Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 12/6/2014 10:22'(GMT+7)

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ trưởng Vũ Văn Tám (thứ hai bên phải qua) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. (Ảnh: Duy Hiển - QĐND online)

Thứ trưởng Vũ Văn Tám (thứ hai bên phải qua) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. (Ảnh: Duy Hiển - QĐND online)

Ngày 11-6, tại TP Tân An, tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Lúa gạo Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết công tác mua tạm trữ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; đại diện lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Vụ Đông Xuân 2013-2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch hơn 4,3 triệu tấn quy gạo. Do giá thấp bất lợi cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 373 ngày 15-3-2014 về mua tạm trữ 1 tấn quy gạo vụ Đông Xuân 2013-2014, tại Đồng bằng sông Cửu long. Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh thực hiện có hiệu quả. Theo đó, được sự hỗ trợ của các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp chỉ 7%/năm, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 995.494 tấn quy gạo, đạt 99,5% kế hoạch. Do vậy, giá lúa luôn đứng ở mức 5.100 đồng đối với loại hạt thường và 5.300 đồng/kg đối với loại hạt dài, tăng bình quân từ 150 đến 200 đồng/kg góp phần giữ ổn định cho đến nay, đảm bảo lợi cho người nông dân có lãi hơn 30%, đồng thời còn giữ được mặt bằng xuất khẩu, hạn chế tình trạng ép giá, phá giá của thương lái. Theo thống kê của Bộ Công Thương, mặc dù diễn biến thị trường gạo thế giới phức tạp có phần suy giảm, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 2,7 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, tại hội nghị các đại biểu cũng thảo luận chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo còn chưa phù hợp ở từng địa phương; việc phối hợp giữa các cơ quan và địa phương còn chậm về hướng dẫn, cơ chế, điểm thu mua cụ thể; việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ còn chưa tốt…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết sát thực với nhiều biện pháp cách thức tiến hành trước mắt cũng như lâu dài, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai một số biện pháp trước mắt, đặc biệt là khi vụ hè thu năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sắp thu hoạch, đồng chí Thứ trưởng lưu ý, vụ hè thu thường khó thu hoạch bởi thời tiết mưa nắng thất thường. Do vậy, nông dân thường thu hoạch đến đâu bán đến đó nên dễ ảnh hưởng đến chất lượng và cũng dễ bị thương lái ép giá. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần có dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường thực hiện tốt trong phạm vi cấp mình, linh hoạt kịp thời có giải pháp đề xuất Chính phủ khắc phục bảo đảm quyền lợi cho nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ, kho bãi nâng cao chất lượng chế biến; các bộ, ngành tích cực mở rộng thị trường, phát huy tốt thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường khó tính, không quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Đề cập phương hướng lâu dài, để không phải thực hiện giải pháp tình thế can thiệp thị trường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh, các địa phương cần rà soát thực hiện tốt quy hoạch diện tích trồng lúa, tái cơ cấu cây trồng ở vùng năng suất lúa thấp; tập trung sản xuất  giống lúa  chất lượng cao, hạn chế giống lúa năng suất thấp. Các doanh nghiệp, các ngân hàng cần quan tâm đầu tư từ khâu giống, sản xuất để nông dân làm ra sản phẩm chất lượng, qua đó gắn doanh nghiệp với nông dân, trong đó lấy người nông dân làm chủ thể, nhằm hạn chế mức thấp nhất rủi ro. Các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam, đồng thời nhân rộng nhanh những mô hình hay, cách làm sáng tạo.  

QĐND Online
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất