Ngày 28/9, tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy Thái
Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 85 năm thành lập cơ sở Đảng
Cộng sản đầu tiên tỉnh Thái Nguyên (1936-2021).
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng
Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các nhà khoa học,
nhà nghiên cứu lịch sử...
Hội thảo được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu đặt tại di tích lịch sử
nơi ra đời cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Thái Nguyên (xóm Lau Sau,
xã La Bằng) kết nối với điểm cầu tại các huyện, thành phố, thị xã trên
địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải
cho biết vào cuối năm 1936 tại xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ, đã
diễn ra lễ kết nạp bốn quần chúng ưu tú là Đường Quý Nhất, Đường Văn
Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp vào Đảng Cộng sản Đông Dương,
đánh dấu sự kiện cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên chính thức được
thành lập, mở ra con đường, phương hướng phát triển mới cho phong trào
cách mạng tại Thái Nguyên, góp phần vào thành công chung của cuộc Tổng
khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
không ngừng lớn mạnh và phát triển về mọi mặt, từ 4 đảng viên đầu tiên
khi cơ sở Đảng mới thành lập, trải qua 20 kỳ đại hội, đến nay đã có 16
Đảng bộ trực thuộc với hơn 94.700 đảng viên sinh hoạt tại 606 tổ chức cơ
sở Đảng.
Kinh tế, xã hội đạt được nhiều thành tựu, năm 2020, giá trị sản xuất
công nghiệp đạt 783.600 tỷ đồng, đứng thứ nhất khu vực trung du miền núi
phía Bắc; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 25 tỷ USD, đứng thứ tư cả
nước; thu ngân sách đạt trên 15.600 tỷ đồng; có 75,5% số xã đạt chuẩn
nông thôn mới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Hội thảo là dịp để Đảng bộ tỉnh ôn
lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ trong 85 năm qua.
Những ý kiến của các đại biểu, lãnh đạo, nhà khoa học tại hội thảo là
nguồn tài liệu quý giá để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên,
nhân dân, thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử 85 năm xây dựng và trưởng
thành của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, từ đó góp phần nâng cao ý thức,
trách nhiệm giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa của quê
hương cách mạng, củng cố niềm tin và lòng tự hào về truyền thống vẻ vang
của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Với gần 20 tham luận được trình bày tại hội thảo, các đại biểu đã
tập trung thảo luận các vấn đề như bối cảnh lịch sử, sự ra đời và ý
nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh đối với
phong trào cách mạng ở Thái Nguyên cũng như các tỉnh trong vùng Việt
Bắc; phân tích, khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái
Nguyên trong 85 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu và bài học
kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh
tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch vững mạnh....
Tại hội thảo, còn có các tham luận được trình bày như công tác bảo
tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn, góp phần tuyên
truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng
viên, nhân dân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới; nhận diện những khó khăn, thách thức đặt ra đối với
sự lãnh đạo của Đảng bộ, từ đó kiến nghị, đề xuất các nhiệm vụ, giải
pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ
tỉnh, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện
đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào
năm 2030...
Các đại biểu động thổ công trình tôn tạo Di tích lịch sử cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh. (Ảnh: baothainguyen)
Trước đó, các đại biểu đã dự lễ khởi công xây dựng, mở rộng, tôn tạo di tích lịch sử “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên”.
Công trình có tổng mức đầu tư trên 21 tỷ đồng, nhằm trùng tu, phục
dựng một số hạng mục di tích đang xuống cấp; mở rộng diện tích khu di
tích, xây dựng mới các hạng mục phục vụ hoạt động trưng bày, đón tiếp
tham quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, qua đó góp phần phát huy giá trị
của di tích, làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân xung quanh khu
di tích, phát triển du lịch lịch sử, phát triển kinh tế địa phương.
Nhân dịp này, Ban tổ chức hội thảo đã tặng quà cho thân nhân gia đình
4 đảng viên đầu tiên, các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng,
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi
mới.../.
Trần Trang (TTXVN)