Thứ Sáu, 20/9/2024
Chính sách
Thứ Tư, 10/9/2014 2:12'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường định hướng về nghề nghiệp cho thanh niên

Để hỗ trợ các đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã triển khai đồng loạt trên 24 quận, huyện về các chương trình tín dụng ưu đãi học nghề và đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học… hỗ trợ ưu đãi tín dụng cho 47.637 học sinh, sinh viên. Các cơ sở dạy nghề tại các huyện đã chú trọng việc liên kết đào tạo và định hướng việc làm sau khi đào tạo, từ đó giúp học viên có việc làm đúng lĩnh vực được đào tạo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đồng thời, công tác đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho lao động nông thôn đã đào tạo nghề nghiệp cho hơn 33.000 lượt người; các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên đã giới thiệu việc làm cho hơn 12.000 lượt người...

Tuy nhiên, theo UBND thành phố, việc thực hiện các mục tiêu Đề án vẫn còn nhiều hạn chế như: Chưa có giải pháp hữu hiệu trong công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên. Các chương trình đào tạo về kỹ năng, ngoại ngữ, tin học miễn phí còn ít so với nhu cầu thực tế của thanh niên và người lao động. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa đạt hiệu quả cao. Các nội dung thực hiện của Đề án chưa tận dụng được nhiều nguồn lực kinh tế, nguồn lực xã hội để tham gia hỗ trợ cho thanh niên học nghề và giải quyết việc làm.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra. Trong các nội dung thực hiện cần phát huy các nguồn lực xã hội, vận động các doanh nghiệp tham gia đồng hành, tăng cường các giải pháp truyền thông hướng nghiệp cho thanh niên, cung cấp thông tin về nhu cầu lao động trẻ hàng năm, đánh giá và tham mưu các chính sách hỗ trợ cho thanh niên về nghề nghiệp và việc làm, tạo điều kiện thuân lợi cho các cơ sở dạy nghề, trường nghề hoạt động, tham gia tín dụng ưu đãi để nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của xã hội.

UBND thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp của thành phố tích cực tiếp nhận lao động do Đề án giới thiệu nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên. Ngành giáo dục cần chú trọng các giải pháp phân luồng học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp. Đầu tư nâng cao chất lượng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; xây dựng mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp sử dụng lao động; xây dựng giáo án bổ trợ các kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cần thiết cho học sinh, sinh viên. Các sở, ngành liên quan phối hợp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và nghề nghiệp nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới và có đánh giá về các nhóm ngành nghề, nhóm việc phù hợp với thanh niên nông thôn.

Đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” tại thành phố được thực hiện từ năm 2012 nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp; tạo bước đột phá về số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, nhất là thanh niên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất