Thanh Hóa có gần 6.000 thôn, tổ dân phố, hơn 35 nghìn người là cán bộ, nhân viên thôn, tổ dân phố hoạt động không chuyên trách. Bộ máy cồng kềnh đã khiến tăng chi từ ngân sách, tồn tại cơ chế dân nuôi. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Thanh Hóa chủ động, tích cực sáp nhập thôn, tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Phố 2, thị trấn Quảng Xương (huyện Quảng Xương) có 122 hộ, 440 nhân khẩu. Quy mô không lớn, nhưng có tới 11 người hoạt động không chuyên trách trong hệ thống chính trị, đoàn thể, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Bộ máy cồng kềnh, làm tăng chi phí ngân sách địa phương, phải huy động nguồn lực trong nhân dân. Bí thư Chi bộ phố 2 Nguyễn Thế Tiến trao đổi: Chủ trương sáp nhập tổ dân phố, phố của thị trấn Quảng Xương được nhân dân nhất trí cao cho nên thị trấn sáp nhập bốn tổ dân phố thành hai tổ.
Theo đó, phố 2 mới được hình thành từ việc sáp nhập từ phố 2 cũ với phố Tân Phong có 268 hộ, bình quân gần hai gia đình có một đảng viên. Chỉ thị, nghị quyết của đảng bộ cấp trên, chi ủy gắn trách nhiệm của đảng viên trong triển khai, vận động quần chúng tổ chức thực hiện; hiệu quả lãnh đạo, điều hành của chi ủy, chính quyền phố được nâng cao. Sau khi sáp nhập, mỗi hộ trong tổ dân cư số 2 chỉ phải đóng góp bằng 25% mức dự toán ban đầu, sớm hoàn thành thi công hơn 100 m mương, cống bê-tông, nối thông hệ thống tiêu thoát, khắc phục ngập nước thường xảy ra. Người dân tiếp tục đóng góp gần 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng khu phố; ra quân tổng vệ sinh môi trường vào chiều chủ nhật hằng tuần. Lãnh đạo phố vận động doanh nghiệp, cơ quan bố trí việc làm cho hai lao động, tạo sinh kế cho hai hộ thoát nghèo, cùng phấn đấu đạt phố kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Xương Dương Cao Phan cho biết, chỉ có 912 hộ, 3.800 nhân khẩu, cư trú ở sáu phố cho nên thị trấn đang triển khai chủ trương của huyện là sáp nhập các xã Quảng Tân, Quảng Phong, mở rộng địa giới hành chính, thành lập thị trấn Tân Phong, tăng cư dân đô thị lên 20 nghìn người. Việc nhất thể chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng phố, bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách; sáp nhập tổ dân phố, các khu phố được người dân đồng tình ủng hộ. Không chỉ tinh giản bộ máy, giảm chi ngân sách, huy động sức dân, thị trấn còn đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Theo Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Xương Vũ Khoa Bắc: Ban chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố thường xuyên giao ban nắm tình hình, tiến độ, tham mưu giải quyết kịp thời vấn đề nảy sinh. Hiện, huyện Quảng Xương đã sáp nhập 49 thôn ở bảy xã, thành lập 22 thôn mới; tiếp tục sáp nhập 69 thôn ở tám xã để thành lập 33 thôn mới, tính chung toàn huyện giảm 63 thôn.
Xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa có hơn 440 ha đất nông nghiệp, 2.330 hộ, 7.667 nhân khẩu nhưng có tới 68% số dân đi làm ăn xa; trong đó 30% đã chuyển hộ khẩu đến các tỉnh khác. Bởi vậy, các thôn trong xã đều ít dân, nhưng tổ chức cồng kềnh, cán bộ đông, năng lực, trình độ hạn chế, hiệu quả tuyên truyền, vận động không cao. Rút kinh nghiệm lần sáp nhập các thôn chưa đúng quy định, lần này xã Thiệu Giao triển khai sáp nhập thôn theo các bước hướng dẫn, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, thực hành dân chủ sâu rộng, chủ động, kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh.
Với tỷ lệ hơn 90% số cử tri nhất trí thông qua, xã Thiệu Giao đã hoàn thành sáp nhập 16 thôn thành tám thôn; bố trí bốn bí thư chi bộ kiêm nhiệm trưởng thôn. Bí thư Ðảng ủy xã Thiệu Giao Hoàng Trọng Cường cho biết: Nhờ sáp nhập thôn gắn với kiện toàn chi ủy, chính quyền thôn, Thiệu Giao đã giảm được 20 bí thư chi bộ và thôn trưởng; giảm 50% số lượng cán bộ các đoàn thể, tổ an ninh xã hội, công an viên, thôn đội trưởng cho nên mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 400 triệu đồng. Quy mô tổ chức, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên tăng lên, tạo nguồn lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ cho hệ thống chính trị cơ sở.
Huyện Yên Ðịnh hiện có hơn 173 nghìn nhân khẩu cư trú ở 259 thôn, phố, thuộc 29 xã, thị trấn. Trước đây, nhiều làng truyền thống chia tách thành các thôn, đội, tổ sản xuất; nay, phần lớn người lao động đi làm ăn xa, nhiều thôn chỉ có 100 hộ nhưng vẫn duy trì cơ cấu tổ chức như cũ, cho nên bộ máy cồng kềnh; việc chỉ đạo, điều hành có nơi, có lúc hiệu quả còn hạn chế. Do vậy, huyện chỉ đạo xây dựng đề án sáp nhập thôn từ năm 2013 và quá trình triển khai bảo đảm nguyên tắc dân biết, dân bàn, cùng thống nhất thực hiện. Hết năm 2017 có bảy xã đã triển khai sáp nhập thôn, toàn huyện giảm 32 thôn với 192 người hoạt động không chuyên trách; mỗi năm ngân sách huyện tiết kiệm hơn hai tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 635 xã, phường, thị trấn, 5.971 thôn, tổ dân phố. Cấp xã có tổ chức gì thì cấp thôn có tổ chức đó, cho nên toàn tỉnh có hơn 35 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Hoạt động của cán bộ thôn, tổ dân phố là trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, tạo chuyển biến từ cơ sở, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, có tới 62,5% số thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm quy mô số hộ theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Có thôn chỉ có 13 hộ, 71 nhân khẩu nhưng vẫn bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách, trưởng các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp như những thôn có quy mô lớn. Bộ máy cồng kềnh, tỷ lệ tập hợp thấp, có nơi vi phạm quy chế dân chủ, huy động quá sức dân, mắc sai sót trong thực hiện chính sách; hiệu quả lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu đề ra còn hạn chế, chưa giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh. Vẫn còn 62,7% số người hoạt động không chuyên trách chưa qua đào tạo chuyên môn; gần 75% chưa được đào tạo lý luận chính trị.
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, qua tổng kết thực tiễn sáp nhập thôn ở một số địa phương, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xây dựng, thông qua đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố; giao các địa phương chủ động xây dựng đề án, trình HÐND cùng cấp xem xét, quyết nghị, triển khai thực hiện. Các huyện tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ, Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo UBND tỉnh, trình HÐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định sáp nhập thôn, tổ dân phố với từng trường hợp cụ thể. Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Giang Nam cho biết: Thực hiện đề án từ cuối năm 2017, đến nay, Thanh Hóa đã sáp nhập 198 thôn, tổ dân phố, từng bước tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Qua khảo sát, tiến trình sáp nhập thôn, tổ dân phố được triển khai sâu rộng, đồng thuận trong nhân dân, các tổ chức thành viên, hội viên; thực hiện đúng hướng dẫn, quy định pháp luật, gắn với kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Dù vậy, quá trình sáp nhập đã làm nảy sinh một số vướng mắc, lúng túng. Thí dụ: nhiều thôn đã có nhà văn hóa khi sáp nhập thôn lại thành ra thừa một đến hai nhà văn hóa, gây lúng túng trong quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả; trong khi đó có thôn vẫn cần huy động sức dân để xây dựng, hoàn thiện nhà văn hóa và các công trình nông thôn mới khác. Thay đổi tên thôn, tổ dân phố cũng nảy sinh bất cập trong giao dịch dân sự của một bộ phận công dân; lực lượng chức năng, các cơ quan liên quan cần tiếp tục đồng hành giải quyết, cập nhật quản lý hộ tịch, hộ khẩu.
Thời điểm tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện đề án, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư 09/2017/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố cho nên tỉnh Thanh Hóa khuyến khích các địa phương trong tỉnh chủ động cập nhật, áp dụng trong sáp nhập thôn, tổ dân phố để có quy mô lớn hơn. Thanh Hóa phấn đấu đến giữa năm 2018 hoàn thành đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh sẽ giảm 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố, 7.000 người hoạt động không chuyên trách; giảm chi mỗi năm gần 100 tỷ đồng, qua đó cân đối nâng phụ cấp cho lực lượng công tác ở hệ thống chính trị cơ sở.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Ðầu Thanh Tùng đánh giá: Sáp nhập thôn, tổ dân phố khắc phục được hiện trạng thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động; sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nhân dân; tăng khả năng tập hợp quần chúng, thắt chặt truyền thống cố kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp... Sáp nhập thôn, tổ dân phố gắn với phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, kiện toàn các tổ chức, cũng là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa.
Mai Luận/Nhân dân