Thứ Sáu, 22/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 25/8/2021 6:49'(GMT+7)

Gia đình là hạt nhân để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

NHỮNG CHÍNH SÁCH CÓ TÍNH BƯỚC NGOẶT

Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt(1).

Từ sau đổi mới 1986, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển thông qua những cải cách chính trị và kinh tế. Các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ rào cản để kinh tế tư nhân phát triển và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đặc biệt là việc ra nhập WTO và các hiệp định tự do thương mại toàn cầu, đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Những chuyển đổi về kinh tế gắn liền với những biến đổi văn hóa, xã hội sâu sắc, toàn bộ quá trình này tác động đến đời sống gia đình ở nhiều phương diện khác nhau. Hơn 30 năm qua, gia đình Việt Nam có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống. Mặt khác, xuất hiện sự khủng hoảng chức năng của gia đình; sự xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình, của dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại; tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên gia đình, dẫn đến gia đình thiếu ổn định, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác gia đình, đặc biệt là Chỉ thị số 49/CT ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chỉ thị 49) và Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Chiến lược Gia đình 2020) của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/5/2012.

Chỉ thị 49 nêu rõ: “Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Trong khi đó, Chiến lược Gia đình 2020 là sự tiếp nối Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010(2) nhằm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về gia đình. Chiến lược Gia đình 2020 đặt mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Để đạt được mục tiêu chung này, Chiến lược Gia đình 2020 đặt ra ba mục tiêu cụ thể với 12 chỉ tiêu cho từng giai đoạn và ban hành các đề án, chương trình nhằm cụ thể hóa các giải pháp góp phần thực hiện thành công Chiến lược. 

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49 và gần 10 năm thực hiện Chiến lược Gia đình 2020 cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở, các mục tiêu của Chỉ thị 49 vàChiến lược Gia đình 2020 cơ bản đã đạt được.Công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp uỷ đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đạt được một số thành tựu nhất định. Gia đình phát huy được những chức cơ bản và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.

Có nhiều nguyên nhân góp phần đạt được kết quả nêu trên. 

Trước hết, quá trình đổi mới toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước khiến thu nhập, cơ hội hưởng thụ văn hóa, dịch vụ và sự tham gia xã hội của gia đình ngày càng được mở rộng, nâng cao, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của công tác gia đình. Chỉ thị số 49 cùng với các văn bảncủa Đảng, Nhà nước về công tác gia đình đã tạo ra những bước chuyển quan trọng về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.Việc tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai của các cơ quan, ban, ngành được thực hiện nghiêm túc và chủ động. Công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo Công tác gia đình các cấp và các cơ quan liên quan từng bước chặt chẽ và đồng bộ hơn. Ở nhiều tỉnh, thành, công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, có tính chất lan tỏa sâu rộng đến từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về tầm quan trọng của gia đình, công tác gia đình, đặc biệt là mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Một số tỉnh, thành đã chú trọng đến việc nâng cao trình độ, kiến thức, thái độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công tác gia đình các cấp, đáp ứng yêu cầu mới trong thực hiện công tác gia đình. Các mô hình điểm, cách làm hay về gia đình, công tác gia đình tại nhiều địa phương được duy trì, củng cố và phát huy vai trò quan trọng để công tác gia đình đạt được những mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Báo cáo Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ số 293/BC-BVHTTDL, Bộ VHTTDL cũng đã nêu ra những mặt tồn tại, hạn chế trong kết quả thực hiện. Một số mục tiêu, chỉ tiêu còn thấp, chưa đồng đều. Việc thu thập, tổng hợp, lượng hóa một số chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn. Việc quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật về gia đình vẫn chưa được rộng khắp và thường xuyên, đặc biệtlà ở cấp cơ sở. Việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 49 và Chiến lược Gia đình 2020 chưa gắn chặt với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, các ngành. Nhân lực cho công tác gia đình còn mỏng, đội ngũ cán bộ còn thiếu, trình độ hạn chế. Kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu còn thấp, chưa đồng đều. Việc thu thập, tổng hợp, lượng hóa một số chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình cũng như việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 49, Chiến lược Gia đình 2020, Nghị quyết số 81, Nghị định số 02/2013 cũng như các văn bản về công tác gia đình.

Việc tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình còn lúng túng, chưa đề ra được biện pháp cụ thể, chưa thật sự coi trọng công tác gia đình, còn cho đó là việc riêng của ngành văn hóa; kinh phí cấp cho công tác gia đình còn hạn hẹp, chủ yếu là lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát của tỉnh, huyện tới cơ sở chưa thường xuyên, liên tục. Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình trong thực hiện Chiến lược Gia đình 2020 tại một số địa phương chưa tích cực. Công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, chủ yếu là phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên chưa được xác lập, kinh phí đầu tư công tác gia đình chưa đáp ứng nhu cầu triển khai nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về gia đình còn hạn chế, thiếu tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông và đội ngũ báo cáo viên. Hiệu quả hoạt động của một số mô hình về gia đình chưa cao, ít đổi mới nên chưa thu hút được nhiều người tham gia. Công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Một số đơn vị chưa thấy trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao thực hiện tại cácvăn bảnvà chương trình, đề án về công tác gia đình. Hoạt động quản lý Nhà nước về gia đình còn nhiều bất cập, chồng chéo: ngành Văn hoá,Thể thao và Du lịch thực hiện công tác quản lý Nhà nước về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện công tác quản lý Nhànước về người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

HẠT NHÂN CỦA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN    

Mục tiêu xây dựng xã hội Việt Nam hạnh phúc trên nền tảng thiết chế gia đình bền vững gặp không ít thách thức trong bối cảnh phát triển hiện nay. Một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh đẻ, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Thậm chí, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của chức năng gia đình. Sự khủng hoảng này có mối tương liên chặt chẽ với các vấn đề xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, sự đứt gãy về giá trị xã hội và văn hóa truyền thống.

Gia đình Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề mới trong bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam chuyển đổi nhanh, phức tạpNhững vấn đề chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giớibạo lực gia đìnhxuất hiện ngày càng nhiều và thái độ của xã hội về chúng hết sức đa dạng. Khoảng cách về thu nhập, chi tiêu giữa các hộ gia đình ở thành thị và nông thôn ngày càng chênh lệch, thậm chí chênh lệch này diễn ra khá gay gắt ở trong lòng các đô thị lớn. Sự phân hóa gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên bình diện mức sống, chi tiêu mà còn ở các chiều cạnh văn hóa, xã hội khác như hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị 06 nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Có thể nói, tiếp nối Chỉ thị 49, Chỉ thị 06 là văn bản quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt và nhân văn của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam. Gia đình hạnh phúc là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, là hạt nhân để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh và giàu bản sắc. Hạt nhân gia đình chính là nơi hình thành, bồi dưỡng, giáo dục phẩm cách con người, cũng là nơi lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn của quốc gia, dân tộc. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, các hệ giá trị tốt đẹp nhưtình yêu thương, thuỷ chung, hiếu nghĩa,đức hi sinh, sự sẻ chia, mình vì mọi người mọi người vì minh luôn được phát huy và gìn giữ trong các gia đình Việt Nam. Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. 

Xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Chiến lược này một mặt phải hiện thực hoá tầm nhìn, chủ trương, khát vọng về xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chỉ thị 06 đã xác định. Mặt khác, chiến lược Chiến lược này cần định rõ các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, phúc lợi gia đình. Chú trọng xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong gia đình để vừa kế thừa các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu, lĩnh hội có chọn lọc từ các quốc gia trên thế giới. Đặc biệtquan tâm đến vấn đề nâng cao giá trị đạo đức, giáo dục lối sống đối với thế hệ trẻ, hướng đến xây dựng con người phát triển toàn diện ngay từ trong gia đình, phát huy trách nhiệm của từng thành viên đối với các vấn đề của gia đình cũng như cộng đồng xã hội. Từ đótạo dựng hạt nhân gia đình vững mạnh, làm cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước./.

Nguyễn Hoài Sơn
Vụ Gia đình - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

 --------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.300.

(2) Ngày 16/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 106/2005/QĐ – TTg về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất