CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN ĐA DẠNG, PHONG PHÚ
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (Chỉ thị số 08-CT/TW), Thái Nguyên đã ban hành hệ thống văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác ATTP trong tình hình mới; tổ chức học tập, quán triệt trong các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đông đảo các tầng lớp Nhân dân thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về ATTP, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; xây dựng các điểm giết mổ gia súc tập trung; đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới với hình thức đa dạng, phong phú như tài liệu truyền thông, qua phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trên 3.000 buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn, đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng, chủ doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, người lao động, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài; phát động phong trào thực hiện các chỉ tiêu về ATTP, cùng với đó tuyên truyền phát huy vai trò giám sát, phát hiện của quần chúng nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP; in và phát hành 86.000 ấn phẩm, tờ gấp những điều cần biết về thực phẩm an toàn, vệ sinh thực phẩm; căng treo panô, áp phích, tranh cổ động trên các tuyến phố, nơi công cộng; nội dung sách hỏi đáp, sổ tay, băng đĩa được phát trên hệ thống truyền thanh phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở; trên 8.000 phóng sự, tin, bài viết trên báo in, báo điện tử. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng ATTP”; lồng ghép tuyên truyền thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh ATTP với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, chỉ đạo tổ chức sản xuất nông sản trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa và quy định về ATTP, hướng tới sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap và các sản phẩm có thương hiệu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 54 chuỗi; cung cấp trên 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc (sử dụng mã QR code do tập đoàn VNPT cung cấp); hướng dẫn 5.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP theo đúng quy định; thường xuyên kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; có kế hoạch cụ thể triển khai trong dịp Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội, Tết Trung thu, Tháng hành động vì ATTP, phòng, chống dịch bệnh Covid-19...; từ năm 2019 đến hết 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 0 (chỉ tiêu được giao ≤7).
Ngoài ra, các ngành chức năng đã chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, định kỳ, đột xuất theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ năm 2017 đến nay, đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm với 31.147 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (đạt 78,5%, vi phạm 21,5%); qua đó xử lý vi phạm hành chính 2.124 cơ sở, tổng số tiền phạt là trên 2,4 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thu hồi và xử lý kịp thời các sản phẩm không bảo đảm ATTP; tỷ lệ mẫu giám sát đạt cao góp phần từng bước thay đổi, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
NÂNG CAO VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA ATTP ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn như việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền về ATTP có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước về ATTPtuy có chuyển biến song việc triển khai còn thụ động; cán bộ quản lý, thanh tra chuyên ngành ATTP còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm; kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng ATTP còn chưa thỏa đáng; trang thiết bị kiểm nghiệm, phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh còn thiếu; công tác xã hội hóamột số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về ATTP chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh, kiểm tracònchưa đi vào chiều sâu, vấn đề truy xuất nguồn gốc các thực phẩm kém chất lượng, chưa rõ nguồn gốc còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở thanh, kiểm tra chấp hành các thủ tục hành chính, điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người.
Nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của ATTP đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ như:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW và Thông báo Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/1/2017 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”.
Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATTP phù hợp với từng đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; huy động các nguồn lực tham gia hoạt động tuyên truyền về ATTP nhất là Tháng hành động vì chất lượng ATTP...
Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ATTP; nghiên cứu, ban hành và bổ sung kịp thời các quy định về ATTP phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường sự phối hợp liên ngành; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến ATTP. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Bốn là, quan tâm đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh tổ chức kết nối, giao thương, liên kết giữa các tỉnh, miền, vùng, khu vực; tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm lợi thế của từng địa phương; xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề ATTP trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh./.
Hồng Nhung