Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 24/7/2019 10:17'(GMT+7)

Thanh toán điện tử: Vấn đề pháp lý cần đặt ra hàng đầu

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tổ chức ngày 23/7, đại diện NHNN cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai nhiều nội dung để thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển.

NHNN đã ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở cho thẻ chip nội địa nhằm hướng tới mục tiêu toàn bộ thẻ ngân hàng hiện nay sử dụng thẻ từ chuyển sang thẻ chip nội địa với công nghệ thẻ chip an toàn cho người dân. Đơn vị cũng thường xuyên chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức ngân hàng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cung ứng sản phẩm dịch vụ mới để bảo đảm an ninh cho khách hàng.

Về hạ tầng thanh toán, thời gian qua các ngân hàng đã kết nối và tích hợp, hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán của ngành hải quan, thuế, điện lực, viễn thông và đang tiếp tục mở rộng triển khai đến các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ. Đến nay, có khoảng 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp cung ứng dịch vụ với các đơn vị thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố và các quận, huyện trên cả nước.

Việc phối hợp của các ngân hàng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thanh toán tiền điện qua ngân hàng đã lên đến con số 90% doanh thu của ngành điện lực hiện nay. Đã có 76 ngân hàng cung ứng dịch vụ qua internet banking và 41 tổ chức ngân hàng cung ứng dịch vụ qua mobile banking.

Đã có 100% cơ sở bệnh viện, tổ chức y tế bắt đầu triển khai đề án phối hợp các ngân hàng để thu tiền khám, chữa bệnh để thuận lợi cho người đi khám sức khỏe. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, nỗ lực cải thiện quy trình, nghiệp vụ phối hợp các tổ chức cung ứng dịch vụ công để cung ứng các sản phẩm mới tạo điều kiện, tiện ích cho khách hàng.

Theo đại diện NHNN, khảo sát hiện nay của các tổ chức quốc tế, trong nước về dịch vụ thanh toán di động, Viettel là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán qua di động trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 với tỷ lệ tăng 37% vào giữa năm 2018 và đến hiện nay khoảng 61%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thanh toán điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, vì sự phát triển của công nghệ trong quá trình hội nhập đặt ra nhiều thách thức trong xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật để quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống thanh toán, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đổi mới sáng tạo vừa bảo đảm chức năng quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó là thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của nhiều người dân; một số vùng nông thôn hạ tầng công nghệ còn hạn chế nên triển khai ứng dụng thanh toán điện tử gặp khó khăn; tội phạm trong thanh toán điện tử cả trong nước và quốc tế gần đây diễn biến phức tạp với hành vi, thủ đoạn tinh vi; sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ của nhiều bộ, ngành liên quan còn chưa chặt chẽ…

Để xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp, NHNN đang trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP ban hành ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt. Theo NHNN, việc sửa đổi 2 Nghị định này là vấn đề tác động rất nhiều tới thói quen, phạm vi sử dụng tiền mặt của người dân và tạo điều kiện cho thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

NHNN cũng đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt là có khả năng kết nối, xử lý nhanh việc thanh toán với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi thanh toán điện tử.

Đồng thời, tiếp tục số hóa hoạt động ngành ngân hàng để tạo sự phát triển năng động, bứt phá, tạo sự hài lòng của khách hàng khi thanh toán điện tử./.

Gia Huy (VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất