Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Sáu, 20/10/2017 21:52'(GMT+7)

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Lào Cai - Nút thắt cần tháo gỡ

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Linh Nga

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Linh Nga

Đặc biệt, hai năm trở lại đây tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Theo thống kê từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 9.722 người dân tộc thiểu số kết hôn, trong đó có 1.290 người (645 cặp) tảo hôn, chiếm 12,3% tổng số cặp kết hôn, bình quân có 258 cặp tảo hôn/năm (tăng 41 cặp so với giai đoạn  2009 - 2013). Riêng 6 tháng đầu năm 2017, có 271 người tảo hôn, bằng 69% năm 2015. Tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại, tập trung cao nhất ở các huyện vùng cao như: Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát; nhóm dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao là: Dân tộc Mông (80%), dân tộc Nùng (8%), dân tộc Dao (7%). Hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017 có 30 người (15 cặp) kết hôn cận huyết, trung bình có 06 cặp/năm, so với giai đoạn 2009 - 2013, số cặp hôn nhân cận huyết giảm hơn 3,2 lần.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng TH&HNCHT là do những quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ cho rằng, cưới vợ cho con có nghĩa là gia đình có thêm người làm nương, làm rẫy; hoặc là kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, tài sản của dòng họ mình không bị mang sang dòng họ khác. 

Mặt khác, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp, sự hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của việc TH&HNCHT còn rất hạn chế. Công tác tuyên truyền còn bất cập, hiệu quả chưa cao, một bộ phận người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức hoặc chưa nắm vững về quyền, nghĩa vụ cũng như các nội dung cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình. 
Việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng TH&HNCHT chưa triệt để, thiếu quyết liệt, không thể hiện rõ vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực tế cho thấy, không chỉ có người dân mà cả cán bộ, đảng viên ở cấp xã cũng vi phạm và trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho vấn nạn này. Bên cạnh đó, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, quan điểm, lối sống của một bộ phận người dân đã thay đổi, họ trở nên “cởi mở hơn”, “đơn giản hơn”, không bị gò bó bởi quan niệm đạo đức xưa. Đặc biệt, giới trẻ được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa chiều từ mạng xã hội nên tâm lý lứa tuổi của các em có sự phát triển sớm. 

TH&HNCHT không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài đối với cá nhân, gia đình và xã hội. TH&HNCHT làm gia tăng nhanh số lượng, làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi vì, chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con. Kết hôn cận huyết thống sẽ sinh ra những đứa con trí tuệ kém phát triển, dễ mắc bệnh hiểm nghèo do sự kết hợp gen mang lại như: Bạch tạng, mù màu, da vảy cá, đặc biệt và phổ biến là bệnh tan máu bẩm sinh,...Những căn bệnh nguy hiểm này làm cho người bệnh có cuộc sống tàn phế suốt đời, dẫn tới suy thoái nòi giống của dòng họ và thậm chí của cả dân tộc.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% số cặp tảo hôn, đến năm 2025, cơ bản giảm thiểu tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, xác định ngăn chặn và giảm thiểu TH&HNCHT là một mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững. Trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, nhất là các chính sách về lĩnh vực văn hóa, xã hội cần dự báo và chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực, giải pháp để giảm thiểu TH&HNCHT. Quan tâm, ưu tiên thực hiện đầy đủ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với đối tượng, vùng miền. Về nội dung, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến Luật hôn nhân gia đình, đấu tranh loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời làm rõ hậu quả và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Căn cứ thực tế, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp như: Biên soạn tài liệu ngắn gọn, có hình ảnh minh họa; sử dụng mạng lưới thông tin, loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền trong sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu, sinh hoạt văn hoá, lễ hội, hoà giải ở cơ sở; lồng ghép trong hương ước, quy ước của thôn, bản…Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn, bản, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào. Chú trọng tuyên truyền tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ, thanh thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng TH&HNCHT. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực nhiệm vụ tuyên truyền, vận động ngay từ gia đình, dòng tộc và thôn, bản.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình, chú trọng việc thực thi pháp luật của các cấp chính quyền và cơ quan pháp luật, đặc biệt là cấp xã; khắc phục tư tưởng né tránh, bao che hoặc thiếu gương mẫu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu đề xuất chế tài, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng chống TH&HNCHT.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và phòng, chống TH&HNCHT trên địa bàn.

Thứ năm, chủ động tổ chức các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, bài học kinh nghiệm của các địa phương trong cả nước để thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời xây dựng các mô hình cấp xã, thôn, bản về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT; hàng năm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm và các nguồn tài chính hợp pháp khác để tổ chức thực hiện. 

Hy vọng rằng, với quyết tâm cao của hệ thống chính, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Đoàn Ngọc Tuyến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất