Thứ Hai, 25/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 3/8/2021 14:11'(GMT+7)

Thận trọng trước các chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo

Lực lượng chức năng khám xét trụ sở của nhóm đối tượng điều hành sàn tiền ảo. (Ảnh: Mai Hoàng)

Lực lượng chức năng khám xét trụ sở của nhóm đối tượng điều hành sàn tiền ảo. (Ảnh: Mai Hoàng)

Bất chấp cảnh báo của các chuyên gia và cơ quan chức năng, một số người vẫn tin và nghe theo lời dụ dỗ đường mật của các sàn giao dịch Forex (ngoại hối) về Cryptocurrency (tiền ảo) bất hợp pháp để rồi đã bỏ ra khoản tiền lớn đầu cơ vào thị trường này với hy vọng "tiền đẻ ra tiền".

Song rốt cuộc nhiều người phải đối diện với sự thật cay đắng là các chiêu trò "đăng nhập là có tiền", "chơi cũng ra tiền" chỉ là lừa đảo và người chơi lâm vào cảnh nợ nần, phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Ngày 29/6/2021, sau khi sàn giao dịch Fxtradingmarkets thông báo dừng hoạt động, khoảng 40 nghìn nhà đầu tư đã đối diện với cảnh tay trắng khi đồng FXT mà họ nắm giữ giờ trở nên vô giá trị. Trước đó, ngày 22/6/2021, Công an TP. Hà Nội đã phối hợp Công an TP. Hải Phòng triệt phá 16 sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo do Nguyễn Thế Dương cùng đồng bọn điều hành. Ðây là kết quả được tiên liệu từ trước, và hiểm họa từ các sàn giao dịch như vậy đã được cơ quan chức năng cảnh báo, khuyến cáo, thậm chí nêu đích danh trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Dù vậy, chẳng mấy nhà buôn tiền ảo lưu tâm tới cảnh báo, khuyến cáo đó. Và họ coi đầu cơ vào Alcoin (được xem là có thể thay thế Bitcoin - đồng tiền ảo mệnh giá lớn nhất thế giới) là trào lưu tại các diễn đàn tiền ảo. Tính đến ngày 10/7/2021, lượng giao dịch Bitcoin trong ngày của các "trader" (người thực hiện giao dịch) Việt đã tụt xuống còn 174 tỷ đồng. Rõ ràng, đây là con số khiêm tốn nếu so với thời điểm trong một ngày, người Việt bỏ ra đến 4.631 tỷ đồng để mua, bán Bitcoin.

Tuy nhiên, biến động theo chiều hướng giảm sâu về giao dịch và giá trị của Bitcoin không ảnh hưởng nhiều đến sự sôi động đang diễn ra trong các nhóm (group) trên Facebook, Zalo và gần đây là Discord, Telegram về giao dịch Forex, Cryptocurrency tại Việt Nam. Mỗi ngày, các nhóm này đều giới thiệu từ vài chục đến hàng trăm mã tiền ảo mới, với hứa hẹn lãi suất "khủng" cùng cam kết "bảo đảm an toàn, minh bạch". Chưa dừng lại ở đó, điều kiện để sở hữu các đồng tiền ảo này được quảng cáo là vô cùng đơn giản, thuận tiện, ngay cả với người cao tuổi, không thông thạo công nghệ. Theo đó, nhà đầu tư có thể mua các đồng tiền này với giá khởi điểm "rẻ như cho", qua những dự án thử nghiệm (test net), sử dụng dịch vụ mạng xã hội, đăng nhập ứng dụng "đào tiền" trên thiết bị di động và thậm chí là chơi trò chơi điện tử.

Hiện nay, các nhóm "chuyên gia tự phong" nhận làm môi giới trung gian để hưởng hoa hồng từ các giao dịch tiền ảo đang xuất hiện tràn ngập trên không gian mạng. Ăn theo là các lớp học hướng dẫn đầu tư tiền ảo trên sàn Cryptocurrency, Forex, BO (Binary option - giao thức nhị phân) như: coin98, bitcoin101,… với mức học phí từ vài triệu đồng đến cả nghìn USD. Qua cách tính toán theo lối "đếm cua trong lỗ" của nhiều sàn giao dịch, nhà môi giới trung gian và người đầu cơ, lợi nhuận từ khai thác và buôn bán tiền kỹ thuật số có thể tăng theo cấp số nhân lên đến cả nghìn lần so với vốn bỏ ra ban đầu. Vậy mà, trong khi số tỷ phủ giàu lên nhờ tiền ảo chỉ dừng lại ở thông tin đồn đoán, ước tính tài sản qua ví điện tử hay ảnh minh họa, thì người tán gia, bại sản vì chúng lại là hiện tượng phổ biến, xuất hiện khắp nơi, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có thể thấy giao dịch tiền ảo có xu hướng nở rộ hiện nay không phải là loại hình đầu tư mạo hiểm, mà gần giống trò chơi mang tính chất đỏ đen, cờ bạc. Quảng cáo của nhà phát hành tiền ảo về ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi - khối cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa rất phức tạp), mà mới nhất là cơn sốt NFT (Non-fungible token - mã không thể thay thế) thực chất chỉ là chiếc bánh vẽ câu kéo nhà đầu tư rót vốn, thổi giá, tạo nên một thị trường bong bóng. Bởi lẽ, không mấy tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới hiện nay coi tiền ảo là một đơn vị tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Ngày 24/3/2021, tập đoàn xe điện Tesla từng gây hứng khởi cho người sở hữu tiền ảo khi tuyên bố sẽ trở thành tập đoàn tiên phong cho phép khách hàng mua xe ô-tô của hãng này bằng bitcoin. Tuy nhiên tới ngày 13/5/2021, Tesla đã chấm dứt dự định nêu trên. Ðây là thí dụ tiêu biểu chỉ ra rằng tổng lượng giao dịch tiền ảo trên thế giới hiện nay thực chất chỉ là hoạt động mua đi, bán lại giữa những người đầu cơ. Chưa kể, xác suất chiến thắng của đa số người đầu cơ gần như bằng không, bởi hai nguyên nhân chính: hành vi thao túng tiền tệ của một số cá nhân, tổ chức, nhà phát triển tiền ảo, và vấn nạn lừa đảo của các sàn giao dịch.

Tại Việt Nam, trang cá nhân của giới showbiz và người nổi tiếng một dạo đã từng nở rộ các đoạn thông báo có nội dung y hệt nhau, quảng bá cho các đồng "coin rác", "coin đa cấp" như: Pi Network, FXT… Cụ thể, đồng FXT đã bị khai tử cùng sự sụp đổ của sàn Fxtradingmarkets. Còn đồng Pi Network, hành vi giao dịch, mua bán, quy đổi đồng tiền này đang diễn ra theo hướng tự phát, trái pháp luật tại một số nhóm dù chưa có giá niêm yết trên thị trường. Hành vi làm giá những đồng "coin rác" bằng nhiều thủ đoạn từ thuê người nổi tiếng quảng cáo đến "tổ chức thu mua", trao đổi bằng hiện vật và tiền mặt để kích cầu đã khiến một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin sập bẫy từ lúc nào không hay. Ðáng chú ý, hiện tượng thao túng, thổi giá xuất hiện ngay cả trong hình thức trò chơi điện tử ứng dụng trên nền tảng blockchain như Axie Infinity. Nếu như tại thời điểm ra mắt, Axie Infinity gần như là một sản phẩm miễn phí thì giờ đây, người đăng ký phải mất số tiền trung bình khoảng 1.000 USD. Nhưng nhiều người vẫn tranh nhau đổ hàng nghìn USD vào trò chơi này, vì nghe phong thanh có thể làm giàu qua việc kiếm lại tiền ảo trong đó!

