Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Ba, 31/10/2017 14:50'(GMT+7)

Thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe

(Ảnh minh họa: Vietnamnet)

(Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Một trong những nội dung quan trọng vừa được nêu ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” là: “Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh; xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”.

Sức khỏe của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mỗi người có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng vì lý do chủ quan, một bộ phận người dân thường không chú ý đến việc rèn luyện, chăm sóc, giữ gìn sức khỏe bản thân, mà lại có những thói quen làm tổn hại đến sức khỏe của mình, điển hình là tình trạng lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, ăn uống chưa khoa học.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2016, nước ta đã tiêu thụ 3,918 tỷ lít đồ uống có cồn (gồm 3,822 tỷ lít bia và 41 triệu lít rượu), xếp thứ 16 về mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn trên thế giới. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo, rượu bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng chục loại bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý như: Viêm loét dạ dày-tá tràng, xơ gan, ung thư gan, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, rối loạn tâm thần…Với hơn 15 triệu người hút thuốc lá, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Ăn uống thiếu lành mạnh cũng quan hệ mật thiết đến khoảng 30 loại bệnh thuộc về ung thư. Mỗi năm, Việt Nam có tới 115.000 người chết vì ung thư. Theo số liệu này, WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc tốp 1). Trong khi đó, vấn nạn thực phẩm bẩn đã và đang gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng...

Còn rất nhiều hành vi, thói quen khác ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng sống, thậm chí là mầm mống phát sinh, lây lan bệnh dịch trong cộng đồng, như: Xả thải bừa bãi, sử dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh, dùng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, sử dụng nước bị ô nhiễm...

Một thông tin đáng chú ý là tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đạt 73,4 tuổi, nhưng tuổi khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Tính trung bình mỗi người Việt có 10 năm cuối đời sống không khỏe. Giai đoạn “sống không khỏe” này không phải do thiếu dinh dưỡng, mà chủ yếu liên quan đến bệnh tật. Lý do là rất nhiều người Việt khi còn trẻ thì “phung phí” sức khỏe để kiếm tiền và chưa biết “giữ mồm giữ miệng” trong ăn uống...

Có một câu danh ngôn đại ý: Gieo suy nghĩ-gặt hành động, gieo hành động-gặt thói quen, gieo thói quen-gặt tính cách, gieo tính cách-gặt số phận. Để phòng ngừa bệnh tật và bảo toàn sức khỏe, có lẽ không gì hơn là mỗi người phải tự rèn luyện cho mình những thói quen tốt. Thói quen đó là ham học hỏi, tích cực tìm hiểu để có kiến thức về y học nói chung, về cách phòng ngừa bệnh tật nói riêng; xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, khoa học ở mọi lúc, mọi nơi; duy trì chế độ ăn uống đúng mực, hạn chế rượu bia, nói không với hút thuốc lá; thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao; tự giác cùng cộng đồng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ; từng bước đẩy lùi và khắc phục các tập tục lạc hậu như: Tổ chức ma chay, cưới xin dài ngày, lễ hội rình rang… vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe./.

Anh Thảo (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất