Thứ Bảy, 30/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 20/3/2014 16:10'(GMT+7)

Thảo luận về “Vai trò của phúc lợi động vật với phát triển bền vững ở Việt Nam”

Ngày 19-3-2014, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò của phúc lợi động vật với phát triển bền vững ở Việt Nam”. PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW đã chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Ga-bri-en So (Gabrielle Shaw), Giám đốc Quan hệ quốc tế, Đào tạo và Nghiên cứu của Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA), bà Hà Cẩm Tâm - Giám đốc Chương trình WSPA tại Việt Nam cùng đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, qua đó tăng cường tuyên truyền ở cấp chính sách, nâng cao nhận thức về giá trị của động vật và mối quan hệ của phúc lợi động vật với phát triển bền vững.

Hội thảo đã nghe 4 tham luận được lựa chọn: Các hoạt động của Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) trên toàn cầu và tại Việt Nam; Phúc lợi động vật với các mục tiêu phát triển bền vững; Thực trạng chăn nuôi ở Việt Nam; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Phúc lợi động vật (animal welfare), còn được gọi là quyền lợi động vật, là một khái niệm tương đối mới ở nước ta, song đây là một chủ đề ngày càng được quan tâm rộng rãi trên thế giới và có ảnh hưởng rất to lớn đến ngành chăn nuôi và thương mại động vật cũng như sản phẩm động vật. Phúc lợi động vật là đảm bảo trạng thái tốt về thể chất và tinh thần của con vật. Điều này thể hiện con vật có sức khoẻ tốt, lanh lợi, có khả năng thích ứng với môi trường sống và được thoải mái thể hiện các tập tính đặc trưng của loài. Phúc lợi động vật tốt đòi hỏi có sự phòng bệnh tốt, có chuồng trại phù hợp, được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, được đối xử và giết thịt một cách nhân đạo (theo Nguyễn Xuân Trạch, Đại học Nông nghiệp Hà Nội).  

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, bà Ga-bri-en So (Gabrielle Shaw), Giám đốc Quan hệ quốc tế, Đào tạo và Nghiên cứu của Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) cho rằng những thách thức nan giải hiện nay trên toàn cầu như an ninh lương thực, bệnh tật, biến đổi khí hậu…chỉ có thể được giải quyết khi sự đối xử nhân đạo của con người với động vật ở những cấp độ phù hợp trở thành một phần tất yếu của giải pháp cho những vấn đề trên.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng khẳng định cần thiết phải nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của phúc lợi động vật đối với cuộc sống của con người, chủ quyền quốc gia và sự phát triển bền vững của xã hội bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa vào trong giáo trình và các tài liệu học tập trong các cấp học trong các nhà trường ở Việt Nam để mọi người dân tăng cường hiểu biết và vận dụng vào trong công việc cụ thể của mình. Đồng thời có lộ trình thích hợp để đưa vào trong các chính sách của Việt Nam và thực hiện tốt cam kết quốc tế để hướng tới những mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế.

Nhằm đáp ứng những tiêu chí về phúc lợi động vật và phát triển bền vững, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề xuất tại hội thảo một số nội dung như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung về phúc lợi động vật; xây dựng cơ chế, chính sách để những sản phẩm chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đáp ứng các tiêu chí phúc lợi động vật được bán với giá cao, tạo động lực cho người chăn nuôi; áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ, cập nhật và bổ sung những văn bản quản lý, hệ thống pháp chế liên quan đến ngành chăn nuôi…

Bên cạnh đó, đại diện của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định việc bảo tồn động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu. Con người phải hành động cấp thiết để ngăn chặn các hoạt động khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài và sản phẩm động vật hoang dã, bảo vệ chúng trước nguy cơ bị tuyệt chủng; khuyến khích các hoạt động gây nuôi, bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực thi hiệu quả luật pháp quốc tế về lĩnh vực này./

Chí Tuệ


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất