Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, những năm qua Sở KH&CN đã tích cực phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN; các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đời sống, trong đó kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 60%.
Đã có nhiều đề tài, dự án KH&CN được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất; nhiều giống cây, giống con mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất. Chỉ trong 2 năm (2010- 2011) đã có trên 70 giống cây màu mới, gần 200 giống lúa mới được khảo nghiệm, nhiều giống được tuyển chọn, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.
Đặc biệt, đã chọn tạo và đưa ra sản xuất đại trà 5 giống lúa, 1 giống lạc, được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận giống Quốc gia. Đã có từ 80 - 95% diện tích gieo trồng được bà con nông dân sử dụng giống mới như: các giống lúa ngắn ngày, ngô lai, đỗ tương, khoai tây... góp phần đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh trong nhiều năm liền đạt từ 12- 13 tấn/ha/năm, sản lượng ổn định trên 1 triệu tấn, hệ số quay vòng đất nâng lên, trung bình từ 2,2 – 2,6 lần, nhiều vùng 4 vụ/năm, thu nhập đạt từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Các vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: vùng khoai tây, đậu tương, rau màu, lúa chất lượng cao được hình thành ở hầu khắp các huyện, thành phố.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KH&CN ở 3 khâu “con giống, thức ăn, nuôi dưỡng” nên chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao được đưa nhanh vào sản xuất như: lợn rừng, gia cầm siêu thịt, siêu trứng, con đặc sản... góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển, tăng trung bình 8,05%, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 36,61% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.
Chăn nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi gia công có quy mô công nghiệp theo hướng hiện đại được mở rộng và phát triển bền vững. Trong lĩnh vực thủy sản, đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều giống thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá Chim trắng, Chép lai, Lóc bông, Rô phi đơn tính, tôm Sú, Cua biển, ngao... Sản lượng thủy sản năm 2011 đạt 130.254 tấn, tăng 13,9% so với năm 2010, giá trị sản xuất đạt 826,9 tỷ đồng, tăng 11,38%.
KH&CN đã góp phần hiệu quả vào việc khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới. Tiếp thu, ứng dụng công nghệ vật liệu mới để xây dựng gần 100 mô hình cung cấp nước sạch cho làng nghề, một số Trung tâm Y tế huyện và các vùng nông thôn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
Đặc biệt đã ứng dụng công nghệ Biogas, công nghệ vi sinh và một số chế phẩm vi sinh khác xử lý môi trường khu vực thị trấn, thị tứ và các làng nghề chế biến nông sản. Tích cực triển khai chương trình hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, ưu tiên sản phẩm của các xã nghề, làng nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 229 làng nghề đủ tiêu chuẩn, 100% số xã đều có nghề, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho 150 ngàn lao động, đóng góp 20% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN đã tập trung đầu tư vào chương trình xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho trên 120 lao động của 60 hộ nông dân và một số cơ sở sản xuất vay vốn với lãi suất thấp để ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc ứng dụng các mô hình KH&CN vào sản xuất bước đầu đạt kết quả tốt, song việc triển khai nhân rộng ra đại trà ở những năm sau khi đề tài, dự án đã kết thúc còn nhiều hạn chế. Các đề tài, dự án có hàm lượng KH&CN cao, tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn ít. Nhiều đề tài KH&CN khảo nghiệm thành công và được nghiệm thu nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất. Đội ngũ cán bộ KH&CN trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, phương pháp trình bày, truyền đạt chưa thật sự hấp dẫn, chủ yếu truyền đạt thông tin, thiếu tính thực nghiệm, hướng dẫn dưới dạng cầm tay chỉ việc; chưa làm tốt vai trò “cầu nối” giữa nhà KH&CN với nhà sản xuất kinh doanh, nhất là việc tiếp thu, chuyển giao các công nghệ mới. Hơn nữa lại thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp với các đơn vị, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ.
KH&CN ngày càng có vai trò và vị trí quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, để đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, trước mắt và lâu dài, Thái Bình cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là: Phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó lấy chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN là chính, lựa chọn công nghệ sinh học là hướng ưu tiên để đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường; trong đó xác định các doanh nghiệp là khâu đột phá, là đơn vị tiên phong trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Hai là: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, nông thôn; hướng tới mục tiêu lâu dài là KH&CN trở thành nền tảng và động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Ba là: Tăng cường phổ biến kiến thức KH&CN về nông nghiệp, nông thôn cho người dân; đặc biệt là phổ biến cách thức, phương pháp nuôi trồng những giống cây, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm để tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho nông dân; xây dựng các trang trại, gia trại quy mô lớn, thành lập các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm.
Bốn là: Phát triển tiềm lực KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực KH&CN cho phát triển nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để chuyển giao tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, các trung tâm chuyển giao tiến bộ KH&CN, khuyến nông, ngư, các trạm, trại và các trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng một số cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn các huyện, thành phố.
Năm là: Mở rộng quan hệ, hợp tác KH&CN nhằm tranh thủ thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển KH&CN. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức KH&CN có năng lực ở trong và ngoài nước để chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào tỉnh. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa 4 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới./.
Vũ Mạnh Hiền
Nguồn: Báo Thái Bình