Thứ Ba, 17/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 27/5/2019 15:22'(GMT+7)

Thái Nguyên: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ

Người dân ở xóm Tân Hợp, xã Quy Kỳ, huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) chăm sóc rừng quế ba năm tuổi.

Người dân ở xóm Tân Hợp, xã Quy Kỳ, huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) chăm sóc rừng quế ba năm tuổi.

Định Hóa là huyện miền núi, đất lâm nghiệp chiếm gần 67% diện tích tự nhiên. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Ðịnh Hóa tập trung đầu tư trồng cây quế, loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phát huy thế mạnh đất lâm nghiệp, lại phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào DTTS.

Trước đây, gia đình ông Phạm Văn Giang ở thôn Thâm Yên, xã Tân Thịnh trồng năm héc-ta cây keo lai, sau bảy, tám năm cây keo lai cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/ha. Năm 2015, ông Giang thực hiện dự án trồng quế của huyện, được cấp cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật miễn phí. Ông Giang tính toán: "Cây quế từ năm thứ sáu đến năm thứ mười, trung bình mỗi héc-ta sẽ cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm từ khai thác tỉa cành, lá và vỏ quế. Năm thứ 15, rừng quế sẽ cho khai thác trắng toàn bộ với giá trị khoảng 300 triệu đồng/ha. Tính tổng thu nhập trong vòng 15 năm, mỗi héc-ta quế sẽ đem lại giá trị kinh tế hơn 550 triệu đồng".

Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh Hoàng Văn Hòa chia sẻ: "Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã trồng được gần 300 ha quế. Hiện, những diện tích quế trồng đầu tiên đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân".

Những năm trước, người dân huyện Ðịnh Hóa đã trồng khoảng 200 ha quế, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cho nên quế có hàm lượng tinh dầu cao. Khác với các cây trồng khác, sản phẩm từ quế như lá, cành, vỏ, thân đều bán được với giá cao, mang lại thu nhập thường xuyên, sau 15 năm trồng, mỗi héc-ta mang lại thu nhập từ 450 đến 550 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân chưa mặn mà với cây quế vì vốn đầu tư ban đầu lớn, sản phẩm khó tiêu thụ do không có doanh nghiệp bao tiêu. Khắc phục vấn đề này, giai đoạn 2015 - 2020 huyện có dự án phát triển cây quế, đầu tư toàn bộ giống.

Ðến nay, ngân sách huyện và Công ty TNHH Vũ Hoa hỗ trợ người dân 12 tỷ đồng trồng 2.250 ha quế tập trung. Sau khi thu hoạch, công ty đến tận nơi thu mua với giá 500 đồng/kg lá, 20 nghìn đồng/kg vỏ tươi, 2,8 triệu đồng/m3 gỗ quế.

Chủ tịch UBND huyện Ðịnh Hóa Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: Ðến năm 2020, huyện sẽ trồng hơn 2.500 ha quế để tạo vùng nguyên liệu tập trung và đang tích cực phối hợp công ty này xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế để tiêu thụ ổn định sản phẩm cho đồng bào các dân tộc
trong huyện.

Với 70% số dân là đồng bào DTTS, Võ Nhai là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, nhưng nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế của Ðảng, Nhà nước và của tỉnh cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay Võ Nhai đã có nhiều khởi sắc.

Mặc dù địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nhưng tất cả các xã đều có đường giao thông được bê-tông hóa đến trung tâm giúp việc đi lại, giao thương của người dân thuận tiện hơn; tất cả các xóm, bản có điện lưới quốc gia và trạm y tế. Với sự đầu tư về giống, vốn, kỹ thuật, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn huyện đã phát triển các vùng cây ăn quả tập trung như bưởi, na, ổi, chè, cam, thanh long mang tính hàng hóa, cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 4% trở lên, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,45% so với năm 2017.

Thái Nguyên có hơn 300 nghìn người là đồng bào DTTS, chiếm 27% dân số toàn tỉnh, cư trú ở 124 xã, thị trấn, trong đó chủ yếu là ở những xóm, bản vùng sâu, vùng xa.
 
Trong những năm qua, tỉnh xác định sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Ðảng, Nhà nước thông qua các Chương trình 135, 134, với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng điện, đường, trường, trạm, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm ổn định.
 
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành những chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển ở những vùng này. Ðiển hình như sau 4 năm thực hiện đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống (Ðề án 2037), tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương, huy động doanh nghiệp ủng hộ 117 tỷ đồng để hỗ trợ giống, phân bón, mua bò giống tặng đồng bào; đầu tư cứng hóa đường giao thông từ các xóm, bản có đông đồng bào Mông kết nối với trục đường chính. Chương trình đưa điện về xóm, bản sau gần hai năm triển khai đã giúp toàn bộ số xóm, bản có điện, 99,67% số hộ nông thôn trong tỉnh được dùng điện lưới quốc gia. Chương trình hợp tác với Samsung Thái Nguyên giúp gần mười nghìn lao động DTTS có việc làm, thu nhập ổn định...

Trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Nguyên mới đây, đồng chí Ðỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao nỗ lực, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua. Ðồng chí đề nghị, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh, gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thế Bình (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất