Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thời gian tới, ngành Y tế cần
tập trung giải quyết 12 vấn đề yếu kém, bất cập cả trước mắt và lâu
dài.
CHỌN "GIÁ THẤP NHẤT" HAY "GIÁ HỢP LÝ NHẤT"
Thời
gian qua, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất
xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, từ tuyến huyện, tỉnh đến tuyến trung
ương. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là vướng mắc trong triển
khai đấu thầu mua sắm. Đối với thuốc, vướng mắc xuất hiện ngay từ giai
đoạn xây dựng giá dự toán vì trong thực tế thuốc là loại hàng hóa đặc
biệt có nhiều đặc tính kỹ thuật khác nhau, được phân chia nhiều nhóm
khác nhau, mỗi nhóm kỹ thuật có đơn giá khác nhau. Vì vậy, phải đến giai
đoạn xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thì mới xác định được
nhóm kỹ thuật của thuốc phù hợp nhu cầu điều trị, giai đoạn này bệnh
viện mới xác định được đơn giá của thuốc, vật tư y tế, hóa chất theo
từng nhóm kỹ thuật. Như vậy, việc phê duyệt giá dự toán mua sắm thuốc
không thể thực hiện được.
Đối với đấu thầu mua sắm trang thiết
bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm, các bệnh viện cũng gặp khó
khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch. Đối
với yêu cầu ba bảng báo giá, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất,
sinh phẩm xét nghiệm là loại hàng hóa mang tính đặc thù của ngành y tế,
một số loại được phân phối độc quyền từ các nhà cung cấp hoặc chỉ có
một nhà cung cấp trên địa bàn, việc thu thập đủ ba bảng báo giá theo quy
định để xác lập giá kế hoạch là rất khó thực hiện. Có một số trang
thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bệnh viện đăng công khai thông tin mời
chào giá nhiều lần nhưng vẫn không có đủ ba bảng báo giá, có loại thì
chỉ có hai, thậm chí có loại thì chỉ có một bảng báo giá…
Từ thực
tế những vướng mắc, bất cập trong đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị,
vật tư, hóa chất, lãnh đạo nhiều bệnh viện kiến nghị, ở giai đoạn lập dự
toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng
nhóm kỹ thuật; cần thiết bổ sung vào thông tư hướng dẫn xác định dự toán
mua sắm thuốc được xây dựng đơn giá dự toán theo nhóm kỹ thuật với giá
bình quân mua sắm trong năm trước liền kề hoặc giá bình quân theo các
báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng dự toán mua sắm. Đối với
các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị thì Bộ Y tế đưa vào danh mục mua sắm
tập trung hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để
bảo đảm có thuốc phục vụ điều trị cho người bệnh.
Đối với đấu
thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm cần
quy định rõ cho trường hợp thu thập không đủ ba bảng báo giá sau khi đã
đăng tải rộng rãi thư mời báo giá nhiều lần; đồng thời, chủng loại vật
tư y tế không có kết quả trúng thầu được đăng tải công khai trong vòng
12 tháng. Trường hợp này nên quy định đơn giá đề xuất kế hoạch thu thập
được bao nhiêu bảng báo giá thì lấy giá thấp nhất trong số các bảng báo
giá đó làm giá kế hoạch, không nhất thiết phải chờ đủ ba bảng báo giá.
Mặt khác, có quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về
giá để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đối với hàng hóa nhập
khẩu, các đơn vị kiến nghị bổ sung điều chỉnh yêu cầu cụ thể việc thông
tin giá nhập khẩu là công khai. Các bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể việc
kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất từ
khi nhập vào Việt Nam để các cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá gói thầu.
Trên thực tế, các bệnh viện hiện đang rất lúng túng trong việc mua các
hàng hóa nhập khẩu vì không có cơ sở pháp lý cho phép được mua chênh
lệch giá là bao nhiêu lần và hàng hóa nhập khẩu đó được phép phân phối
qua bao nhiêu cấp trung gian.
TS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh
viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị: Giá mua sắm không nên là
“giá thấp nhất”, mà cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu
cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, từng chuyên khoa, từng hạng
bệnh viện. Các hàng hóa phục vụ công tác điều trị cho người bệnh rất đa
dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng, do đó, nếu chỉ cho phép chọn
giá rẻ nhất khi mua sắm thì sẽ khó có hàng tốt, phù hợp mô hình, tính
chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
GIẢI BÀI TOÁN TỰ CHỦ
Tự
chủ là bước đi, là xu thế tất yếu đối với các cơ sở y tế, nhưng đây lại
đang là một “nút thắt” của ngành y tế. Tự chủ về tài chính là một trong
ba trụ cột quan trọng của tự chủ bệnh viện, nhưng đang là vấn đề vướng
mắc nhất. Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được
tính đúng, tính đủ, mới tính bốn trong số bảy yếu tố cấu thành giá; giá
dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng
chưa được ban hành.
Tại buổi
làm việc với Bộ Y tế mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin
dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất chuyển đổi thực hiện theo nhóm 2
của Nghị định 60/2021/NĐ-CP, là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi
thường xuyên. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cũng cho rằng chưa
nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện
đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước, nếu tự chủ chắc
chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.
Giá
dịch vụ công (trong đó có dịch vụ y tế) được quy định tại điểm a khoản 3
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP: đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ
trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi
phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác
theo quy định của pháp luật về giá).
Tuy nhiên, đến nay giá
dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, gây
nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 (do không
được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư). Mặt khác, các chi phí có
tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước lại không được điều
chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế đã ảnh hưởng đến nguồn chi lương,
thu nhập cho cán bộ, viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút
nhân tài… Lãnh đạo nhiều bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành
liên quan nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo
Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
CẢI THIỆN THU NHẬP CHO NHÂN VIÊN Y TẾ
Tại
Hội nghị "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích
ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", nhiều đại
biểu nêu rõ, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp, lạc
hậu, chậm thay đổi phù hợp thực tế. Hiện nay, phụ cấp trực, phụ cấp
phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày
28/12/2011 đã hơn 10 năm, mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp, cần
được điều chỉnh theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đáng
chú ý, do thu nhập không phù hợp mà trong mỗi năm có hàng nghìn nhân
viên y tế xin nghỉ việc, chuyển ra làm việc tại cơ sở y tế ngoài công
lập để có ưu đãi, thu nhập cao hơn. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nằm trong phạm
vi ổn định về mặt nhân sự, nhưng số lượng bỏ việc có chiều hướng gia
tăng, cho nên ngành y tế cần tiến hành khảo sát về lý do nghỉ việc cũng
như mức độ hài lòng trong công tác của các nhân viên y tế để có thể dự
báo trước những yếu tố có thể gây ra tỷ lệ nghỉ việc tăng cao. Mặt khác,
Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên
cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ
ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc…
Quyền Bộ
trưởng Y tế Đào Hồng Lan kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách quy định
hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh
vực sức khỏe, nhất là các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục
vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính phủ sớm ban hành nghị
định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ trong
đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở
lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp,
chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo
nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế; chức danh bác sĩ, bác sĩ
y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc hai đối
với tất cả các hạng chức danh./.
“Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân”.
(Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”)
|
Minh Hoàng (nhandan.vn)