Bên cạnh thủ thuật thao túng tiền tệ thì gian lận trong giao dịch tiền ảo là một hình thức phổ biến, thậm chí được chính các nạn nhân tiếp tay. Ðiển hình là hoạt động mua bán tiền ảo trên các sàn BO hiện nay có thể được can thiệp bằng các phần mềm đặt lệnh. Chúng được quảng cáo có khả năng tự động phân tích, chọn giải pháp giúp người đầu cơ thu được lợi nhuận tối đa, nhanh chóng. Ðiều bất ngờ là các phần mềm này lại được bán cho khách hàng bởi chính nhân viên, cộng tác viên, nhà giao dịch trung gian của các sàn tiền ảo này. Ðó là chưa kể, nhiều sàn giao dịch như Hitoption.net (đã bị triệt phá) còn trực tiếp can thiệp vào thuật toán, thay đổi lệnh thắng hay thua theo ý muốn. Một thủ đoạn lừa đảo khác được dùng phổ biến là mời chào nạn nhân tham gia làm đại lý trung gian, hưởng hoa hồng khiến nhiều người vì hám lợi mà hùa theo. Ðồng thời, các tổ chức lừa đảo tiền ảo thường dùng địa chỉ ảo, thành lập công ty ma và máy chủ đặt ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc điều tra, xử lý.

Dù không thể phủ nhận ứng dụng blockchain đang mở ra một cuộc cách mạng về lưu trữ, quản lý, bảo mật, truyền dẫn thông tin nhưng nhiều đơn vị tiền ảo, vật phẩm NFT trên thị trường giao dịch hiện nay là sản phẩm phát triển lệch hướng, mất kiểm soát. Ðể khắc phục hậu quả, một số quốc gia trên thế giới đã khởi xướng, nghiên cứu thử nghiệm phát hành "tiền điện tử của ngân hàng trung ương" (Central Bank Digital Currency - CBDC). Ðây là hình thức kỹ thuật số của tiền định danh, được ngân hàng nhà nước phát hành dựa trên nền tảng blockchain. Không nằm ngoài xu hướng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên blockchain theo Quyết định số 942/QÐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ðây là một kế hoạch dài hạn, do đó, trong thời điểm hiện tại, cần tạo ra một hành lang pháp lý với chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn kịp thời các hành vi thao túng tiền tệ, lừa đảo đa cấp, đầu cơ dưới danh nghĩa giao dịch tiền ảo. Bởi, dù Nghị định 88/2019/NÐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rất cụ thể về việc xử phạt hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm tiền ảo), nhưng nhiều đối tượng, sàn giao dịch vẫn tiếp tục hoành hành trên không gian mạng cũng như ngoài xã hội. Một số sàn giao dịch còn tổ chức sự kiện ra mắt tiền ảo đa cấp tại hội trường lớn, mời gọi hàng trăm người tham gia, diễu hành trên đường phố bằng siêu xe.

Chính vì vậy, song song với việc xử lý nghiêm các hoạt động giao dịch, quảng cáo tiền ảo, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ từ loại hình đầu cơ mang nặng yếu tố may rủi này. Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, sự phiêu lưu cùng lòng tham đã khiến nhiều nhà đầu tư tự biến thành những con thiêu thân nướng mình trong canh bạc tiền ảo lúc nào không hay. Chỉ đến khi gia tài bốc hơi, sàn giao dịch đột ngột biến mất, họ mới tìm đến cơ quan chức năng thì đã muộn. Dù núp bóng dưới hình thức tinh vi như giao dịch tiền ảo, loại hình kinh doanh mang tính cờ bạc kiểu mới này vẫn không thay đổi bản chất cũng như tác hại do nó gây ra. Vì vậy, mỗi cá nhân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, đừng vì nôn nóng làm giàu, bị hấp lực bởi ma lực của "tiền ảo" mà đánh mất các tài sản thật và cơ nghiệp được tạo nên bằng công sức lao động của chính mình./.

 Phan Kỷ (nhandan.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất