Thứ Sáu, 11/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 30/10/2014 15:42'(GMT+7)

Thắng lợi của cách mạng tháng Mười – giá trị to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười

Nước Nga dưới đế chế Sa Hoàng từ những năm 1914 đã thực hiện nhiều cuộc cải cách: (Stô-ly-pin, Hiến pháp 1906 và Du-ma Quốc gia) làm thay đổi đáng kể nền kinh tế, chính trị Nga. Chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ, Nước Nga tham chiến và để lại hậu quả kiệt quệ về kinh tế, dân chúng mất lòng tin, khủng hoảng chính trị sâu sắc, cùng với nhiều chính sách sai lầm đã đẩy nhân dân Nga lâm vào cuộc sống cực khổ.

Vì thế, ngày 23-02-1917, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Bôn-Sê-Vích, do V.L.Lê-nin đứng đầu, đưa cuộc biểu tình của hàng vạn công nhân Pê-trô-gờ-rát dần trở thành tổng bãi công-Cách mạng Tháng Hai (17-02), buộc Nga Hoàng Ni-cô-lai II thoái vị. Nhưng Đảng Bôn-sê-vích mới giành được chính quyền Xô-Viết ở cơ sở, còn chính quyến Trung ương vẫn vào tay Chính phủ lâm thời tư sản, phản lại lợi ích công-nông Nước Nga, rơi vào tình thế 2 “chính quyền” song song tồn tại. 

Đến ngày 7-10-1917, tại Pê-trô-gờ-rát, với khẩu hiệu: “Toàn bộ quyền lực về tay Xô-viết”, V.L.Lê-nin chỉ huy khởi nghĩa chiếm Pê-trô-gờ-rát, bao vây Cung điện Mùa Đông (ngày 24-10-1917). Ngày 25-10 (tức ngày 7-11 theo lịch Nga), sau loạt pháo kích của chiến hạm Rạng Đông, Cung điện Mùa Đông bị đánh chiếm, toàn bộ Chính phủ lâm thời tư sản bị bắt giữ. 

Ngay trong đêm 25-10, Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ Hai tuyên bố thành lập Chính quyền Xô-viết do V.L.Lê-nin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết được thông qua như: Sắc lệnh hòa bình; Sắc lệnh ruộng đất; đồng thời, Chính quyền còn thực hiện các biện pháp: xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, thực hiện nam nữ bình đẳng, dân tộc tự quyết, thành lập cơ quan Trung ương và Xô-viết ở các địa phương. Tháng 12-1917, Hội đồng kinh tế quốc dân Tối cao được thành lập nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
 
Tháng 3-1918, Nước Nga chính thức rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ Nhất, tập trung xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chính trong thời gian này, đất nước xẩy ra cuộc nội chiến (từ đầu 1918 đến tháng 11 năm 1920) do các phần tử Bạch vệ cấu kết với 14 nước đế quốc tiến hành nhằm lật đổ Chính quyền Xô-viết. Ngay lập tức, Chính quyền Xô-viết áp dụng Chính sách cộng sản thời chiến, xây dựng Hồng quân công-nông đánh tan ngoại xâm, nội phản, giữ vững chính quyền.

Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới giành thắng lợi, đã chặt đứt mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, đặt dấu chấm hết đối với tư bản Nga, mở ra thời đại mới, thời đại thắng lợi của trên phạm vi toàn thế giới. Từ đây, chủ nghĩa cộng sản không còn là “bóng ma ám ảnh châu Âu” mà nó đã trở thành hiện thực trong xã hội Nga, là niềm tin của nhân dân lao động khắp các châu lục với nguyện vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp nhất, ưu việt nhất và tiến bộ nhất của lịch sử nhân loại; đồng thời các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩacũng dấy lên cao trào cách mạng sôi nổi chưa từng có của nhân dân tiến bộ, khao khát độc lập dân tộc, hòa bình và xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi là mốc son chói lọi khẳng định lời tiên đoán khoa học của C.Mác và Ph.Ăng-ghen thành hiện thực, chứng minh giá trị vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đỉnh cao nhất của trí tuệ loài người, vũ khí sắc bén nhất của giai cấp công nhân quốc tế. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ lí luận khoa học trở thành lương tri của thời đại, chủ nghĩa cộng sản từ ước mơ của giai cấp cần lao trở thành sự thật sinh động.

Giá trị to lớn làm lên thắng lợi của cách mạng Việt Nam


Trong những thập niên đầu của thế kỉ XX, khi nhân dân lao động các dân tộc Liên bang Xô-viết đã làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa Liên Xô trở thành một nước công nghiệp tiên tiến, thì ở Việt Nam cách mạng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi bị thực dân Pháp đàn áp, dập tắt. Bởi đó là những phong trào tự phát, thiếu con đường cách mạng chân chính, thiếu một giai cấp lãnh đạo kiên quyết, triệt để, chưa có bước đi và hình thức đấu tranh thích hợp. Vì vậy Cách mạng Tháng Mười Nga đã soi sáng cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, phải đi theo con đường cách mạng vô sản; đồng thời phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lê-nin vào điều kiện cụ thể nước ta. Chính Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên của dân tộc ta được sứ mệnh lịch sử giao phó đã thực hiện nhiệm vụ trên. Người đã nghiên cứu, tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đặc biệt là lí luận về cách mạng dân tộc thuộc địa và trực tiếp truyền bá vào nước ta để làm lên thắng lợi vĩ đại của cách mạng vô sản ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện trong mấy vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhất là thành quả Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể cách mạng nước ta

Đầu năm 1930, Đảng ra đời đã phất cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, làm cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển sôi nổi, rộng khắp, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931). Từ đó giai cấp công nhân và nhân dân lao động tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Bất chấp chính sách khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đứng lên đấu tranh. Cách mạng Tháng Tám đã vận dụng những nguyên lí của V.L.Lê-nin về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; khởi nghĩa từng phần, đánh đổ từng bộ phận với tổng khởi nghĩa giành chính quyền; chuẩn bị lực lượng chính trị và quân sự với chớp thời cơ cách mạng.

Tháng 8-1945, cùng với thắng lợi của Hồng quân Liên Xô, toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đánh đổ phát xít Nhật và bè lũ tay sai, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đầu tiên thắng lợi ở Đông Nam Á, mở ra kỉ nguyên mới vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không những là minh chứng hùng hồn mà còn góp phần hoàn chỉnh về lí luận cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa trong thời đại mới.

Thứ hai, Cách mạng Tháng Mười không những mở ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn trang bị cho Đảng ta vũ khí lí luận để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ 

Chúng ta mới giành chính quyền, chưa có thời gian tổ chức và củng cố lực lượng, nhân dân ta chỉ có gậy tầm vông với giáo mác làm vũ khí, đã phải tiến hành một cuộc cách mạng kháng chiến trường kì và anh dũng chống bọn thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện một cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại trong lịch sử dân tộc: “Chín năm làm một Điện Biên-Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. 

Từ thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) chính thức công nhận chủ quyền dân tộc thiêng liêng của Việt Nam trên những vấn đề cơ bản đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng miền Nam ruột thịt còn trong chiến tranh, hai miền Nam-Bắc bị chia cắt. Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng ở miền Nam, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhằm thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối.

Thứ ba, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội

Từ sau năm 1975, đặc biệt từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã nắm chắc những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa nước ta phát triển từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu đến nay “đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình”.

Những năm qua, do mắc sai lầm trong quá trình cải tổ, cải cách, cùng với sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã lâm vào khủng hoảng, tan rã. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm vững bài học giành và giữ chính quyền mà CMTM đã để lại. Vì vậy, phải thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thấy rõ vai trò to lớn của CMTM, nhận thức sâu sắc ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của nó đối với cách mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặt khác đấu tranh kiên quyết với nhưng quan điểm, tư tưởng sai trái, phi vô sản, quan điểm thù địch với chủ nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ thành quả vĩ đại của CMTM, giá trị to lớn không thể phủ nhận đối với cách mạng vô sản nói chung và Việt Nam nói riêng.

“Uống nước nhớ nguồn”, khi nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh đầy hi sinh gian khổ, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của V.L.Lê-nin và ý nghĩa to lớn của CMTM, đó không chỉ là những giá trị vĩ đại trong lịch của cách mạng Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Vì vậy, CMTM là một mẫu mực về sự kết hợp của chiến lược và sách lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, đồng thời cần phải tiếp tục bảo vệ và phát huy mãi về sau./.

Nguyễn Ngọc Sáng
(Trường Đại học Nguyễn Huệ)
Tài liệu tham khảo
1. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.91.
2. Nguyễn Anh Thái, Lịch sử thế giới hiện đại (1917-1995), Nxb GD.

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất