Từ những xã vùng ven phố thị, đến những buôn làng xa xôi phía thượng nguồn sông Đồng Nai, qua những miền đất huyền thoại dọc dải Trường Sơn đông… đời sống nhân dân đã thay đổi vượt bậc. Quả thật, có đi, có đến mới thấy, mới cảm nhận được sự đổi thay trên từng cung đường của buôn làng. Về cơ sở để “thấu” lòng dân, đó như là một “chỉ thị” của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, để hòa cùng cuộc sống người dân.
Đang lần giở, kiểm tra lịch trình cho những chuyến xuống cơ sở của Thường trực tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Ðồng Trần Ðình Văn cho biết: Cùng với kế hoạch, lịch trình "cứng", thì lúc nào nắm được vấn đề bức xúc, quan trọng là đi. Lĩnh vực nào thì thành phần đó, không phô trương. Mục đích là lắng nghe tiếng nói của người dân, nắm tình hình và xử lý thấu tình, đạt lý để dân hiểu, dân tin.
Cách đây chưa lâu, chúng tôi cùng đoàn công tác tỉnh Lâm Ðồng, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến dẫn đầu, đến thăm làng "ba không" (không rượu, không thuốc lá, không tệ nạn), thôn 5, xã Rô Men, huyện Ðam Rông, được nghe người dân, già làng... kể về chuyện chung tay xây dựng bản làng văn minh, chăm lo phát triển kinh tế. Thôn 5 có hơn 160 hộ, trong đó có khoảng 37 hộ khá. Các hộ dân ở đây chủ yếu canh tác nông nghiệp và tham gia dịch vụ giao khoán, bảo vệ rừng. Dù đã có sự đổi thay vượt bậc, không còn cảnh du canh, du cư, đói nghèo đeo bám như những ngày đầu bám trụ bên triền thung Ðạ Kông, nhưng đời sống của những người Mông ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Giữa rừng chiều yên ả, già làng Giàng Seo Lông thổ lộ: "Nhờ có sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, bản làng đổi thay nhiều rồi, nhưng để phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất vẫn là cái khó, một số gia đình vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước". Sau khi nghe chuyện, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng đã phân tích, làm rõ cái hay, cái khó và "giao nhiệm vụ": "Thôn 5 cần thay đổi để trở thành thôn kiểu mẫu của cả tỉnh". Và lần trở lại làng Mông (thôn 5, xã Rô Men) mới đây, qua cổng chào "thôn văn hóa", đã thấy sức sống mới ùa về.
Thời gian qua, Tỉnh ủy Lâm Ðồng luôn tập trung bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phân công cụ thể từ bí thư, phó bí thư, đến các đồng chí trong ban thường vụ, lãnh đạo các cơ quan của Ðảng, chính quyền trực tiếp về với người dân để giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Nhớ lại hai năm trước, trong chuyến đi của thường trực Tỉnh ủy Lâm Ðồng về xã Phi Tô, huyện Lâm Hà gặp cơn mưa rừng. Ðoàn phải băng qua khoảng 5 km đường lầy lội để đến được trụ sở xã. Cơn mưa đã khiến bức tranh thực tế sống động, sân trường THCS xã biến thành hồ, giao thông đi lại khó khăn… Qua thực tế và lắng nghe lời của cán bộ xã, của dân, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng biết thế mạnh, thế yếu địa phương, từ đó chỉ đạo ngay ở cơ sở. "Những vùng khó khăn một thời ở Lâm Hà nay đã thay da, đổi thịt. Từ thôn Hang Hớt, Cổng Trời đến Tiên Phong, Bồ Liêng… đời sống người dân ngày một nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản. Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác, mỗi tổ do một đồng chí thường vụ huyện ủy làm tổ trưởng, thường xuyên về dự sinh hoạt chi bộ cơ sở để kịp thời nắm bắt, lắng nghe tình hình, nếu có sự việc phát sinh sẽ xử lý ngay", Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, Hoàng Thanh Hải cho hay.
Lướt nhanh lịch trình "về cơ sở" của lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng trong năm 2018 từ xã Hà Lâm, Phước Lộc huyện Ðạ Huoai; xã Mỹ Ðức, Ðạ Pal, huyện Ðạ Tẻh; đến xã Anh hùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; rồi qua xã Tiên Hoàng, miền trầm tích Cát Tiên… Có về cơ sở mới thấu được lòng dân và thấy rằng, thực tiễn vẫn còn lắm chuyện cần quan tâm, giải quyết nhanh, hợp lý, hợp tình và hiệu quả. Từ chuyện điện, đường, trường, trạm, đến ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, công tác giảm nghèo bền vững; cung cách tiếp xúc, phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên... Ði để thấy rằng, cần cấp thiết bảo vệ những cánh rừng xanh đại ngàn; để thấy tiềm năng, thế mạnh và sự khốn khó, cần "cú huých" để vươn lên của những vùng quê; để biết cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em trên miền đất đỏ nam Tây Nguyên…
Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Lâm Ðồng Trần Ðức Quận đã tới thăm cơ sở sơ chế sầu riêng bằng phương pháp hút chân không duy nhất tại huyện Ðạ Huoai. Sau khi tham quan các công đoạn sản xuất, đồng chí cho rằng, đây là cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu "Sầu riêng Ðạ Huoai". Ðồng chí "giao việc" ngay cho các ngành chức năng của tỉnh, địa phương tạo điều kiện để cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, hợp tác cùng người dân phát triển kinh tế. "Cái hay của việc "đi cơ sở" là lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác nắm tình hình thực tế trước, hỏi rõ, phân tích kỹ những gì đã nghe và giải quyết ngay nếu thấy hợp lý; hoặc giao sở, ngành liên quan thực hiện, ấn định thời gian hoàn thành", đồng chí Trần Ðức Quận bày tỏ.
Huyện Ðam Rông, thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập ba xã nghèo phía tây của huyện Lạc Dương và năm xã thuộc diện khó khăn của huyện Lâm Hà. Bởi thế, nhiều người nói vui, Ðam Rông là sự kết hợp của hai cái nghèo cũ thành một cái nghèo mới, nhưng lớn hơn và nghèo hơn. Ngày mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến ba phần tư, thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 2,6 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu... và nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, thuộc Chương trình "30a" của Chính phủ. Với sự quan tâm của T.Ư, tỉnh Lâm Ðồng, cùng sự nỗ lực của lãnh đạo, chung tay góp sức của nhân dân, miền đất hoang vu, khốn khó ngày nào đã vươn lên mạnh mẽ. Ðường nhựa đã được trải đến các xã, đường liên thôn, bảo đảm giao thông thuận lợi cả hai mùa mưa, nắng; hộ nghèo giảm còn 19,9%, 50 trong số 56 thôn đạt chuẩn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 32 triệu đồng… Hai năm qua, Thường trực Huyện ủy Ðam Rông đã "về với dân" tại 50 thôn, buôn của huyện. Bí thư Huyện ủy Trần Minh Thức cho rằng: "Phải đi cơ sở mới thấy được kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình bằng hình ảnh thực tế, để rồi từ đó có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý". Ông chia sẻ, năm 2020, Ðam Rông phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, mặc dù còn lắm gian nan, thử thách trên miền quê mới, nhưng tôi tin tưởng rằng, mục đích đó không còn xa.
Cùng những chuyến xuống cơ sở của lãnh đạo các cấp, những năm qua, chương trình "ngày thứ bảy vì dân", "thứ bảy vì nông thôn mới" của Huyện ủy Di Linh; "mỗi ngày một việc tốt, có ích" của Huyện ủy Cát Tiên; "ngày chủ nhật vì môi trường" của Huyện ủy Ðạ Huoai, phong trào "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của Ðảng ủy Công an tỉnh Lâm Ðồng... đều có ý nghĩa trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; tập trung hướng về cơ sở, giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Muốn phụng sự nhân dân, là công bộc của dân thì mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ biết gần gũi với nhân dân, trọng dân, biết nghe dân nói, mà phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về sự gắn bó mật thiết với dân, gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân. Ðây chính là bài học và trở thành giá trị đạo đức, phong cách, lối sống cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.
Theo Nhân dân