Hằng năm, cứ đến dịp mồng 10-3 âm lịch, hàng chục triệu người con đất Việt trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài lại cùng nhau hướng về nguồn cội, hành hương về đất Tổ, với lòng thành kính, dâng nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng.
NƠI TINH HOA VĂN HÓA HỘI TỤ
Từ ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu... thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012) được tổ chức vào đầu tháng ba âm lịch hằng năm - là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cao nhất của người Việt.
Câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba" đã in sâu trong tiềm thức mỗi người con đất Việt. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Ðây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
Tiết tháng ba âm lịch, trời se lạnh, khách hành hương về đất Tổ, mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng chỉ có một ước mong là được thắp nén tâm nhang tỏ lòng biết ơn thành kính với tổ tiên. Trong tâm thức mỗi người, dù có đi muôn phương, thì dòng giống "con Rồng cháu Tiên" luôn thôi thúc hướng về nguồn cội, thành kính tri ân công đức tổ tiên.
Trên các ngả đường dẫn về đền thờ các Vua Hùng, từng đoàn người tay cầm bó nhang, nét mặt thành kính tiến về lăng làm lễ dâng hương. Dưới sân Ðền Hạ, ông Hà Xuân Lập, một người dân ở tỉnh Yên Bái dẫn con cháu về chiêm bái Vua Hùng đúng dịp giỗ Tổ chia sẻ: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đã được tổ chức, tôi rất có ấn tượng với lễ hội đường phố tại TP Việt Trì và hoạt động trình diễn văn hóa các dân tộc vùng Ðông Bắc...
Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, việc Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (vào cuối năm 2017) đã khẳng định thành quả nỗ lực, cố gắng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm nay, Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan, tạo điều kiện cho du khách trong nước và ngoài nước có dịp được thưởng thức di sản qua các cuộc liên hoan Hát Xoan tại Ðền Hùng và tại các làng Xoan cổ, phường Xoan gốc nhằm gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại TP Việt Trì, như : Miếu Lãi Lèn (xã Kim Ðức); đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái (xã Phượng Lâu)..., đồng thời trưng bày tư liệu về di sản Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn... Trong khuôn khổ các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, thể thao phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2019, từ ngày 6-3 âm lịch, Phú Thọ đã khai mạc hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng. Tham gia trại văn hóa năm nay có 23 trại của 13 huyện, thành phố, thị xã cùng các đơn vị trên địa bàn; và sự góp mặt của 27 đội văn nghệ đến từ các câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Tại đây, đồng bào và du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Múa cồng chiêng của dân tộc Mường thuộc trại Thanh Sơn; múa ơn Ðảng, Bác Hồ tại trại văn hóa huyện Phù Ninh… Hội trại với lối kiến trúc mô phỏng ngôi nhà người Việt mang đậm nét văn hóa thời đại Hùng Vương, cùng với không gian trưng bày các sản phẩm địa phương, là dịp để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của vùng đất Tổ, tôn vinh các làn điệu dân ca, dân vũ, những lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian đặc sắc.
NHIỀU NÉT MỚI TẠI LỄ HỘI ĐỀN HÙNG
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2019 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của ba tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La, được tổ chức trong ba ngày (từ 12 đến 14-4, tức ngày 8 đến 10-3 âm lịch). Những ngày này, đi đến đâu trên đường phố từ Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Ðền Hùng và tại các khu di tích lịch sử liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh đều rộn ràng không khí lễ hội. Các khu phố đều khoác lên mình mầu đỏ của cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu đón chào. Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018, theo Ban Tổ chức đã có hơn bảy triệu lượt đồng bào và du khách về dâng hương và tham gia các hoạt động lễ hội trong thời gian 10 ngày. Dự kiến, lượng khách về Ðền Hùng năm nay đông hơn so với mọi năm, vì thế Khu di tích lịch sử Ðền Hùng được Ðảng và Nhà nước, tỉnh Phú Thọ quan tâm tiếp tục đầu tư dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang cảnh quan ngã năm Ðền Giếng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Ðứng dưới chân đỉnh núi Nghĩa Lĩnh rợp bóng cổ thụ, nhìn từng đoàn người hối hả chen vai nhích dần từng bước theo bậc đá dẫn lên Ðền Hùng, ông Nguyễn Bá Thuận (kiều bào về từ Ðan Mạch) chia sẻ: "Ðây không phải là lần đầu tiên tôi được tham dự hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương nhưng mỗi lần đến dâng hương lên các bậc tiền nhân, tôi đều cảm thấy rất xúc động. Về Lễ hội Ðền Hùng năm nay - tại mảnh đất cội nguồn, tôi được trải nghiệm hành trình đi đến nhiều vùng miền trong cả nước để cảm nhận về các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, những phong tục tập quán, nét văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương thông qua các hoạt động"...
Ðồng bào, du khách về với đất Tổ dịp này dường như ai cũng mê đắm trong không khí của những lễ hội dân gian đường phố, hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; bơi chải truyền thống trên sông Lô; các hội trại văn hóa… Ðặc biệt, được đắm mình vào những giai điệu Xoan mượt mà, sâu lắng; được tham gia diễn xướng Hát Xoan cùng với các nghệ nhân để thể hiện tấm lòng thành kính của con dân đất Việt với Vua Hùng, với tổ tiên.
Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu mực của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo, để bảo đảm lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương...
Ðể phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách khi về dự lễ hội, năm nay Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ chủ trì, phối hợp Khu di tích lịch sử Ðền Hùng xây dựng thành công phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin về Ðền Hùng trên điện thoại thông minh. Ứng dụng được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng mọi nơi, nhất là khi tham quan Khu di tích lịch sử Ðền Hùng. Với dung lượng gọn nhẹ, giao diện thân thiện, dễ sử dụng, người dùng có thể tìm kiếm những thông tin về quần thể Khu di tích lịch sử Ðền Hùng với các công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng. Du khách chỉ cần truy cập vào các trang cung cấp ứng dụng của Apple hay Google để cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh với từ khóa "Ðền Hùng", và chỉ cần có kết nối in-tơ-nét, người sử dụng có thể nghe và xem nội dung hướng dẫn hành trình tham quan. Ứng dụng còn cung cấp đầy đủ thông tin về ngày, giờ, địa điểm tổ chức của các hoạt động lễ và hội diễn ra tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2019; chỉ đường và địa chỉ liên hệ các dịch vụ đặt lễ, ăn, uống, nghỉ ngơi, tham quan…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Ðại Dũng, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2019 cho biết, hoạt động dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng bắt đầu từ năm nay không chỉ còn là hoạt động chính do UBND tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện, mà toàn bộ 13 huyện, thành phố, thị xã cũng thực hiện nội dung này theo chương trình, kịch bản riêng của mỗi địa phương. Ðây là một nét mới của lễ hội, thể hiện đúng giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, Phú Thọ chủ trương vận động mỗi gia đình có một "mâm cơm tri ân" do gia đình tự chuẩn bị, bảo đảm trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên Ðền Thượng, sáng 10-3 âm lịch.
Ðáng chú ý, phần hội năm nay có ba hoạt động mới là hát giao lưu tại khu vực ngã năm Ðền Giếng và hồ Mai An Tiêm - Khu di tích lịch sử Ðền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại TP Việt Trì; tổ chức các hoạt động tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương. Bên cạnh đó Phú Thọ mời một số tỉnh, thành phố tham gia giao lưu văn hóa trong thời gian diễn ra lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương như: TP Cần Thơ với tiết mục đờn ca tài tử; tỉnh Sơn La với tiết mục múa xòe và tỉnh Nghệ An với tiết mục hát ví dặm...
Văn hóa vùng đất cội nguồn chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng trong giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của nhân dân. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết, để mỗi người dân Việt tự hào về nền văn hóa mà ông cha để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ những tài sản vô giá đó, để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan Phú Thọ cũng như sắc mầu văn hóa vùng Ðất Tổ mãi trường tồn cùng đất nước.
Ngọc Long/Báo Nhân dân