1. Dư luận xã hội là tập hợp những thái độ, suy nghĩ, đánh giá, niềm tin, mong muốn, khát vọng của nhiều cá nhân trong xã hội trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, được công chúng quan tâm, đặc biệt có liên quan đến lợi ích của công chúng(1). Trước các hiện tượng xã hội nảy sinh, dư luận thường có những phản ứng khác nhau. Sự phản ứng đó có thể mang tính tích cực, song cũng có thể mang tính tiêu cực đối với sự phát triển xã hội. Do đó, nắm bắt, định hướng dư luận là yếu tố quan trọng để đánh giá đúng thái độ của công chúng đối với các vấn đề xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, vì vậy, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Công việc này có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là nhiệm vụ cần được quan tâm.
Để nắm bắt, định hướng dư luận, có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó các phương tiện truyền thông xã hội (social media) là một kênh quan trọng, nhất là trong kỷ nguyên số như hiện nay. Các phương tiện truyền thông xã hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian trực tuyến (online spaces) trên nền tảng internet và các công nghệ truyền thông hiện đại khác nhằm truyền tải thông tin, kết nối xã hội… với tốc độ truyền dẫn, lan tỏa nhanh chóng, cùng tính tương tác đa chiều, cho phép người dùng chia sẻ ý kiến, thông tin, dữ liệu, hình ảnh một cách rộng rãi. Với những đặc tính có ưu thế nổi trội so với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, các phương tiện truyền thông xã hội là nền tảng lôi cuốn sự quan tâm, tham gia của đông đảo công chúng, hình thành nên các cộng đồng tương tác (interactive community) xã hội đa dạng. Các phương tiện truyền thông xã hội có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội trong đời sống hằng ngày nói chung và trong việc hình thành, thể hiện thái độ, suy nghĩ, đánh giá, niềm tin, mong muốn, khát vọng nói riêng. Dư luận xã hội được hình thành qua các giai đoạn: tiếp cận thông tin, hình thành ý kiến cá nhân, trao đổi ý kiến cá nhân, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến, thể hiện những luồng ý kiến nhất định(2) và các phương tiện truyền thông xã hội chính là nền tảng quan trọng đối với việc tiếp cận thông tin, hình thành ý kiến cá nhân, là công cụ, phương tiện để trao đổi ý kiến cá nhân, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến. Điều đó có nghĩa rằng, phương tiện truyền thông xã hội có vai trò to lớn đối với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại, khi công chúng ngày càng sử dụng thường xuyên, liên tục các phương tiện truyền thông xã hội. Vì vậy, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hiệu quả để chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là tất yếu.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần quan trọng thông tin các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước, cung cấp cho công chúng những tri thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội. Các tổ chức, cá nhân của ta sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội góp phần quan trọng trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, các thế lực thù địch; qua đó, góp phần định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, khẳng định những thành tựu tự hào của Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại, khẳng định sự đúng đắn của đường lối lãnh đạo của Đảng, tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần giúp dư luận thấy rõ được bản chất các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, các phương tiện truyền thông xã hội cũng còn những hạn chế nhất định. Các thế lực thù địch đã tận dụng triệt để một số phương tiện truyền thông xã hội để reo rắc những thông tin bịa đặt hòng hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, nhất là nhằm vào tầng lớp thanh, thiếu niên, gây hoài nghi, hoang mang dư luận. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do nhận thức của người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội còn hạn chế, mặt khác là do việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội đôi lúc còn chưa được kịp thời, việc quản lý thông tin trên không gian mạng có lúc, có nơi còn chưa chủ động, thiếu hiệu quả…
2. Qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,... Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu, hướng tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh(3). Tuy nhiên, “sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, nhất là trên Biển Đông; các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, xu hướng già hóa dân số; tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động…”(4). Do đó, để hạn chế những tác động của thông tin tiêu cực gây cản trở sự phát triển, cần nâng cao hiệu quả việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực, tạo sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi đối với các quyết sách phát triển quan trọng của đất nước, trong đó có việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội. Theo đó, “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(5). Các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng; đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia các phương tiện truyền thông xã hội; tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội.
Thứ hai, các cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, cán bộ phụ trách các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực an ninh, tuyên giáo, thông tin, truyền thông, văn hóa,… cần nhận diện sớm các vấn đề xã hội có thể phát sinh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhiều người, dễ tạo nên sự quan tâm, chú ý của dư luận. Việc nhận diện sớm, dự báo các vấn đề xã hội có thể phát sinh cần dựa vào: 1- Đặc điểm, điều kiện địa lý tự nhiên, dân cư, tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa; 2- Tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức về quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là những hạn chế, mặt trái có thể gây ra các vấn đề xã hội; 3- Kết quả nghiên cứu về các vấn đề xã hội, giúp mở rộng sự hiểu biết về bản chất, xu hướng biến đổi của các vấn đề xã hội; 4- Điều tra dư luận xã hội qua các phương tiện truyền thông xã hội. Điều tra dư luận xã hội được tiến hành qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó việc thực hiện điều tra trên các phương tiện truyền thông xã hội có nhiều lợi thế, chẳng hạn như thời gian thực hiện nhanh, phạm vi thu thập ý kiến rộng... Tuy nhiên, cần lựa chọn vấn đề xác đáng, cần có biện pháp triển khai phù hợp, tránh thu nhận kết quả điều tra thiếu tin cậy, có sai số lớn do đặc điểm các phương tiện truyền thông xã hội có nhiều người dùng nặc danh, thông tin thiếu chính xác… Trên cơ sở dự báo các vấn đề phát sinh, cần chủ động giải quyết sớm để chúng không trở thành những “điểm nóng”, hình thành dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực; không tạo cớ để cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tung tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Thứ ba, cần chủ động nắm bắt dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việc chủ động nắm bắt dư luận xã hội cần bắt đầu từ giai đoạn các cá nhân tiếp cận thông tin về vấn đề xã hội cụ thể. Điểm đáng lưu ý là cần chú trọng đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích, mối quan tâm của nhiều người mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị có thể lợi dụng, xuyên tạc. Việc chủ động nắm bắt dư luận xã hội không chỉ cần bắt đầu từ giai đoạn các cá nhân tiếp cận thông tin về vấn đề xã hội cụ thể, mà còn phải chú ý trong cả quá trình hình thành ý kiến cá nhân, trao đổi ý kiến cá nhân, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến và thể hiện những luồng ý kiến. Đây là cơ sở quan trọng để chủ động định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thiết lập và sử dụng hệ thống phần mềm lắng nghe và phân tích truyền thông xã hội (social listening) để tự động dò quét, theo dõi, tổng hợp, phân tích các dòng thông tin chủ lưu, dư luận hằng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, là cơ sở để các cơ quan chức năng của ta chủ động, kịp thời xử lý các tình huống thông tin, nhất là những khủng hoảng thông tin khi xảy ra.
Thứ tư, chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản chất của vấn đề xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến lợi ích, mối quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần hình thành dư luận xã hội theo chiều hướng đúng đắn. Việc cung cấp thông tin cần chú ý hai điểm. Một là, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đối với vấn đề xã hội được đề cập trên các phương tiện truyền thông xã hội cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời. Hai là, thông tin được cung cấp cần dựa vào nguồn tin đáng tin cậy, đã được kiểm chứng. Việc chủ thể cung cấp thông tin chính thống, nguồn thông tin đáng tin cậy, nội dung thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời sẽ góp phần việc hình thành dư luận xã hội theo chiều hướng đúng đắn, tích cực.
Thứ năm, chủ động tranh luận, thảo luận, phản biện các vấn đề xã hội trên phương tiện truyền thông xã hội. Đây là yếu tố quan trọng để nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Trong quá trình tranh luận, thảo luận, phản biện, cần cung cấp cơ sở khoa học với các luận điểm có sức thuyết phục dựa vào kết quả của các nghiên cứu khoa học cụ thể, có như vậy mới định hướng các ý kiến theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, chú trọng những căn cứ từ thực tiễn cuộc sống, các mô hình hay và việc làm tốt liên quan đến vấn đề xã hội để nhấn mạnh. Trên thực tế, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường khoét sâu vào những mặt tiêu cực để hình thành dư luận xã hội trái chiều, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tăng cường thông tin tích cực, thông tin về những thành tựu trong quá trình đổi mới về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; về đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao của người dân Việt Nam; về dân chủ và thực hành dân chủ, các quyền của người dân ngày càng được tôn trọng… làm cơ sở vững chắc, thuyết phục cho việc định hướng, hình thành dư luận xã hội tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội, góp phần phản bác lại các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.
----------------------
(1) Xem thêm: Ban Tuyên giáo Trung ương: Dư luận xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 46 - 47; Turner, Bryan S (Ed.): The Cambridge Dictionary of Sociology, Cambridge University Press, Cambridge, 2006, tr. 481
(2) Ban Tuyên giáo Trung ương: Dư luận xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Sđd, tr. 46 - 47, 54
(3) Ngân hàng Thế giới & Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, www.worldbank.org, 2016, trang XI
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 228; t. I, tr. 146
Theo tapchicongsan.org.vn