Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Hai, 1/6/2009 6:27'(GMT+7)

Thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra làm 300.000 người chết mỗi năm

GHF đánh giá khoảng 325 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thay đổi khí hậu. Con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 do số người bị tác động bởi thiên tai hay môi trường suy thoái gắn với việc trái đất nóng dần lên.

Trong bản báo cáo, ông Kofi Annan nhấn mạnh: “biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng nhân đạo thầm lặng”. “Vì vậy, đó là thách thức nhân đạo lớn nhất trong thời đại của chúng ta”.

Bản báo cáo nêu lên rằng mực nước biển dâng cao, sa mạc hóa và việc thay đổi lượng mưa sẽ làm cho nhiều người thiếu lương thực và nước uống. Điều này sẽ gia tăng nhiều bệnh như tiêu chảy, sốt rét, suy dinh dưỡng.

Theo bản báo cáo, 99% người dân chết vì những nguyên nhân gắn với thay đổi khí hậu sống ở những nước đang phát triển, trong khi đó những người này thải ra môi trường dưới 1% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (GES).

Bản báo cáo trên sử dụng những số liệu hiện hành về những thảm họa liên quan đến khí hậu, những xu hướng dân số và những dự báo kinh tế để đưa ra kết luận. Bản báo cáo này được đưa ra ngay trước khi diễn ra các cuộc đàm phán tại Bonn, Đức vào tuần tới nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra tại Copenhague, Đan Mạch vào tháng 12/2009 nhằm đạt được một hiệp định quốc tế mới về giảm khí thải GES và kế thừa nghị định thư Kyoto.

EU đã thông báo rằng việc thải khí GES của 15 nước thành viên cũ đã giảm trong ba năm liên tiếp, từ năm 2007. Hôm thứ 6, 29/5, Ủy viên châu Âu về Môi trường Stavros Dimas đã chỉ ra rằng, so với mức thải khí năm 2006, khí thải của 15 nước châu Âu đã giảm 1,6% năm 2007.

Theo Cơ quan môi trường châu Âu (AEE), việc giảm khí thải này là do tiêu thụ ít dầu lửa, khí và các năng lượng hóa thạch khác. Một khi khí hậu nóng hơn và giá nhiên liệu tăng cũng góp phần làm giải quá trình thải khí GES. Theo AEE, EU - 15 nước ghi nhận mức độ thải khí giảm 5% so với mức độ thải khí năm 1990.

Ông Dimas khẳng định hôm thứ 6 rằng EU sẽ tôn trọng cam kết đưa ra theo nghị định thư Kyoto với việc từ nay đến năm 2012 sẽ giảm 8% khí GES so với mức năm 1990. Ông đã khẳng định với báo chí: “Không có nghi ngờ gì cả, chúng tôi sẽ đạt được những mục tiêu trên”.

Theo thống kê mới nhất, hiện chỉ còn ở 7 nước (Tây Ban Nha, Áo, Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha, Phần Lan và Italia), lượng khí thải ô-xít các-bon còn trên mức năm 1990. Tây Ban Nha đã tăng 50% lượng khí thải so với năm 1990, Bồ Đào Nha tăng 38% và Hy Lạp tăng 25%. Tuy nhiên, việc tăng này được bù đắp bởi các nước giảm khí thải liên tiếp như Đức, Pháp và Anh.

EU khi phê chuẩn Nghị định thư Kyoto năm 1997 gồm 15 nước thành viên và hiện tổ chức này có 27 nước thành viên.

  • Thái Hà (Theo AP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất