Thứ Tư, 9/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 15/6/2015 9:1'(GMT+7)

Hơn 270 báo, tạp chí hoạt động trước Cách mạng Tháng 8

Báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương của của Đông Dương Cộng sản Đảng, số 5, ngày 11/12/1929.

Báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương của của Đông Dương Cộng sản Đảng, số 5, ngày 11/12/1929.


Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản Báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng. Trong khi đó, Ban Công vận Trung ương của Đảng ra Báo Công hội đỏ; Tổng Công hội Bắc Kỳ ra Báo Lao động... Tháng 9-1929, An Nam Cộng sản Đảng ra Báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.

Tháng 2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ thống nhất ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 5-8-1930, Trung ương cho ra Báo Tạp chí đỏ; ngày 15-8-1930, Báo Tranh đấu ra mắt. Tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra Báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo.

Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.

Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nước Pháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít; lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội. Cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng.

Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn. Có tờ chiếm kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.

Tháng 5-1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8-1941, Báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng- Bắc Cạn, rồi Cao Bằng- Bắc Cạn- Lạng Sơn.

Ngày 25-1-1942, Báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10-10-1942, Báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản Tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...

Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5-1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp (3-1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản. Tổng cộng có hơn 270 tờ báo và tạp chí hoạt động kể từ khi báo Thanh niên ra đời đến tháng 8-1945. Báo chí thời kỳ này đã có những cống hiến xứng đáng trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất