Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Hai, 22/3/2010 23:27'(GMT+7)

Thế giới tiếp tục khát nước

Hạn hán nghiêm trọng tại Trung Quốc

Hạn hán nghiêm trọng tại Trung Quốc

Ngày 22/3, thế giới kỷ niệm lần thứ 18 ngày Nước thế giới. Chủ đề ngày Nước mà tổ chức Liên Hợp Quốc đã chọn năm 2010 là “Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh”.

Theo thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc, tình trạng khan hiếm nước ảnh hưởng đến 1/3 số người ở mọi châu lục trên thế giới. Tình hình này ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi nhu cầu sử dụng nước tăng cùng với việc tăng dân số, đô thị hoá, tăng việc sử dụng nước trong các hộ gia đình và trong ngành công nghiệp.

Một số nước như Syria, Yemen, Iraq..., tình trạng hạn hán kéo dài suốt 3 năm qua, và trong tương lai gần, hạn hán và sa mạc hoá sẽ còn nghiêm trọng. Gần 1/5 dân số thế giới (khoảng 1,2 tỷ người) sống trong các khu vực khan hiếm nguồn nước tự nhiên.

Tình trạng khan hiếm nước bắt buộc mọi người phải sử dụng các nguồn nước ăn/uống không an toàn. Hiện, 884 triệu người trên thế giới phải sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý. Chất lượng nước kém có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy như: tả, thương hàn, kiết lỵ...

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, biến đổi khí hậu và việc con người sử dụng nguồn nước phung phí là nguyên nhân chính khiến thế giới ngày càng tiếp tục khát nước. Do không quản lý tốt việc sử dụng nước và tình trạng khai thác nước một cách bừa bãi khiến nguồn nước ngầm ngày một thiếu hụt.

Tại Ấn Độ, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới dự báo, 60% nguồn nước ngầm ở nước này có nguy cơ bị cạn kiệt trong vòng 20 năm tới. Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán ở nhiều nơi. Mới đây nhất, tại Tây Nam Trung Quốc, hạn hán làm 7,5 triệu người và hơn 4 triệu đầu gia súc không đủ nước uống.

Trước tình trạng khan hiếm nguồn nước, một số nước đã và đang lựa chọn các giải pháp khẩn cấp như xây dựng các nhà máy lọc nước biển để cung cấp nước, hay tạo mây mưa nhân tạo để chống hạn cho mùa màng. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ là tạm thời. Để giữ được nước, điều quan trọng nhất là sử dụng hợp lí và bền vững nguồn nước, đưa vấn đề môi trường trở thành trọng tâm của chính sách phát triển của mỗi quốc gia.

Chú trọng tới các chính sách và các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước cần được xử lý tốt hơn, các khu vực khan hiếm nước vẫn có thể phát triển bền vững. Chính phủ và cộng đồng dành ưu tiên cho việc cung cấp đủ nước có chất lượng cho người dân, cá nhân bằng cách giúp họ học cách bảo tồn và bảo vệ nguồn nước trong cuộc sống hàng ngày./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất