Thứ Sáu, 20/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 24/4/2019 12:49'(GMT+7)

Hà Nội cần triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực chất lượng cao

Các đại biểu đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố Hà Nội.

Các đại biểu đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố Hà Nội.

TÍCH CỰC ỨNG DỤNG CÁC NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ ĐỂ BẮT KỊP XU THẾ, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố Hà Nội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo nền tảng cơ bản để hình thành chính quyền điện tử. Cụ thể, Hà Nội đã thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, sử dụng chung trên toàn Thành phố; xây dựng thành phố thông minh bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật… 

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình Chính phủ ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) phù hợp với xu hướng phát triển, làm cơ sở để Hà Nội xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử. Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia...

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Xuân Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố Hà Nội đã phát triển đến cấp cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết công việc, đồng thời cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành được triển khai đồng bộ, trong đó có cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân. 

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai trên diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và hệ thống tầm soát ung thư sớm cho nhân dân; trang bị máy tính và lắp đường truyền cho 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập. Với những kết quả đã được kiểm định, Hà Nội đứng tốp đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. 

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát liên ngành ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong quá trình Nghị quyết 36; đồng thời đề nghị thành phố quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này. Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long, Hà Nội cần ưu tiên đầu tư CNTT cho các khu công nghiệp, quan tâm đào đào nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao… Đó chính là nền tảng vững chắc để thành phố Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở hạ tầng CNTT tại một số sở, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai nhiệm vụ công trực tuyến và các hệ thống thông tin chung. Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp CNTT còn hạn chế do thiếu quy định, chế tài. Hoạt động thương mại điện tử còn vi phạm về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn - quy chuẩn, giá, khuyến mại. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào vào lĩnh vực công nghệ thông tin chưa tương xứng với vai trò, vị trí và lợi thế của Thủ đô…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội sẽ ban hành quy chế đồng bộ, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ứng dụng CNTT; từng bước xây dựng, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin cốt lõi quốc gia như dân cư, đất đai, tài chính, doanh nghiệp, bảo hiểm, thống kê. Thành phố cũng tiếp tục quan tâm, đầu tư ngân sách cho công tác ứng dụng, phát triển CNTT

ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, với vị thế là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, trong những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Chỉ thị 37 theo hướng đồng bộ, linh hoạt, tôn trọng tính đặc thù.

Trong 5 năm qua Thành phố đã quan tâm đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với các nghề đặc thù, cơ sở đào tạo đặc thù. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm hướng nghiệp cho học sinh bắt đầu từ bậc trung học cơ sở; xây dựng, đề xuất chính sách đặc thù với đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học văn hóa song song với học nghề … 

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2014-2018, toàn thành phố Hà Nội đã có 116.624 lao động được tham gia học nghề. Có 100.772 lao động nông thôn (chiếm 86,6%) được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau khi học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trình độ trung cấp nghề trở lên tăng hàng năm; trình động kỹ năng tay nghề của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên. Khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; Ở một số nghề nghiệp và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số người có việc đạt trên 90%, đặc biệt có ngành nghề đạt 100%. 

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố hiện có 369 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 61 trường cao đẳng, 89 trường trung cấp và 74 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, Thành phố đã đầu tư cho 3 trường nghề chất lượng cao, hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đó là Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc. Ngoài ra, Thành phố có 21 ngành, nghề của 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn là ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. 

Đoàn khảo sát liên ngành của trung ương thăm quan mô hình đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội.

Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các địa phương tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 178.000 lượt người. Đa số người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo ra việc làm sau khi tốt nghiệp. Các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cho đội ngũ giáo viên, thu hút chuyên gia, nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề… Những thành công bước đầu trong công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hà Nội từ 49,72% vào năm 2014 lên 63,18% vào năm 2018, cao bậc nhất cả nước. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội luôn coi việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo nội dung Chỉ thị 37 là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước. 

Tuy nhiên, cả Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đều cho rằng nguồn nhân lực có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của Thủ đô và đất nước trong tình hình mới. Thực tế đó đòi hỏi các ngành, địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.  

GHI NHẬN NHỮNG KẾT QUẢ, THÀNH TỰU CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Nhận xét về việc thực hiện Nghị quyết số 36 và Chỉ thị 37 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những kết quả Hà Nội đã đạt được trong 5 năm qua. Về ứng dụng CNTT, Hà Nội là một trong ít địa phương triển khai đồng bộ, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

"Về ứng dụng CNTT, Hà Nội luôn nằm trong top đầu về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT". Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nhận định

"Về ứng dụng CNTT, Hà Nội luôn nằm trong top đầu về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nhận định.

Ví dụ, Hà Nội đã quản lý được dữ liệu dân cư với 7,5 triệu người; Xây dựng được chính quyền điện tử để ứng dụng hành chính công cấp độ 3,4 các tuyến; Bước đầu xây dựng thành phố thông minh và từng bước đáp ứng CMCN 4.0. Doanh thu CNTT 10,1 tỷ USD là minh chứng cho thấy Hà Nội rất quan tâm đầu tư CNTT, khu công nghiệp CNTT. Thành phố coi đây là một ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về dịch vụ, tiện ích CNTT để người dân sử dụng, thay vì hàng triệu người dùng Facebook thành thạo nhưng không dùng dịch vụ hành chính công mức độ 3,4. 

Về vấn đề đào tạo nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hà Nội nghiên cứu, đưa ra "bức tranh" dự báo nguồn nhân lực đến năm 2025 và các năm tiếp theo để từ đó giao nhiệm vụ, đặt hàng với các đơn vị đào tạo. Đây là việc Hà Nội cần đi đầu./.

Tuấn Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất