Tình đoàn kết ngày càng được nâng cao khi thế giới ngày càng xảy ra nhiều thảm họa, cả thiên tai và nhân tai, do biến đổi khí hậu và do các biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã trôi qua với biết bao nhiêu biến cố khiến cả thế giới phải co cụm lại để chống chọi và sinh tồn.
Cả thế giới đang chung tay giúp đỡ Haiti khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng hôm 12/1/2010. Hàng trăm triệu USD đã được các nước cam kết để giúp Haiti khắc phục hậu quả và tái thiết đất nước, hàng nghìn chuyến bay cứu trợ đã đến đào quốc nghèo khó vùng Caribe này và hàng nghìn binh sĩ, nhân viên cứu trợ các nước đã được cử đến Port-au-Prince đễ cứu giúp người bị nạn và đảm bảo an ninh ở một nơi đang được coi là hỗn loạn nhất thế giới. Điều này thể hiện tình đoàn kết quốc tế (tất nhiên có cả những ý đồ sâu xa trong đó) trong thời đại ngày nay mỗi khi ở đâu đó xảy ra thảm họa.
Ngay khi bước vào thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21 này, nhân loại đã phải chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu làm sập tòa tháp đôi WTC tại thành phố New York (Mỹ) mở đầu cho sự phát triển của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Từ đầu thập kỷ trở lại đây, khủng bố quốc tế, mà trực tiếp là al-Qaeda ngày càng phát triển, trở thành mối đe dọa tiềm tàng khiến các nước phương Tây "mất ăn mất ngủ".
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã suýt nữa đẩy nhân loại trở về những năm tháng đen tối của cuộc Đại Suy thoái năm 1929, nếu các nước không huy động hàng trăm, hàng ngàn tỷ USD để cứu ngành ngân hàng, hỗ trợ cho những gói kích cầu lớn nhỏ.
So với một thế kỷ, khoảng thời gian 10 năm đầu chưa đủ để đưa ra kết luận, nhưng cũng có thể khẳng định được rằng thế giới đang ở giai đoạn bước ngoặt !
Mỗi thảm họa ập đến theo cách riêng của nó, hỗn loạn và bất ngờ, khiến cho người dân gắn kết lại với nhau nhiều hơn, chia sẻ với nhau hơn. Với quan điểm "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", thế giới đã và cần phải hợp tác và hỗ trợ nhau để giải quyết hậu quả các thảm họa. Chính vì thế, đây cũng là thời điểm xuất hiện mô hình toàn cầu mới – G.20, tập hợp nhóm 20 nước phát triển hàng đầu thế giới, cùng ngồi lại với nhau để bàn giải pháp đưa thế giới thoát khỏi các cuộc khủng hoảng.
Đây không phải là lần đầu tiên thế giới phải toàn cầu hóa. Xa xưa, từ con đường muối hoặc con đương tơ lụa thời cổ đại đến con đường dầu mỏ hôm nay, từ các bước tiến của ý tưởng đến sự phát triển của dịch bệnh, tất cả đều ít nhiều thể hiện khái niệm của toàn cầu hóa.
Cho đến ngày hôm nay sức mạnh của thương mại, tri thức và các loại virus mới, thêm vào đó là sự phát triển của các phương thức và công nghệ hiện đại, đã góp phần phá bỏ các ranh giới cả về địa lý lẫn quan niệm, cả về không gian và thời gian. Thông tin của tất cả và về tất cả liên tục được truyền đi, trái đất tuy tròn nhưng thế giới lại phát triển trên một mặt phẳng hạn hẹp.
Cho dù đó là cuộc chiến chống khủng bố, chống lại sự nóng lên toàn cầu, chống lại sự kém cỏi của hệ thống tài chính hay các loại vi trùng gây mầm bệnh hoặc các thảm họa thiên nhiên, tầm nghiêm trọng của các mối đe dọa buộc nhân loại luôn phải tìm ra những giải pháp để tiếp tục tồn tại trên cơ sở liên kết giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia khác nhau.
Những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen không có nghĩa là đã tiêu tan hy vọng về mô hình quản trị toàn cầu, trong đó thế mạnh của mỗi quốc gia sẽ được phát huy để tạo ra một thế giới tốt hơn.
Chính vì sức mạnh của nhân loại và cũng bởi sự mong manh của xã hội mà ở thế kỷ 21 này, thế giới cần phải đoàn kết lại chứ không thể đóng cửa hay phát triển đơn lẻ như trước kia./.
(Theo: N.Chiến/chinhphu.vn)