Quyết định hủy bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 của Tòa án hiến
pháp Thái Lan đã giải đáp được câu hỏi về tính hợp pháp của tiến trình
bầu cử, nhưng chính nó lại đặt ra những vấn đề mới về việc khi nào thì
một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức và liệu những bế tắc chính trị hiện
nay có được giải quyết hay không.
Theo một quan chức phụ trách công tác bỏ phiếu của Ủy ban bầu cử quốc
gia Thái Lan, ông Somchai Srisuttiyakorn, có hai khả năng lựa chọn để tổ
chức một cuộc tổng tuyển cử mới.
Cách thứ nhất là Ủy ban bầu cử và Chính phủ phối hợp để ấn định ngày bầu
cử mới trong vòng 60 ngày kể từ sau ngày ra phán quyết. Cách thứ hai là
Ủy ban bầu cử cùng tất cả các đảng phái chính trị phối hợp để định ngày
tổ chức bầu cử mà không cần áp dụng trong khuôn khổ 60 ngày.
Hai khả năng lựa chọn này đều dựa trên tiền lệ phán quyết 2006 của Tòa
án hiến pháp, trong đó tuyên hủy bỏ kết quả bầu cử và đề nghị Ủy ban bầu
cử cùng các đảng phái phối hợp để ấn định ngày bầu cử mới. Trong phán
quyết năm 2006, tòa án cũng nói rằng cuộc bầu cử mới nên được tổ chức
trong vòng 60 ngày, nhưng tất cả các đảng phái đều nhất trí hoãn lại.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử dự kiến vào 15/10/2006 này đã không được tổ chức
sau khi quân đội tổ chức cuộc đảo chính vào ngày 16/9 cùng năm đó.
Chính phủ Thái Lan đã có lập trường rõ ràng về việc họ không muốn phải
chờ đợi tới vài tháng để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Điều này có nghĩa
là chính phủ mong muốn một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào giữa
tháng 5/2014 theo khuôn khổ trong 60 ngày.
Nhưng điều này vẫn phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của Ủy ban bầu cử. Trước
cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2, Ủy ban bầu cử từng gợi ý hoãn bỏ phiếu vì
lo ngại tình trạng phản đối, đối đầu và kết quả là một cuộc bầu cử đã
được tổ chức một cách dở dang. Dựa trên tình hình hiện nay cũng như khả
năng lặp lại những vấn đề của cuộc bầu cử trước thì tiếng nói của Ủy ban
bầu cử lần này sẽ có trọng lượng hơn trong việc quyết định ngày tổ chức
bầu cử.
Trong trường hợp lựa chọn khả năng thứ hai thì liệu đảng Dân chủ có chấp
đàm phán để đi tới việc thống nhất ngày bầu cử mới hay không. Những
người Dân chủ luôn cáo buộc chính phủ muốn nắm giữ quyền lực thông qua
việc đảng Vì Thái Lan gây áp lực đối với các cơ quan hành chính địa
phương để giành chiến thắng trong bầu cử.
Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva thậm chí còn đưa ra gợi ý rằng
Thủ tướng Yingluck Shinawatra nên đối thoại với thủ lĩnh biểu tình
Suthep Thaugsuban để tìm ra giải pháp đưa Thái Lan trở lại bình thường.
Ông này coi phán quyết của tòa án là cơ hội để chính phủ đưa đất nước
thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Đảng Vì Thái Lan lại cho rằng đảng Dân chủ đối lập phối hợp với Phong
trào biểu tình và các cơ quan độc lập để thực hiện âm mưu lật đổ chính
phủ. Việc bầu cử không thể tổ chức trong cùng một ngày là do sự cản trở
của một nhóm người thiểu số và điều này sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm cho
những cuộc bầu cử trong tương lai.
Những người không ủng hộ chính phủ hiện nay thì cho rằng bà Yingluck nên
tôn trọng phán quyết của tòa án và cùng toàn bộ nội các từ chức hoặc
không nên ra tranh cử ở cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, những người ủng hộ
chính quyền thì cho rằng phán quyết của tòa án sẽ mở đường cho đảng Dân
chủ trở lại tham gia cuộc bầu cử mới nhằm chấm dứt bế tắc hiện nay.
Với những quan điểm bất đồng sâu sắc này, Thái Lan sẽ chưa thể sớm tổ
chức được một cuộc bầu cử mới. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan
trong năm nay sẽ đặt mức dưới 3% vì không có được một chính phủ đầy đủ
quyền lực để điều hành đất nước./.
(Vietnam+)