Ngày 30/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký gia hạn năm năm Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA), cho phép chính phủ được nghe lén các cú điện thoại ở nước ngoài và xem thư điện tử của các nghi phạm khủng bố và gián điệp nước ngoài.
FISA sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012, nhưng đã được Thượng viện và Hạ viện gia hạn trước khi trình lên Tổng thống Obama.
Đạo luật này cho phép chính quyền Mỹ giám sát hoặc ngăn chặn các cuộc điện đàm và thư điện tử của những đối tượng trên mà không cần có lệnh của tòa án. Tuy nhiên, FISA không áp dụng với người Mỹ.
Trong trường hợp người Mỹ trở thành đối tượng của hoạt động giám sát, chính quyền Mỹ phải có lệnh của tòa gồm 11 thẩm phán đặc biệt được Tòa án Tối cao bổ nhiệm trong số các thẩm phán của khu vực thuộc hệ thống tư pháp liên bang Mỹ.
FISA vốn gây tranh cãi vì nó được cho là xâm phạm quyền tự do cá nhân của người dân Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng lập luận rằng các thông tin thu được từ việc áp dụng Đạo luật này là thuộc diện mật vì có liên quan tới an ninh quốc gia.
Trong thời gian từ năm 2009 đến 2012 đã có 100 đối tượng bị bắt giữ liên quan tới các vụ khủng bố, trong đó một số đối tượng là kết quả trực tiếp của chương trình giám sát đặc biệt này./.
(Theo TTXVN)