Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư 33 quy định “thịt sống phải bán trong 8 giờ sau giết mổ, thịt bảo quản lạnh được bán trong vòng 72 giờ, các loại phụ phẩm được bán trong 24 giờ kể từ khi giết mổ…” và việc TP Hồ Chí Minh đề xuất quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy đã được dư luận chú ý.
Có thể nói, việc siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hay loại bỏ những xe cũ, nát, xe không thể đi được nữa và cả những xe mới nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, trong mỗi vấn đề, sự việc mà các cơ quan chức năng khi muốn ban hành và thực hiện lại cần phải có sự cân nhắc sát thực tế sao cho phù hợp với cuộc sống của xã hội.
Đối với vấn đề “thịt 8 giờ”, nhiều người băn khoăn là làm sao nhận biết được thịt đang bày bán còn trong thời hạn 8 giờ kể từ khi giết mổ; rồi việc kiểm soát, quản lý chất lượng thịt như thế nào? Hành vi bán hàng quá 8 tiếng sẽ do ai giám sát và việc xử phạt sẽ ra sao? Có thể, tại các lò mổ, các chợ đều có cán bộ thú y đứng đóng dấu, kiểm tra nhưng trên thực tế nhiều nơi “thịt bẩn” vẫn vào được chợ, vẫn đến tay người tiêu dùng. Đó là chưa kể, nếu bắt buộc thực hiện theo quy định này, người kinh doanh sẽ phải thay đổi quy trình lấy hàng, bán hàng- một lần vào sáng sớm để bán buổi sáng, một lần vào trưa để bán buổi chiều- như vậy họ sẽ mất thêm thời gian, công sức và tiền bạc…
Với việc “loại bỏ xe máy cũ” thì còn nhiều ý kiến trong dư luận hơn nữa. Việc cấm xe máy khi không đảm bảo về an toàn kỹ thuật, độ ồn và khí thải là điều rất cần thiết, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nhưng không thể đánh đồng tất cả các loại xe cũ. Nếu áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn với xe máy cũ nhưng chiếc xe đó được người dùng bảo quản kỹ, đảm bảo chất lượng an toàn khi tham gia lưu thông thì có bị cấm hay không? Còn nếu dựa vào niên hạn sử dụng để cấm (năm sản xuất), thì một lượng lớn xe máy cũ tại nhiều đô thị sẽ bị loại bỏ vì đa số người đi xe cũ là người nghèo. Nhiều người phải chắt bóp tằn tiện, vay mượn mới mua được chiếc xe cũ làm phương tiện mưu sinh; chiếc xe như là “cần câu cơm” của họ, nếu cấm thì chắc chắn đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể sẽ nảy sinh những hệ lụy khác. Nhưng nếu bắt buộc phải sử dụng xe có năm sản xuất mới hơn thì không phải ai cũng có điều kiện mua xe và liệu dòng xe này có bảo đảm kỹ thuật an toàn hay không?... Đó là chưa kể, nếu quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy được thông qua thì với hàng triệu xe máy cũ tại TP Hồ Chí Minh như hiện nay cũng sẽ “làm khó” cho các lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, kiểm soát, thu hồi, loại bỏ…
Vẫn biết, mỗi chủ trương của các cấp chính quyền Nhà nước khi đưa ra đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng trong hai vấn đề này, có thể thấy những người tham mưu, cơ quan tham mưu đưa ra chủ trương này mới chỉ “tính toán” về mặt lý thuyết, mới chỉ thấy được những lợi ích khi cấm xe máy cũ (góp phần bảo vệ môi trường, an toàn giao thông…), đảm bảo sức khỏe của người dân khi sử dụng thực phẩm (thịt “8 giờ”) mà chưa cân nhắc thật kỹ xem có phù hợp với thực tế cuộc sống hay không. Trước đây, đã có những chủ trương, ý kiến như: Xe biển số lẻ đi ngày lẻ, xe biển số chẵn đi ngày chẵn; cấm xe biển số ngoại tỉnh đi vào thành phố; rồi thay đổi giờ học, giờ làm để tránh ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông… Những sự tham mưu này, dù được chấp nhận, vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Trong thực tế, để đưa ra một chủ trương, chính sách mới thì các cơ quan chức năng cần phải xem xét cặn kẽ, có lý, có tình với sự đóng góp của dư luận, trưng cầu ý kiến người dân, các cơ quan liên quan.
Tham mưu phải sát thực tế, phải là “xương sống” của các giải pháp./.
(Theo: Phúc Thắng/QĐND)