nông thôn. Số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng từ 1,5 -2%. Năm 2012 số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 78%, gần 1000 lượt thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa đạt chuẩn là 46%; 62,5% cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Bên cạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua: “Học  tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Xoá đói giảm nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; "Lương y như từ mẫu"; “Học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy Công an nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân”;“Thi đua quyết thắng”; Xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, “Xứ họ đạo 4 gương mẫu”; “Làm nghìn việc tốt”... được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.

Việc triển khai, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27 - CT/TW ngày 12-01-1998 của Bộ Chính trị, Kết luận 51 - KL/TW của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, đạt được kết quả nhất định. Lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, vui tươi, lịch sự và tiết kiệm, hình thức tổ chức tiệc trà, báo hỷ được các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Tình trạng đám cưới phô trương, hình thức, tổ chức ăn uống kéo dài đã giảm, không còn tình trạng tảo hôn, ép cưới, thách cưới; Hơn 90% các đám tang đã thực hiện tốt các quy định thực hiện nếp sống văn minh. Các hủ tục khóc thuê, khóc mướn, lăn đường, phúng viếng bằng rượu, thịt, mời thuốc lá đã được loại bỏ; giảm việc phúng viếng bằng vòng hoa, đối trướng. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong quản lý nghĩa trang và xây mộ được chú trọng, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thực hiện quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa gắn với quy hoạch nông thôn mới. 80% nghĩa trang có đội quản trang, hoạt động có nền nếp, đảm bảo vệ sinh, môi trường.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện có hiệu quả, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong các lễ hội được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Không còn tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan như bói toán, lên đồng, xóc thẻ, khấn thuê, người hành khất…Việc phục dựng các lễ hội như: rối nước xã Nguyên Xá, Đông Các; múa hát chèo làng Khuốc xã Phong Châu (huyện Đông Hưng); hát ca trù ở Đồng Xâm, múa ông Đùng, bà Đà ở Quang Lang (Thái Thụy); lễ thức trình nghề ở hội đền La Vân xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ), hội thi dệt chiếu Hới xã Tân Lễ (Hưng Hà)...góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của tỉnh.

 Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng từ các cơ quan, đơn vị, thôn, làng, tổ dân phố, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Hệ thống thiết chế nhà văn hóa từ tỉnh tới cơ sở được duy trì, củng cố, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Đến nay có 4 nhà văn hóa cấp tỉnh, 7/8 nhà văn hóa cấp huyện, thành phố, 285/286 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, và 1.366/2072 thôn làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoạt động hiệu quả. Đội thông tin lưu động cấp tỉnh và huyện thường xuyên được củng cố về mặt tổ chức, nâng cao về chất lượng hoạt động. Trên 3000 câu lạc bộ thuộc 60 loại hình câu lạc bộ khác nhau được duy trì hoạt động có hiệu quả, đã phát huy được bản sắc văn hóa từng vùng, địa phương, đáp ứng nhu cầu giải trí và sáng tạo văn hóa, văn nghệ của nhân dân.

Hoạt động văn học nghệ thuật của Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh phát triển đồng đều ở tất cả 7 chuyên ngành (văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh-điện ảnh, âm nhạc-múa, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian). Số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng được công bố: từ 1998 đến nay đã in 258 tác phẩm sách; trưng bày 328 tác phẩm mỹ thuật, 427 tác phẩm nhiếp ảnh; xuất bản 7 tập ca khúc, 13 album nhạc; dàn dựng mới và nâng cao 48 vở diễn; giới thiệu 11 công trình nghiên cứu, sưu tầm; quy hoạch 650 lượt công trình kiến trúc, thiết kế kỹ thuật và thi công 125 công trình...). Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng giáo dục, xây dựng con người mới văn minh và hiện đại được đông đảo công chúng đón nhận.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; đã kiểm kê, lập danh mục các di tích một cách  nghiêm túc, khoa học. Toàn tỉnh hiện có 2.165 di tích, trong đó Chùa Keo (Vũ Thư) là di tích quốc gia đặc biệt, 108 di tích lịch sử  quốc gia, 482 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật đưa nội dung lịch sử văn hóa Thái Bình, địa chí Thái Bình, di tích lịch sử và lễ hội Thái Bình, múa hát Chèo và dân ca vào chương trình đào tạo. Từ năm 1998 đến nay, nhà trường đã đào tạo được 20 khóa chèo, nhạc cụ dân tộc cho trên 500 học sinh sinh viên; mở 3 khóa dạy hát múa Chèo và dân ca cho trên 300 giáo viên dạy nhạc, giáo viên mầm non trong tỉnh; tăng cường đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng hát múa Chèo cho phong trào hát múa Chèo ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Công tác nghiên cứu, xuất bản lịch sử văn hóa được chú trọng: Tổ chức nhiều hội thảo về các danh nhân văn hóa Thái Bình (Trần Thủ Độ, Đào Nguyên Phổ, Doãn Uẩn, Doãn Khuê, Lương Chính Quy), biên soạn Địa chí Thái Bình (8 tập), văn hóa làng Thái Bình, lịch sử Đảng bộ các địa phương... Hàng năm Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được từ 100 - 120 tài liệu, hiện vật, trong đó có những hiện vật quý như: sưu tập 2 trống đồng cổ niên đại 2300 - 2500 năm TCN, sưu tập 120 hiện vật dấu đồng và thẻ bài có niên đại đầu thế kỷ XX, phục vụ trên 20.000 lượt khách tham quan.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ luôn được quan tâm.  Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 25-2-2002 về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo giai đoạn 2001 - 2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình hành động số 468/UB-VX về việc thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU; Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, “Quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đến năm 2012, toàn tỉnh có 106/299 trường mầm non, 275 trường tiểu học (93,85%), 159/271 trường THCS, 14/41 trường PTTH đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học từng bước được nâng lên và ổn định. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia được giữ vững, năm sau cao hơn năm trước; kết quả thi tốt nghiệp THPT đều đạt trên 99%; học sinh dự thi đại học, cao đẳng của tỉnh luôn xếp hạng cao trong cả nước.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thường xuyên được học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 99,5%, trên chuẩn là 54,6%; trong đó tỷ lệ đạt chuẩn trở lên ở bậc học mầm non là 98,5% (có 43,6% trên chuẩn); tiểu học là 99,9% (88,1% trên chuẩn); THCS là 99,7% (55,9% trên chuẩn); THPT 100% (3,7% trên chuẩn); GDTX 100% (2,1% trên chuẩn); tỷ lệ lao động đã qua các lớp đào tạo nghề năm 2012 đạt 45,6%. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được tăng cường, hiện có trên 31 nghìn cán bộ khoa học và công nghệ trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó 57% có trình độ đại học trở lên.

Phát triển hệ thống thông tin đại chúng, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã từng bước được củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ; bổ sung đội ngũ phóng viên, biên tập viên; đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiệp vụ báo chí, phát thanh, truyền hình tương đối hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng nội dung và hình thức.

Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tạo điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn các giáo hội, chức sắc hoạt động đúng pháp luật, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức lành mạnh, duy trì việc gặp mặt các chức sắc, chức việc, đảng viên công giáo, tăng ni, phật tử nhân  dịp lễ Noel và lễ Phật đản. Phong trào thi đua xây dựng: “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, “Xứ họ đạo 4 gương mẫu”, được chức sắc và tín đồ các tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng, hàng năm có gần 50% số chùa và trên 40% xứ họ đạo đạt tiêu chuẩn 4 gương mẫu. Từ năm 1998 đến 2012 đã có 100 chùa, 110 nhà thờ công giáo được tu bổ, sửa chữa, xây mới. Nghệ thuật Chèo và Múa rối nước đã được tham gia biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, các nước Đông Âu, Úc, Thái Lan, Singapo...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ủy Thái Bình nghiêm túc nhận thấy còn một số tồn tại cần được khắc phục như:
Nhận thức về vai trò quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa trong nông thôn của tỉnh, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội của các tầng lớp nhân dân để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của các cấp uỷ, chính quyền chưa thường xuyên, chưa trở thành ý thức tự giác của mỗi người.

Việc chăm lo xây dựng con người giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình chưa được quan tâm đầy đủ, chưa có hình thức cụ thể chống tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Những biểu hiện và hành vi suy đồi đạo đức truyền thống vẫn diễn ra, gây bức xúc trong xã hội.

Một số phong trào chưa được duy trì thường xuyên, liên tục nên tác dụng xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương chưa chú trọng đến việc đánh giá thực chất các phong trào thi đua. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nơi còn chạy theo hình thức, gây lãng phí, không thiết thực.

Do điều kiện kinh phí của tỉnh còn nhiều khó khăn nên kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nhất là việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân; việc đầu tư xây dựng, trùng tu các khu di tích chưa xứng tầm với ý nghĩa lịch sử…

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, thời gian tới tỉnh ủy Thái Bình tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền trên lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục quán triệt nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là của các cấp ủy Đảng, của mỗi đảng viên; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương từ đó tăng cường đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa.    

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng mở các chuyên trang, chuyên mục về việc thực hiện nếp sống văn hóa, kịp thời biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiêu biểu, phê phán, lên án những biểu hiện tiêu cực, tạo dư luận đồng tình, ủng hộ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường văn hóa.
 
Ba là,nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong cán bộ, đảng viên, công chức, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, sáng tạo của nhân dân, gắn chặt mục tiêu xây dựng con người với hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng của quần chúng. Đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chú trọng “làm theo”.

Bốn là, tập trung xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa - văn minh  tạo nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn  dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt ở cộng đồng dân cư, gắn xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện Quyết định 17/QĐ-UBND, ngày 20/11/2012 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh; Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng. Phát triển mạnh sự nghiệp thông tin đại chúng. Thường xuyên tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật để có được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật phục vụ nhu cầu xã hội.

 Năm là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, chú trọng đầu tư củng cố, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đầu tư xây dựng, củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh theo chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng, nâng cấp hệ thống các nhà truyền thống, nhà lưu niệm, các công trình vui chơi, giải trí công cộng. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Xây dựng và phát triển văn hóa không chỉ góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương phấn đấu xây dựng để Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như lúc sinh thời Bác Hồ đã căn dặn.

Thanh Huyền

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất