Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 19/5/2017 9:25'(GMT+7)

Tháng Năm và mãi mãi!

Hằng năm, cứ mỗi độ Tháng Năm về, với truyền thống đạo lý nhân ái tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mỗi người Việt Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thị thành, từ thanh thiếu niên, nhi đồng đến người già, người lương người giáo, trong nước ngoài nước đều nhớ đến Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bởi vì “Người là Cha, là Bác, là Anh. Trái tim lớn lọc muôn dòng máu đỏ”; là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, tượng trưng cho tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, thống nhất Tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc, làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta và thời đại chúng ta, để lại cho chúng ta một kho tàng đầy của báu, một di sản chứa đựng biết bao giá trị. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là đạo đức Hồ Chí Minh mà đạo đức cao nhất là chí công vô tư, tức là luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, trung thành với Đảng, với nước, hiếu với dân, không dính líu gì với vòng danh lợi. Đó là phong cách Hồ Chí Minh, mà hàng đầu, xuyên suốt là phong cách tập thể - dân chủ, phong cách quần chúng “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.

 Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Người đã vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người khai sinh nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam, người vun trồng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta.

Tháng Năm này, kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Người. Theo thói quen chúng ta lục tìm trong di sản của Người, để đọc và học lại những lời dạy quý báu của Người. Điều thú vị đầu tiên là chúng ta bắt gặp con Đường Cách mệnh mà 90 năm trước Người đã vạch ra cho dân tộc Việt Nam. Có một điều gì đó vừa quen vừa lạ, vừa cũ vừa mới. Bởi đã mấy chục năm đọc Đường Cách mệnh, nhưng mỗi lần giở lại từng trang sách, chúng ta lại khám phá thêm được những điều mới mẻ. Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử sớm thấy được vai trò của đạo đức đối với sự nghiệp cách mạng và rõ ràng Người là một trong số đó. 90 mươi năm trước, để chuẩn bị cho đội tiên phong của giai cấp và dân tộc ra đời, Người đã đặt vấn đề tư cách của một người cách mạng lên hàng đầu. Những điều Người dạy về tư cách của một người cách mạng như cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, ít lòng tham muốn về vật chất, v.v.. vẫn còn tính thời sự nóng hổi khi Đảng ta ở Đại hội XII, lần đầu tiên đưa nội dung đạo đức vào mục tiêu xây dựng Đảng.

Đường Cách mệnh cho thấy khi trên thế giới có nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhưng bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự trải nghiệm, Người đã dứt khoát khẳng định chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất và quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một trí tuệ đặc biệt mà lịch sử gần một thế kỷ qua đã chứng minh là sự lựa chọn duy nhất đúng.

Đọc Đường Cách mệnh trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn thấy sáng tỏ giá trị lý luận về đường lối và phương pháp cách mạng. Nổi bật là tư tưởng về đảng cách mệnh. 90 năm trước khi cả dân tộc còn đắm chìm trong đêm dài nô lệ, nghe hai chữ cách mệnh còn lờ mờ lắm, Người đã chỉ ra rằng cách mạng trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.

Đọc hết trang cuối của Đường Cách mệnh, theo dòng lịch sử, chúng ta bắt gặp tác phẩm Đời sống mới. Trong khi cả dân tộc bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, khó nhọc vất vả, một câu hỏi lớn đặt ra kêu gọi thực hành đời sống mới, liệu có hợp thời? Bằng trí tuệ của một tầm nhìn xa và cách nhìn khoa học, Người khẳng định chính lúc này thực hành đời sống mới Cần, Kiệm, Liêm, Chính là hợp thời lắm. 70 năm sau nhìn lại, khi chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp kháng chiến, đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất, cả nước quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, càng thấy rõ giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn tư tưởng của Người về xây dựng đời sống mới. Thực hành đời sống mới không những góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến cứu quốc và kiến quốc, mà còn đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

Chưa hết ngạc nhiên về tư duy đời sống mới, chúng ta lại bắt gặp tầm nhìn mới mẻ đầy sinh khí của một học thuyết về Sửa đổi lối làm việc. Nếu thực hành đời sống mới thể hiện ở bề rộng đối với tất cả mọi người từ trong gia đình đến một làng, một trường học, bộ đội, công sở thì Sửa đổi lối làm việc lại tập trung vào khắc phục những căn bệnh của Đảng cầm quyền, như bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Cảm ơn Người đã dạy: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy cán bộ và đảng viên. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Phải tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa đổi cán bộ và tổ chức của ta”. Cảm ơn Người, vì Sửa đổi lối làm việc cho ta một tầm nhìn đổi mới, tầm nhìn về chỉnh đốn Đảng mà 70 năm sau, Đảng ta đang tích cực thực hiện qua các nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhớ Bác, thương Bác, kính yêu Bác và cảm ơn Bác, để lòng ta trong sáng hơn, nguyện noi gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người - Tháng Năm mà mãi mãi.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất