Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 7/12/2012 1:57'(GMT+7)

Tham nhũng đất đai, tiêu cực của chính quyền là... rất đau lòng!

Đại diện các nhà tài trợ tham dự các kỳ đối thoại PCTN.

Đại diện các nhà tài trợ tham dự các kỳ đối thoại PCTN.

Hôm nay, 6/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 11 với chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương – Thực trạng và giải pháp” do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về PCTN phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức.

Đại sứ Vương quốc Anh Antony Stokes đánh giá, năm 2011, tình hình PCTN chưa chuyển biến nhiều, Việt Nam vẫn xếp thứ 112 về cảm nhận tham nhũng. Tuy nhiên trong năm 2012, tình hình có những tiến triển như đã có những sửa đổi luật pháp để công tác PCTN được hiệu quả hơn.

 “Điều quan trọng nhất là cần phải cải cách thể chế, cần phải có hệ thống tư pháp độc lập cùng với hệ thống báo chí truyền thông phải được tự do hơn trong hoạt động” – Ông Stokes nói. Ông Stokes cũng kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ hơn nữa cho Việt Nam trong công tác  phòng chống tham nhũng.

Giám đốc quốc gia của LHQ tại Việt Nam cho rằng, pháp luật về PCTN tại Việt Nam cần phải được quan tâm chú ý hơn. Điều tra thực tế, khi người dân cần cung cấp dịch vụ hành chính công hoặc chăm sóc y tế vẫn phải hối lộ, 17% người dân cũng nói rằng để trẻ em được chăm sóc tốt hơn ở trường thì phụ huynh phải “lo lót” hoặc 16% số người được hỏi nói muốn xin được giấy phép xây dựng cũng cần chi phí “bôi trơn”.

GĐ quốc gia của Ngân hàng thế giới WB Victoria Kwakwa nhận định, việc hối lộ đã giảm xuống còn 40%, tình trạng quan liêu cũng giảm đáng kể. Cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhưng đại diện WB cũng đặt câu hỏi, làm thế nào để sớm trình Quốc hội luật tiếp cận thông tin, tiếp tục thực hiện đề án 30 về cải cách hành chính như thế nào, luật đấu thầu sẽ được sửa theo hướng nào… ?

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thanh Long khẳng định, dự luật Tiếp cận thông tin sẽ trình Quốc hội vào năm 2014.

Một câu chuyện quốc tế được giới thiệu trong phiên đối thoại sáng nay là dự án “thành phố minh bạch” thực hiện tại Martin, thành phố lớn thứ 8 của Slovakia (dự án từng được giải thưởng dịch vụ công của LHQ năm 2011).

Thị trưởng thành phố này đã tự mạnh dạn khởi xướng thực hiện dự án trên, áp dụng một loạt biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng trong các hoạt động hành chính công của thành phố.

Martin công bố một lịch tiếp dân thường kỳ để người dân có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với Thị trưởng về mọi thắc mắc liên quan hành chính công.

Bên cạnh đó, chủ động tạo một hệ thống dữ liệu mở để người dân truy cập và giám sát các khâu tuyển chọn công chức, phân bổ nhà ở xã hội, hoạch định chính sách và bầu các ủy viên hội đồng thành phố. Ngoài ra, các gói thầu thi công từ ngân sách trị giá trên 3.000 euro (tương đương 80 triệu đồng) đều phải thực hiện qua đấu thầu điện tử công khai.

Xây dựng quy tắc ứng xử và bầu ra ủy viên đạo đức của thành phố, tổ chức các chiến dịch truyền thông để thông báo rộng rãi đến người dân những biện pháp trên và khuyến khích người dân tham gia…

Tổng kinh phí thực hiện dự án này của Thị trưởng hết 23.300 euro (tương đương 600 triệu đồng) và chỉ thực hiện trong 3 tháng. Kết quả họ đã tiết kiệm được ít nhất 740.200 euro (tương đương gần 20 tỷ đồng) nhờ đấu thầu công qua điện tử, lòng tin của người dân đối với chính quyền ngày càng tăng….
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên Đối thoại.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên Đối thoại.

Theo dõi phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các bộ ngành đã trả lời câu hỏi các nhà tài trợ đưa ra. Phía Thanh tra Chính phủ, đã báo cáo cụ thể kết quả công tác PCTN 1 năm qua (từ lần đối thoại thứ 10, cuối tháng 11/2011 tới nay). Việc tổng kết đã làm rõ bức tranh tổng thể về tình hình tham nhũng tại Việt Nam, kết quả cuộc đấu tranh cũng như chính sách cho thời gian tới để sớm cải thiện được chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong bảng xếp hạng các quốc gia mà Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố hàng năm.

Nhấn mạnh nỗ lực hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến 2 văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua. Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật PCTN với điểm nổi bật là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình của quan chức – xu hướng thế giới đang hướng tới.

Nghị định về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với các lãnh đạo hàng đầu ở cả cấp TƯ và địa phương cũng đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực thực hiện nhiệm vụ cũng như trách nhiệm giải trình đối với các quyết định của mình. “Tất nhiên cán bộ lãnh đạo ở cấp nào mà liên quan đến tham nhũng cũng sẽ không được tiến nhiệm. Việc này sẽ tiến hành ngay vào tháng 5/2013” – ông Phúc nhấn mạnh.

Đề cao hướng đối thoại về công tác PCTN ở địa phương – nội dung lần đầu tiên được chọn để thảo luận, Phó Thủ tướng xác nhận, ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh thành có vai trò rất lớn, trực tiếp quản lý đất đai, các nguồn lực để phát triển, quản lý ngân sách, phân bổ đầu tư và quyết định công tác cán bộ, nhân sự ở tỉnh mình. Quyền lực tại địa phương như vậy là rất lớn trong khi vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo nhiều cơ hội phát sinh tham nhũng.

Đánh giá cao bài học kinh nghiệm đến từ dự án “thành phố minh bạch” Martin của Slovakia mà các nhà tài trợ mang tới đối thoại lần này, Phó Thủ tướng đề nghị mời Thị trưởng thành phố này tới để chia sẻ thêm cho Việt Nam những kinh nghiệm quản lý để “chặn nguồn” tham nhũng.

Ông Phúc cũng tỏ ý băn khoăn vì tại Việt Nam, bên cạnh những địa phương là điểm nóng, phức tạp về tình trạng tham nhũng, quản lý đất đai nhưng vẫn có những địa phương làm tốt việc này. “Tham nhũng trong quản lý đất đai, tiêu cực của chính quyền là vấn đề rất đau lòng ở các địa phương. Trong khi chưa có những thay đổi đầu đủ về cơ chế để ngăn ngừa tham nhũng, vẫn cần tích cực nghiên cứu kinh nghiệm ở những nơi đã thành công để xây dựng, nhân rộng những mô hình tích cực như vậy” – ông Phúc nói.

Kết lại nội dung trao đổi, Phó Thủ tướng lưu ý, tham nhũng hiện là thách thức với toàn cầu, không loại trừ bất cứ quốc gia nào, nhất là trong môi trường kinh tế mở, liên thông sẽ càng tạo ra nhiều hình thức tham nhũng tinh vi, phức tạp. Cuộc đấu tranh với tham nhũng cũng sẽ lâu dài. Việt Nam khẳng định quyết tâm PCTN mạnh mẽ bằng những hành động ngay lập tức. Có thể luật pháp chưa đầy đủ, đồng bộ nhưng không thể ngồi chờ mà cần chủ động triển khai nhiều hoạt động, phương thức để chống tham nhũng./.

Theo dantri

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất