Thứ Ba, 3/12/2024

Thành phố Vinh 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một góc phố Cao Thắng (TP. Vinh - Nghệ An).

Một góc phố Cao Thắng (TP. Vinh - Nghệ An).

Bước ra từ hoang tàn, đổ nát sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, thành phố Đỏ anh hùng - thành phố “chói lọi sắc hồng... cười trong gạch vụn” đã nhanh chóng vươn lên, bắt tay xây dựng lại. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”, ngày 1-5-1974, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Xây dựng Đỗ Mười đã đặt viên gạch đầu tiên tại Lễ khởi công xây dựng TP Vinh, đánh dấu thời kỳ tái thiết, lại thành phố sau chiến tranh. Trong không khí thi đua “Cả Nghệ An là một công trường, mỗi đoàn viên thanh niên là một chiến sĩ kiên cường lao động xây dựng và bảo vệ quê hương”, dưới sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia CHDC Đức cùng bàn tay lao động cần cù của những người con thành Vinh, những khu nhà cao tầng san sát mọc lên dọc theo con đường Quang Trung, trở thành niềm kiêu hãnh trong thập niên 70 của dải đất miền trung nắng gió.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với sự tiên phong của mình, kinh tế TP Vinh bắt đầu có sự chuyển hướng rõ rệt, hình thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, tạo động lực mới trong mọi lĩnh vực sản xuất. Chỉ tính kết quả trong hai năm 1987 - 1988, sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 17%; sản lượng nông nghiệp đạt 5.800 tấn, thu thuế nông nghiệp vượt 5% kế hoạch; kinh tế gia đình phát triển mạnh, xuất hiện nhiều tổ hợp sản xuất tại các phường: Trường Thi, Trung Đô, Hồng Sơn… Toàn thành phố có hơn 550 gia đình phát triển các ngành nghề chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, sửa chữa cơ khí… Năm 1987, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Vinh đạt 386.934 rúp… Đây chính là bước chạy đà cho Vinh có bước bứt phá tiếp theo. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế, xã hội thành phố có nhiều bước phát triển vượt bậc. Cột mốc đáng nhớ là năm 2008, TP Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An.

Khát vọng vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nói chung và TP Vinh nói riêng là được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành T.Ư ủng hộ, cổ vũ bằng nhiều chủ trương, chính sách rất kịp thời và sát thực. Ngày 30-7-2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020; trong đó, khẳng định mục tiêu xây dựng TP Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ (BTB) về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Đặc biệt, ngày 29-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2468/QĐ-TTg về Đề án phát triển TP Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng BTB. NQ số 26 cũng như Quyết định số 2468 như tiếp thêm nguồn sinh lực, định hướng giúp tỉnh Nghệ An cũng như TP Vinh vươn lên, phát triển xứng đáng với vị thế, tiềm năng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp của TP Vinh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên kinh tế, xã hội TP Vinh vẫn có bước phát triển.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân trong ba năm này đã đạt gần 9%/năm. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2018 đạt 84,6 triệu đồng (cao gấp 2,4 lần mức bình quân của tỉnh). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khi tỷ trọng dịch vụ đạt 66,61%; công nghiệp - xây dựng 32,07%; nông - lâm - ngư nghiệp 1,32%. Thu ngân sách tăng trưởng khá và tương đối ổn định, năm 2018 đạt 2.320 tỷ đồng; bình quân thu ngân sách giai đoạn 2016-2018 cao gấp 1,58 lần so giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,41% và giảm nghèo bền vững đối với những hộ cận nghèo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 66%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 45%. Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2016…

Sau ba năm thực hiện Đề án “Phát triển TP Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng BTB”, thành phố đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, mạng lưới các tổ chức tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm trên địa bàn được mở rộng; cơ sở vật chất từng bước được hiện đại hóa. Chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng và nâng cao. Dịch vụ tài chính, tín dụng ngân hàng hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp, kinh tế tập thể và hộ kinh doanh trong tỉnh và khu vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của thành phố.

Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước tăng trưởng khá nhanh. Bình quân giai đoạn 2006 - 2016 đạt trên 11%/năm, năm 2018 đạt 18.770 tỷ đồng. Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 23,9%/năm, từng bước định hình một đầu mối tập kết, phân phối, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh, vùng BTB và các tỉnh phía Bắc. Hạ tầng thương mại phát triển nhanh, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn đưa vào khai thác. Các phố chuyên doanh phát triển ổn định, cung ứng hàng hóa và dịch vụ đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại...

TP Vinh trở thành trung tâm lưu trú, trung chuyển khách du lịch của tỉnh và cả vùng. Cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh, nhất là cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, siêu thị. Đến năm 2018, trên địa bàn thành phố có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch với nhiều cơ sở đạt từ ba đến bốn sao. Các trung tâm mua sắm được đầu tư và ngày càng phát triển mạnh như Big C Vinh, CK plaza, Mega market (Thái-lan)... Các khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân và khách du lịch.

Thành phố đã phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động du lịch, kết nối các điểm du lịch, như: Đền Vua Quang Trung, Quảng trường Hồ Chí Minh, Đền ông Hoàng Mười… với các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng. Các chương trình hợp tác phát triển du lịch với bốn tỉnh BTB, 14 tỉnh vùng Bắc - Nam Trung Bộ, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các nước Lào, Thái-lan được coi trọng và đẩy mạnh.

Luôn là điểm sáng trong giáo dục của tỉnh và cả nước về quy mô và chất lượng, TP Vinh là địa phương quan tâm chăm lo chất lượng học sinh giỏi và giáo dục đại trà, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nghệ An nói chung và TP Vinh nói riêng là đơn vị nằm trong tốp đầu của cả nước về học sinh giỏi và số học sinh thi đậu đại học đạt điểm cao. Hiện, trên địa bàn TP Vinh có sáu trường đại học, 16 trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề có năng lực đào tạo hơn 90.000 học sinh, sinh viên. TP Vinh đang từng bước trở thành trung tâm đào tạo của vùng BTB, đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh, vùng và cả nước.

TP Vinh hiện có 285 cơ sở y tế, trong đó có 10 trung tâm y tế tuyến tỉnh, một bệnh viện tuyến thành phố, chín bệnh viên tư nhân, một trường Đại học Y... Hệ thống dược và vật tư y tế trên địa bàn phát triển mạnh, đến nay có 51 công ty và chi nhánh hoạt động. Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, chất lượng các dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, trong vùng và cả người dân nước bạn Lào...

Hệ thống hạ tầng thông tin được quan tâm đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, TP Vinh cùng với tỉnh đang trở thành một trong những trung tâm thông tin truyền thông của cả nước. 100% các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức kinh doanh trên địa bàn thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện báo cáo thống kê, khai báo thuế qua mạng. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc của cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Qua sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã một lần nữa khẳng định:“Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển TP Vinh toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, nhằm đưa thành phố ngày càng phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân TP Vinh đang còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng công nghệ cao, tăng cường thu hút các nguồn lực phát triển du lịch và dịch vụ; đặt thành phố trong mối quan hệ tổng thể, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh vùng và giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng của tỉnh và cả vùng; xây dựng TP Vinh trở thành trung tâm vùng BTB trên 10 lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Di chúc là tâm nguyện, là ý chí, niềm tin, là tình cảm và trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng, với quê hương Nghệ An nói chung và TP Vinh nói riêng. “Quê hương nghĩa trọng tình cao”, kỳ vọng quê hương phát triển, lớn mạnh và trở thành tỉnh khá là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của Người.

Thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Vinh quyết tâm đoàn kết, xây dựng thành phố phát triển văn minh, giàu mạnh, xứng đáng là thành phố quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

Một góc TP Vinh.

Phan Đức Đồng
Bí thư Thành ủy TP Vinh

(Nguồn: nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất