Ngày 17/12, Chính phủ Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách 3,38 tỷ bạt
dành cho cuộc bầu cử dự kiến vào 2/2/2014 bất chấp những tiếng nói phản
đối của phong trào biểu tình đòi trì hoãn sự kiện này.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nói rằng những người biểu tình muốn
hoãn cuộc bầu cử sắp tới để mở đường cho việc thực hiện các cải cách
chính trị có thể kéo dài tới một năm hoặc 18 tháng. Những quy định hiện
nay trong hệ thống bầu cử có nhiều lỗ hổng để có thể mua bán được phiếu
bầu và gây ra tham nhũng.
Một khi một số đạo luật được sửa lại và một số điều khoản của Hiến pháp
được sửa đổi phù hợp với những cải cách chính trị, cuộc bầu cử mới có
thể được tổ chức và nền dân chủ ở Thái Lan sẽ được thúc đẩy tiến lên.
Ông này khẳng định ông không bác bỏ bầu cử mà chỉ muốn có một cuộc bầu
cử công bằng, tự do và để làm được điều đó thì cần phải hoãn cuộc bầu cử
sắp tới để tiến hành cải cách trước.
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan Supachai Somcharoen cho biết Ủy ban bầu
cử không có sự lựa chọn nào khách ngoài việc phải tổ chức cuộc bầu cử
đúng hạn theo một sắc lệnh của Hoàng gia phê chuẩn việc giải tán quốc
hội và quy định ngày bầu cử.
Ông này khẳng định công tác chuẩn bị bầu cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban
bầu cử. Nếu muốn trì hoãn bầu cử phải có sự tham vấn với chuyên gia để
có thể thực hiện mà không vi phạm luật pháp. Theo quy định của pháp luật
cuộc bầu cử sẽ phải diễn ra.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã khẳng định lại một cách chắc chắn rằng
hiến pháp hiện nay bắt buộc bà phải tiếp tục nhiệm vụ của thủ tướng tạm
quyền cho tới khi bầu được một chính phủ mới. Do vậy, bà không thể làm
theo yêu cầu của những người biểu tình.
Bà Yingluck cho biết bà hoan nghênh các ý kiến tại các diễn đàn cải cách
chính trị, nhưng tiến trình cải cách đất nước cũng phải tuân thủ hiến
pháp. Bản thân bà cũng ủng hộ cải cách đất nước sau cuộc tổng tuyển cử
tới.
Đảng Vì Thái Lan đã quyết định chọn bà Yingluck và người anh rể của bà,
cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat, là ứng cử viên số 1 và số 2 theo danh
sách đảng, với lời giải thích rằng bà Yingluck vẫn nhận được sự ủng hộ
rộng rãi. Tuy nhiên, nếu bà không nhận lời thì có thể ông Somchai sẽ
thay thế.
Chủ tịch đảng Vì Thái Lan Charupong Ruangsuwan đã tuyên bố rằng chính
quyền sẽ không để những người biểu tình phá hoại các hệ thống luật pháp
bằng việc ngăn cản tiến trình bầu cử. Ông này cũng khẳng định việc bà
Yingluck vẫn được lựa chọn là ứng cử viên số 1.
Đảng Dân chủ đối lập hôm nay cũng đã tổ chức đại hội và nhất trí tiếp
tục bầu ông Abhisiti Vejjajiva làm chủ tịch với một ban chấp hành mới
gồm 35 thành viên. Tại đại hội này, các thành viên đảng Dân chủ cũng đã
nhất trí thay đổi điều lệ, mở rộng việc kết nạp ủy viên ban chấp hành
trung ương mà không nhất thiết phải là đảng viên, tăng số lượng thành
viên ban chấp hành và thành lập ba ủy ban chuyên môn phụ trách lựa chọn
ứng cử viên, hoạch định chính sách và thúc đẩy dân chủ.
Dự kiến ban chấp hành mới của đảng này sẽ thông báo quyết định có tham
gia cuộc bầu cử mới hay không trong một thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, đảng Vì Thái Lan cũng đang chuẩn bị các tình huống trong trường hợp đảng Dân chủ tuyên bố tảy chay cuộc bầu cử.
Năm 2005, đảng Dân chủ từng quyết định tảy chay bầu cử và kêu gọi các
đảng phái khác cũng làm như vậy. Kết quả cuộc bầu cử đó đã bị tòa án
tuyên bố không hợp lệ, dẫn tới việc đảng Người Thái yêu người Thái bị
giải tán sau cuộc đảo chính quân sự tháng 9/2006.
Cho tới nay, các đảng nhỏ ở Thái Lan vẫn nhất trí tham gia bầu cử và có
thể đây sẽ là điều khác biệt nữa so với những gì đã xảy ra trước đây./.
Hà Linh (Vietnam+)