Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong
mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Vì vậy, sức
mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông
tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn
tại.
Đề cập đến sự lợi hại của ngôn từ, thông tin, xưa nay người ta thường nói: “Bút sa gà chết”, “Lời nói, đọi máu”, “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, xe bốn ngựa cũng khó đuổi kịp). Vậy nên, những người gắn bó với nghiệp chữ nghĩa, nhất là nhà báo, không bao giờ được phép vô tâm, “đùa giỡn” với câu chữ. Nói rộng hơn, người cầm bút phải luôn trung thực, thận trọng và có trách nhiệm về những thông tin của mình đưa ra trước công chúng.
Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 nội dung cơ bản về thanh tra năm 2014, thông tin sai sự thật là nhóm hành vi vi phạm phổ biến của nhiều cơ quan báo chí. Thế nên trong năm qua, đã có tới 57 lượt cơ quan báo chí bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hành chính với số tiền 1,4 tỷ đồng vì thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, tác động không tốt đến dư luận xã hội. Con số này khiến những người cầm bút chân chính thêm một lần chạnh lòng. Không chạnh lòng sao được, khi đội ngũ từng được ví như “thư ký trung thành của thời đại” lại bị dư luận hoài nghi về đức tính trung thực, về mức độ khách quan, công tâm trong việc cung cấp thông tin cho công chúng. Càng đáng băn khoăn, trăn trở hơn bởi tình trạng thông tin sai sự thật của báo chí đã ở mức báo động. Bởi theo nhận định của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, một trong 4 cái sai nổi cộm nhất của báo chí trong thời gian qua là đưa tin không tôn trọng sự thật, bóp méo sự thật bằng cách cố ý bỏ qua hoặc nhấn mạnh những tình tiết phục vụ ý đồ, động cơ chưa lành mạnh của nhà báo.
Sự thật thường được hiểu là diễn biến đúng như thật, trạng thái chân thực của sự việc diễn ra hay trạng thái đúng như thật của hành động diễn ra. Nói gọn hơn, sự thật là bản chất cốt lõi của sự vật hiện tượng. Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Vì vậy, sức mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn tại.
Tuy vậy, “sự thật” trong hoạt động báo chí cần hiểu một cách mềm dẻo. Bởi không phải sự thật nào cũng đưa ra công chúng, nhất là những sự thật liên quan đến bí mật an ninh quốc gia, bí mật quân sự-quốc phòng và những vấn đề có ảnh hưởng mật thiết, tác động trực tiếp đến vận mệnh của cộng đồng nói chung, của mỗi số phận con người nói riêng. Đối với báo chí cách mạng, những sự thật được thông tin, tuyên truyền chỉ có ý nghĩa, giá trị khi sự thật ấy mang lại lợi ích chính đáng cho đại đa số người dân, vì sự phát triển ổn định của đất nước và vì những phẩm giá tốt đẹp của con người. Xem nhẹ, hạ thấp hay xem thường điều căn bản đó sẽ làm cho báo chí đi “chệch hướng” và gây ra tình trạng nhiễu thông tin, rối loạn dư luận xã hội.
Thực ra, làm bất cứ nghề nào trong xã hội cũng có những rủi ro, “tai nạn nghề nghiệp” nhất định, trong đó nghề báo cũng không ngoại lệ. Nhưng, nghề báo càng ngăn ngừa, hạn chế được rủi ro, “tai nạn” bao nhiêu, xã hội càng tránh được những phiền toái, hệ lụy bấy nhiêu. Bởi mục tiêu cao đẹp của nền báo chí cách mạng là góp phần tạo dựng, bồi đắp, nâng cao niềm tin cho công chúng, giúp công chúng biết cảm nhận, thưởng thức những giá trị chân-thiện-mỹ, qua đó kiến tạo nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần lành mạnh cho xã hội phát triển ổn định, văn minh. Trong bối cảnh “internet hóa toàn cầu” hiện nay, lượng thông tin càng đồ sộ bao nhiêu thì ranh giới thật-giả, đúng-sai, phải-trái, tốt-xấu, hay-dở… càng trở nên mong manh bấy nhiêu. Điều đó đặt ra cho báo giới nước ta càng phải trung thực, tỉnh táo, sáng suốt, nhân văn trong việc khai thác, xử lý và công bố thông tin.
“Sai một ly, đi một dặm”. Với tốc độ lan tỏa cực nhanh, cực mạnh của “thế giới phẳng”, từ một thông tin sai ban đầu có thể biến thành hàng ngàn, hàng vạn lượt sự thật bị hiểu sai, kéo theo tác hại càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, những người làm báo nước nhà càng phải hết sức coi trọng, nghiêm cẩn với từng câu từ, chữ nghĩa, thông tin, tài liệu, số liệu, vấn đề, sự kiện, nhân vật… đưa ra công bố với công chúng. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào các tác phẩm báo chí được xử lý qua “bộ lọc” thông minh, tinh tế, thận trọng và cách ứng xử văn hóa, đầy ắp tình người của cả nhà báo và cơ quan báo chí, thì công chúng mới có cơ hội được sống trong một môi trường thông tin lành mạnh và nguy cơ thông tin sai sự thật mới được ngăn chặn triệt để.
Theo TTXVN