Ngày 30/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội khóa XIII tiếp tục làm việc với phần thảo luận dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.
Tại buổi họp, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công
chứng nhằm phục vụ quá trình cải cách tư pháp, góp phần giải quyết những vấn đề
thực tiễn về công chứng và chứng thực hiện nay.
Tuy nhiên, có ý kiến đề
nghị Luật phải phân định rõ giữa “công chứng thực” và “tư chứng thực” để phân
biệt giữa Nhà nước và tư nhân thì mới sửa đổi Luật cho đúng.
Mặt khác
nên chuyển đổi các phòng công chứng Nhà nước thành văn phòng công chứng tư nhân,
vì nghề công chứng đang phát triển rất mạnh nên Nhà nước không cần thiết tổ chức
ở các thành phố lớn, mà chỉ nên thành lập phòng công chứng ở các vùng sâu, vùng
xa vốn đang rất thiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, giúp tinh
giản bộ máy Nhà nước và thực hiện xã hội hóa công chứng.
Về sửa đổi, bổ
sung các quy định trong điều 2 “giao thẩm quyền chứng nhận tính xác thực của bản
dịch cho công chứng viên,” theo các đại biểu cần cân nhắc thận trọng bởi đây là
một công việc hết sức đặc thù, trong quá trình hội nhập của nước ta, các văn bản
ngôn ngữ nước ngoài ngày càng nhiều và công chứng viên dù giỏi đến mấy cũng
không thể biết hết các thứ tiếng.
Các đại biểu cũng cho rằng dự thảo
Luật Công chứng quy định thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp lĩnh vực công
chứng là không phù hợp mà phải dựa trên cơ sở tự nguyện và căn cứ theo Nghị định
của Chính phủ. Xuất phát từ các vấn đề trên, nhiều đại biểu đề nghị Luật Công
chứng phải được thông qua theo quy trình 2 kỳ họp vì dự thảo Luật sửa rất nhiều,
thêm 9 điều mới, 26 điều sửa đổi và còn nhiều vấn đề chưa rõ.
Ông Phạm
Trí Thức, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, Điều 6 của
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng là
bước đột phá, tuy nhiên khi quy định giá trị pháp lý được thi hành ngay mà không
qua Tòa án thì phải hết sức cân nhắc.
Ở Việt Nam, khi công chứng việc
mua bán nhà đất không theo giá thỏa thuận mà thường công chứng theo khung giá
đất do Chính phủ quy định, giá trong hợp đồng công chứng với giá thực tế là xa
vời để giảm tiền thuế. Nhiều giao dịch dân sự gần như công chứng để giả cách,
nếu đưa ra để thi hành ngay thì rất khó.
Bà Lương Ngọc Trâm, Phó Chánh án
Tòa án dân sự, Tòa án tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, thực tế
giải quyết khiếu nại án dân sự, kinh doanh thương mại, thậm chí cả một số vụ án
hình sự, cho thấy nhiều hợp đồng công chứng được thực hiện nhằm hợp thức hóa và
che giấu các giao dịch khác.
Ví dụ như cầm cố đất nhưng lại ký hợp đồng
chuyển nhượng; vay nợ nhưng lại ký hợp đồng mua bán; trong một ngày vừa ký hợp
đồng thế chấp, vừa ký hợp đồng mua bán cho cùng một người từ một Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà…
Trong trường hợp cụ thể này, việc
giải quyết của tòa án khi có tranh chấp, nếu công dân không chứng minh được
những mâu thuẫn của hợp đồng công chứng với các chứng cứ thực tế khác, thì không
thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
Và ngược lại,
nếu có nhiều chứng cứ có giá trị pháp lý khác chứng minh hợp đồng công chứng là
giả tạo hoặc bị lừa dối thì hợp đồng công chứng tất nhiên bị hủy bỏ. Điều này lý
giải tại sao tính ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các bên tham gia giao
dịch trong văn bản công chứng không cao.
Sâu xa hơn, có lúc, có nơi hợp
đồng công chứng, giao dịch công chứng là bức bình phong bảo vệ cho chủ nợ, cho
người có tiền và dồn con nợ, người nghèo vào con đường nghèo khó hơn, mất trắng
tài sản khi đã ký kết giao dịch hợp đồng công chứng, giao dịch công chứng không
đúng.
Vì thế, bà Trâm cho rằng khi sửa đổi Luật Công chứng, cần cân nhắc
đến mặt bằng dân trí và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của công dân Việt Nam,
để đưa ra những quy phạm pháp luật phù hợp…
Trước những đóng góp nêu
trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định ý kiến của đại biểu rất xác
đáng, Bộ Tư pháp và cơ quan được giao xây dựng Dự án này sẽ tiếp thu, tiếp tục
tham khảo các hoạt động công chức của quốc tế để có đề xuất Chính phủ sửa đổi
Luật Công chứng phù hợp, khả thi trước khi trình Quốc hội.
Bộ trưởng Hà
Hùng Cường cho biết thêm dự kiến vào tháng 10 tới Việt Nam sẽ gia nhập Liên minh
công chứng thế giới, như vậy hoạt động công chứng sẽ theo kiểu công chứng la
tinh (công chứng nội dung).
Khi gia nhập Liên minh này, công chứng là
dịch vụ công, công chứng viên là công lại, được cơ quan thẩm quyền nhà nước bổ
nhiệm, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật như viên chức… và phải chịu sự quản lý của Nhà
nước, của Hội Công chứng (Hội nghề nghiệp bắt buộc đối với các công chứng
viên)./.
Liên Phương
(TTXVN)