Trong quá trình tinh gọn bộ máy ở tỉnh Phú Thọ, các cấp ủy đảng, tổ chức đảng đã tiến hành bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý dôi dư bảo đảm khách quan, minh bạch, lựa chọn được những cán bộ quản lý có năng lực và uy tín.
Giải quyết những tình huống khó
Trong hai năm 2016 và 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã chỉ đạo sáp nhập tất cả các trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa ở 11 huyện để thành lập trung tâm y tế huyện thực hiện hai chức năng. Việc sáp nhập 22 đơn vị y tế cấp huyện diễn ra khẩn trương trong thời gian ngắn. Cấp phó của các đơn vị vẫn giữ nguyên. Trưởng, phó các khoa, phòng được bố trí làm đúng chuyên môn và không gặp vướng mắc khi sắp xếp lại. Khó khăn nhất là việc lựa chọn 11 cấp trưởng mới và điều động cán bộ đang giữ cương vị cấp trưởng đơn vị cũ làm cấp phó đơn vị mới.
Trước tiên, cấp ủy, chi bộ các đơn vị quán triệt việc sáp nhập trong đơn vị mình. Yêu cầu đối với vị trí giám đốc trung tâm y tế huyện là còn đủ một nhiệm kỳ công tác, có trình độ, năng lực, uy tín… Ban thường vụ huyện ủy gặp gỡ từng đồng chí trưởng đơn vị, nắm bắt nguyện vọng, sau đó thống nhất với Sở Y tế về phương án nhân sự. Trên thực tế, khối lượng công việc cũng như tính chất phức tạp của bệnh viện đa khoa huyện lớn hơn nhiều so với các trung tâm y tế huyện. Người đứng đầu trung tâm y tế huyện với hai chức năng phải có năng lực mới có thể đưa đơn vị vượt qua khó khăn, thực hiện lộ trình tự chủ tài chính. Nhận thức rõ những thách thức, nhiều đồng chí giám đốc trung tâm y tế nhất trí làm cấp phó của đơn vị mới. Tỉnh điều động ba cán bộ từ nơi khác đến làm giám đốc ba trung tâm y tế huyện.
Tại huyện Cẩm Khê, Giám đốc Trung tâm Y tế và Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện đều còn hai năm nữa đến tuổi về hưu. Tuy nhiên, thời gian qua Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê dưới sự điều hành của Giám đốc Vi Văn Miên có nhiều đổi mới, hoạt động hiệu quả. Do đó, Huyện ủy Cẩm Khê và Sở Y tế đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép bổ nhiệm đồng chí Vi Văn Miên làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện và được tỉnh nhất trí. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Trần Minh Khánh cho biết: Từ khi được sáp nhập, các đơn vị đều đoàn kết, chỉ đạo tuyến khá hiệu quả. Nhiều đơn vị được tăng cường nhân lực, bố trí lại phòng ban hợp lý, phát huy tốt hơn các vị trí công tác.
Ðối với lĩnh vực dạy nghề, tỉnh Phú Thọ sớm triển khai sáp nhập các cơ sở giáo dục, dạy nghề có cùng chức năng, nhiệm vụ. 23 cơ sở giáo dục, dạy nghề được sáp nhập thành 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc quản lý của UBND cấp huyện từ tháng 1-2016. Qua đợt sáp nhập này, giảm được 10 đầu mối và 54 chỉ tiêu biên chế. Ðể việc bố trí cán bộ quản lý bảo đảm khách quan, UBND các huyện thống nhất với các sở, ngành liên quan xem xét, bố trí từng trường hợp. Mặc dù quá trình sáp nhập liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, song không phát sinh đơn thư khiếu nại. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Phú Thọ Phùng Quốc Lập nhận định: Có được kết quả này là do làm tốt công tác tư tưởng. Các ngành thường xuyên bàn bạc, thống nhất trên cơ sở công khai, khách quan khi lựa chọn cán bộ chủ chốt. Sau hơn một năm sáp nhập, các trung tâm hoạt động năng động hơn, chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề.
Quá trình sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý rất phức tạp, vừa phải bảo đảm sự ổn định, vừa để cán bộ yên tâm công tác. Chính vì vậy, có trường hợp sáp nhập hoặc giải thể ngay, nhưng cũng có trường hợp cần thực hiện theo lộ trình để sắp xếp dần dần, tránh gây sốc tâm lý. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Hường nêu thí dụ: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS phải sáp nhập để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Nếu thực hiện cùng một lúc thì trung tâm mới sẽ có 11 cấp phó, bốn nhân viên kế toán, bốn thủ quỹ, bốn văn thư và nhiều vị trí công tác trùng lắp, không thể sắp xếp ngay. Sau khi cân nhắc, xin ý kiến các cơ quan trong tỉnh, Sở Y tế quyết định sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để thành lập Trung tâm Phòng, chống dịch bệnh. Từ nay đến năm 2020 sẽ tiếp tục sáp nhập các đơn vị còn lại.
Bảo đảm thiết thực, hiệu quả
Tinh gọn bộ máy là dịp để các đơn vị, sở, ngành, địa phương xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Lộ trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc việc sáp nhập, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, lựa chọn người đứng đầu có năng lực. Ðồng chí Nguyễn Tường Thứ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: Tỉnh ủy coi công tác tinh gọn bộ máy là cần thiết và cấp bách. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo với từng ngành, từng lĩnh vực, yêu cầu khẩn trương, chắc chắn, hiệu quả. Tỉnh ủy yêu cầu bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị phải công khai, minh bạch. Tạm thời giữ nguyên số lượng lãnh đạo cấp phó hiện tại, có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn nhiều nhất là ba năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn
bổ nhiệm.
Các sở, ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm kế hoạch về tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Ðến thời điểm này, Phú Thọ đã giảm 74 đơn vị ở cấp tỉnh và cấp huyện, chưa có trường hợp nào khiếu kiện. Liên đoàn Lao động tỉnh giải thể bốn công đoàn ngành, Sở Nội vụ giảm hai phòng, Sở Kế hoạch và Ðầu tư giảm ba phòng, Thanh tra tỉnh giảm một phòng. Ba trưởng phòng của Sở Kế hoạch và Ðầu tư đều làm phó phòng, Sở phân công một đồng chí phó giám đốc phụ trách phòng mới. Ban Bảo vệ sức khỏe nội bộ vừa được sắp xếp, hơn 30 nhân viên được chuyển sang ngành y tế. Tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến giảm bảy đầu mối. Các sở, ngành còn lại đều đang xây dựng đề án tinh gọn bộ máy và sẽ thực hiện ngay trong năm 2018. Các đơn vị khối Ðảng, đoàn thể cũng chủ động xây dựng đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, thống nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước khi xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tới đây, theo đề án đã được duyệt, Tỉnh đoàn sẽ sáp nhập Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Hùng Vương và Nhà Thiếu nhi tỉnh để thành lập Trung tâm Thanh thiếu nhi Hùng Vương. Hai đồng chí giám đốc của các đơn vị này đều có trình độ, kinh nghiệm tương đương và còn đủ thời gian công tác một nhiệm kỳ. Trường hợp phải lựa chọn một người làm cấp trưởng, Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thanh Tùng khẳng định, sẽ tiến hành theo quy trình năm bước về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cách thức lựa chọn người đứng đầu sẽ bảo đảm khách quan, minh bạch, sao cho người trong cuộc “tâm phục, khẩu phục”.
Tuy nhiên, quá trình tinh gọn bộ máy ở địa phương gặp nhiều vướng mắc đối với các đơn vị chuyên môn. Nhiều việc cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Thí dụ như sáp nhập các trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y ở các huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện chưa thực hiện được do còn chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ. Việc hợp nhất văn phòng cấp ủy cấp huyện với văn phòng HÐND, UBND huyện, hay việc thống nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể.
Công tác tinh gọn bộ máy đang được các tỉnh, thành phố tích cực triển khai, đã đem lại kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn, cần có sự thống nhất, chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Từ kinh nghiệm của tỉnh Phú Thọ, các ngành, địa phương cần coi trọng sự công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ khi tiến hành sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, bố trí công việc phù hợp cho công chức, viên chức. Ðồng thời, hết sức coi trọng công tác nắm bắt tư tưởng cán bộ, thực hiện nghiêm túc quy trình bổ nhiệm cán bộ.
'
Theo Nhân dân