Thứ Ba, 24/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Năm, 25/9/2008 21:17'(GMT+7)

Thể lệ cuộc thi sáng tác, lựa chọnsản phẩm truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS

    (TCTG)                                         THỂ LỆ CUỘC THI

Sáng tác, lựa chọn sản phẩm truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS
(Kèm theo Quyết định số 993 -QĐ/BTGTW ngày 24 tháng 9 năm 2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và phối hợp đa ngành nhằm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010” do UNDP và Sida tài trợ (thuộc Dự án 40232), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi sáng tác lựa chọn sản phẩm truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/ AIDS.

1. Mục đích:

- Tổ chức thi sáng tác, lựa chọn một số sản phẩm mẫu phù hợp với tiêu chí các mô hình, sản phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại Trung ương và địa phương, cụ thể ở các loại hình: Truyền hình, phát thanh, báo viết, tranh cổ động (pano, áp phích), tranh gấp;

- Căn cứ vào kết quả cuộc thi, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, tuyên truyền, quảng bá, phổ biến rộng rãi kết quả các sản phẩm truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS;

- Triển lãm các tác phẩm đoạt giải tại Hà Nội; kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước triển khai thí điểm, nhân rộng mô hình theo hướng thân thiện, nhằm khuyến khích thay đổi hành vi ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng một cách tích cực, hiệu quả.

2. Đối tượng dự thi:

Mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước, người nước ngoài sống tại Việt Nam có khả năng sáng tác các tác phẩm truyền thông, tự nguyện tham gia và chấp hành đúng Thể lệ cuộc thi.

3. Yêu cầu về nội dung và hình thức của sản phẩm truyền thông

3.1. Tiêu chí chung cho các loại hình dự thi

Tiêu chí về mục đích:

- Nâng cao nhận thức, kiến thức thay đổi thái độ về dự phòng lây nhiễm HIV và chống sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và các thành viên trong gia đình họ.

- Hướng dẫn và thuyết phục cá nhân thay đổi hành vi theo hướng an toàn trong phòng, chống lây nhiễm HIV, sử dụng các dịch vụ phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ có thai; chống lại kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Tiêu chí về nội dung, ý nghĩa:

Tác phẩm dự thi cho các loại hình phải tập trung phản ánh được một trong các nội dung sau đây:

- Đối với người dân nói chung, các sản phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cần chuyển tải được: Hậu quả của đại dịch HIV/AIDS đối với sức khoẻ, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS; các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS;

- Đối với người nhiễm HIV/AIDS cần khuyến khích thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại (dùng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc thay thế…); khuyến khích người nhiễm HIV phát huy ba “tự” (tự tin, tự giác, tự lập); giúp họ hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; cập nhật thông tin về những tiến bộ của y học trong công tác điều trị HIV/AIDS; địa chỉ tư vấn, dịch vụ khám và điều trị bệnh.

- Đối với người làm công tác truyền thông, tác phẩm dự thi cần giúp họ nâng cao được các kỹ năng: Kỹ năng hoạt động chống lại kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; kỹ năng phân tích các hình thức khác nhau về kỳ thị, nguyên nhân, hậu quả của kỳ thị đối với người nhiễm HIV và cộng đồng; kỹ năng kêu gọi sự đồng cảm, xây dựng hành động, vận động thay đổi chính sách và cải thiện chương trình;

- Tác phẩm dự thi thể hiện sinh động đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; ý nghĩa, tầm quan trọng của các quan điểm chỉ đạo đối với hoạt động giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS;

- Tác phẩm dự thi thể hiện trên các hình thức, phương tiện truyền thông phải phù hợp với những tiêu chí cụ thể cho các mô hình đó theo hướng thân thiện nhằm khuyến khích thay đổi hành vi ngăn ngừa lây nhiễm HIV một cách tích cực, hiệu quả; phát hiện, biểu dương gương của những người nhiễm HIV đã có nghị lực vượt qua khó khăn, mặc cảm, hòa nhập cuộc sống cộng đồng, những đơn vị, cá nhân hết lòng vì người bệnh và những người bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ;

Yêu cầu mỗi thông điệp trong sản phẩm truyền thông:

Phản ánh được chủ đề trọng tâm, không được mâu thuẫn với chủ đề; thông điệp phải chính xác, rõ ràng, ngắn gọn và súc tích; phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, chuẩn mực xã hội... của đối tượng truyền thông; không phân biệt đối xử, không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới; thông điệp cần định hướng hành động và nhất quán.

Tiêu chí về hình thức chung cho các loại hình:

Trình bày một cách logic, thuyết phục; khơi gợi tính hành động, tác động vào tình cảm và lý trí, không hù dọa và không đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV/AIDS; khuồn khổ và thời lượng phù hợp; trình bày, kết cấu, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng loại hình báo chí, nghệ thuật, dễ nhớ, dễ hiểu, gợi cảm, ấn tượng (hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên môn); âm thanh, hình ảnh và màu sắc hấp dẫn; sử dụng đồ hoạ như tranh ảnh, màu sắc, bảng biểu, biểu đồ (sản phẩm in), phối cảnh, dựng cảnh, dựng băng, lồng tiếng động, âm nhạc (sản phẩm phát thanh, truyền hình) hợp lý, sinh động.

3.2. Tiêu chí riêng cho mỗi loại hình

Truyền hình (Phóng sự truyền hình):

· Nội dung:

Phản ánh những vấn đề liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS một cách độc đáo, mới lạ, sinh động và đậm tính nhân văn; sự kiện, nhân vật phải đảm bảo tính trung thực, khách quan; không dừng lại ở mức độ phản ánh mà cần có trách nhiệm thức tỉnh người xem, cách giải quyết vấn đề có tính định hướng, phát huy thế mạnh của truyền hình trong việc tác động vào nhận thức và tình cảm người xem để hướng tới hành động tích cực.

· Hình thức:

Các sự kiện được thể hiện mạch lạc; biến cố rõ ràng, chặt chẽ; chi tiết, hiện tượng tiêu biểu, tính lô gích cao; lời dẫn, phóng sự phải hợp lý; hình ảnh đẹp, chân thực, sống động; âm thanh và lời bình rõ ràng, truyền cảm, tạo được sự đồng cảm của khán giả xem truyền hình, với thời lượng từ 25-30 phút.

Phát thanh (Câu chuyện truyền thanh):

· Nội dung:

Người thể hiện (người dẫn, nhân vật) phải thể hiện được thông điệp chuẩn từ kịch bản văn học về phòng, chống HIV/AIDS một cách rõ ràng, nhất quán trong suốt quá trình phát thanh; lời dẫn, đối thoại, đan xen linh hoạt, nhịp nhàng, có tính kịch; tính nghệ thuật, tính biểu cảm, sự chân thực bằng ngữ điệu, giọng điệu, khẩu điệu để biểu đạt tính cách, tâm trạng, thân phận, những cung bậc tình cảm trong những hoàn cảnh cụ thể (những thông điệp chính được nhắc lại ít nhất từ 2-3 lần) gây sự chú cho người nghe; câu chuyện truyền thanh cần hấp dẫn, truyền cảm, khiến người nghe bị cuốn hút, xúc động và cảm nhận thấy sự gần gũi, thân thiện qua câu chuyện và từ đó hướng người nghe đến hành động thiết thực, giàu tính nhân văn.

· Hình thức:

Chuyển tải đến người nghe bằng nghệ thuật âm thanh (lời nói, đối thoại, âm nhạc, tiếng động); kịch bản văn học khoảng 4000 chữ đến 5000 chữ, câu văn ngắn gọn (hạn chế đưa khái niệm, sự kiện, chi tiết, số liệu có tính chất trừu tượng); giọng nói của người dẫn, nhân vật đóng vai phải tròn vành, rõ nét, mạch lạc, truyền cảm, gợi cảm, xúc động, phù hợp; âm nhạc, tiếng động, cường độ phù hợp với nội dung câu chuyện; khuyến khích đối thoại, làm đậm về các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS; câu chuyện giàu kịch tính, hấp dẫn được dàn dựng không quá 30 phút.

Báo in (Bài viết, phóng sự, ghi chép, ký chân dung):

· Nội dung:

Phản ánh những vấn đề liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS độc đáo, sáng tạo, đậm tính nhân văn; nhân vật, sự kiện đảm bảo tính trung thực, khách quan; đề xuất được các giải pháp để giải quyết vấn đề đang đặt ra; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS.

· Hình thức:

Sự kiện thể hiện trong bài viết mạch lạc; biến cố rõ ràng, chặt chẽ; chi tiết, hiện tượng tiêu biểu, tính lô gích cao; ngôn ngữ dễ hiểu, thân thiện, ngắn gọn, giàu hình ảnh và tạo được sự đồng cảm của người đọc về những vấn đề tác phẩm báo đề cập; hạn chế dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên môn khó hiểu (nếu dùng thuật ngữ cần giải thích); có ảnh minh hoạ để tô đậm thêm chủ đề, làm tăng sự hấp dẫn, người đọc dễ dàng hình dung sự kiện, sự việc, nhân vật được đề cập trong tác phẩm.

Tác phẩm báo in là một, hoặc chùm tác phẩm của một hoặc nhóm tác giả. Bài viết được đánh máy vi tính trên khổ A4, không quá 3000 chữ (không nhận các tác phẩm hư cấu).

Tranh cổ động:

· Nội dung:

Mỗi tranh cổ động chỉ chuyển tải một ý tưởng cụ thể; thông điệp từ tranh cổ động chủ yếu là bằng hình ảnh, ít chữ (phần chữ thường là một khẩu hiệu hoặc một thông điệp ngắn) chỉ ra lợi ích của hành động cho đối tượng và thuyết phục đối tượng làm theo; hình ảnh minh hoạ mang tính tích cực, quen thuộc, hấp dẫn với đối tượng, không tạo sự kỳ thị và phân biệt đối xử; nội dung thông điệp phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung và văn hoá mỗi vùng miền nói riêng.

· Hình thức:

Tác phẩm dự thi thể hiện trên khổ giấy kích thức 54 cm x 79 cm, vẽ tay hoặc sử dụng kỹ thuật đồ hoạ vi tính, không hạn chế về màu sắc và hình thức thể hiện; từ ngữ súc tích, tạo ấn tượng, dễ nhớ và dễ hiểu; hình ảnh minh hoạ và chữ trình bày cân đối, hài hoà; loại bỏ chi tiết rườm rà tránh cho đối tượng mất tập trung vào thông điệp chính; đảm bảo không bị rách, phai màu hoặc nhàu nát;

Tranh tờ gấp:

· Nội dung:

Chuyển tải nhiều nội dung của một chủ đề hoặc nhiều chủ đề khác nhau nhằm thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS.

· Hình thức:

Tranh gấp có thể được làm từ 2 mặt, 4 mặt, 6 mặt, 8 mặt hay 12 mặt, không hạn chế về màu sắc và hình thức thể hiện; hình ảnh minh hoạ và chữ được trình bày cân đối, hài hoài; có khoảng trống, thoáng tạo cho mắt “nghỉ”; chất lượng giấy in tốt; khổ giấy và thiết kế tiện lợi, dễ sử dụng gồm có phần lời và phần tranh minh hoạ. Mỗi một mặt của tờ gấp, phần hình ảnh và phần lời chỉ thể hiện một hành động.

Phần hình ảnh: Mỗi hình ảnh chỉ mang một thông điệp; sử dụng hình ảnh minh hoạ cho phần lời, phần lời kề phần ảnh minh hoạ; màu sắc hấp dẫn; hình ảnh quen thuộc, mang tính tích cực, hấp dẫn với đối tượng phản ánh bản sắc văn hoá của đối tượng; chi tiết không rườm rà, tránh người xem mất tập trung vào thông điệp chính

Phần lời: Chứa những thông tin cụ thể, ngắn gọn súc tích của vấn đề được đề cập dễ hiểu, dễ nhớ; chỉ dẫn hành động cho đối tượng theo trình tự logic; chỉ rõ hành vi chính cho đối tượng cần làm; ngôn ngữ và hình ảnh phù hợp với đối tượng, số từ hạn chế; sắc thái, giọng điệu của lời văn được duy trì và giữ nguyên trong toàn bộ nội dung của tranh gấp; đề mục đơn giản và chứa thông điệp chủ chốt; loại chữ, kiểu dáng, cỡ chữ dễ đọc được dùng thống nhất và được nhấn mạnh bằng màu sắc, bôi đậm, biểu tượng để chỉ ra các thông tin quan trọng.

4. Thời gian phát động cuộc thi và nhận bài:

- Phát động cuộc thi ngày 25/9/2008 tại Hà Nội;

- Nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 30/11/2008 (theo dấu bưu điện).

5. Điều kiện tham gia dự thi:

- Mỗi cá nhân và nhóm tác giả có thể gửi một hay nhiều tác phẩm dự thi;

- Tác phẩm tham gia dự thi là những sáng tác trong thời gian gần đây, chưa gửi tham gia các cuộc thi nào khác và chưa được phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào;

- Tác phẩm tham gia dự thi được đảm bảo tính khách quan về người tham gia trước Hội đồng Giám khảo cho đến ngày công bố kết quả;

- Việc sử dụng một phần hay toàn bộ tư liệu của một hoặc nhiều người khác vào tác phẩm dự thi phải được chủ sở hữu quyền tác giả của tư liệu đó đồng ý bằng văn bản hợp lệ, gửi kèm theo tác phẩm;

- Bản quyền tác phẩm thuộc tác giả; tác giả chịu trách nhiệm về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật và thực hiện đùng thể lệ cuộc thi; sau khi tác giả gửi bài dự thi đến Ban Tổ chức thì bản quyền thuộc về Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng khi có phát hiện hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Ban tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm dự thi phục vụ công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho những đợt tuyên truyền tiếp theo.

- Các tác phẩm dự thi không hoàn trả lại tác giả.

6. Hình thức thể hiện, quy cách trình bày:

- Cách gửi đối với từng loại hình:

+ Truyền hình: Tác phẩm dự thi gửi bằng đĩa VCD (kèm theo kịch bản truyền hình);

+ Phát thanh: Tác phẩm dự thi gửi bằng đĩa CD (kèm kịch bản phát thanh);

+ Báo in: Tác phẩm dự thi đánh máy vi tính một mặt trên khổ A4, không quá 3000 chữ (không ghi thông tin tác giả vào bài dự thi);

+ Tranh cổ động gửi theo kích thước như yêu cầu, kèm theo tài liệu mô tả ý tưởng thiết kế (từ 1 - 2 trang khổ A4);

+ Tranh gấp gửi tác phẩm (kèm theo đĩa CD).

- Mỗi tác giả có một phiếu dự thi, khổ A4 nội dung như sau:

PHIẾU DỰ THI SÁNG TÁC SẢN PHẨM TRUYỀN THÔNG

THAY ĐỔI HÀNH VI TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

- Họ và tên:

- Bút danh (nếu có):

- Ngày tháng năm sinh:

- Chứng minh thư nhân dân:

- Hộ khẩu thường trú:

- Cơ quan công tác:

- Địa chỉ liên hệ:

- Điện thoại, mobile:

Tôi xin cam đoan những tác phẩm này của chính tôi (nhóm chúng tôi) sáng tác, không sao chép dưới bất cứ hình thức nào, chưa từng công bố và chưa sử dụng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự tranh chấp về bản quyền tác giả.

Ngày….tháng….năm 2008

Người dự thi

(Ký tên và viết rõ họ tên)

Bỏ phiếu dự thi, tài liệu mô tả ý tưởng thiết kế (đối với tranh cổ động) trong một phong bì nhỏ, dán kín; cho vào phong bì lớn khổ 32 cm x 42 cm (tranh cổ động cuộn theo khổ giấy). Bài dự thi gửi trực tiếp hoặc qua đường Bưu điện theo địa chỉ sau:

Bài dự thi sáng tác sản phẩm truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS

Nơi nhận: Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương

Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác lựa chọn sản phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

Số 2B Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội

Thư điện tử: vanhoavannghe@gmail.com

7. Sử dụng tác phẩm dự thi và quyền lợi của người tham dự:

Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ thành lập Hội đồng giám khảo bao gồm các chuyên gia về chuyên môn y tế (chuyên ngành HIV/AIDS), chuyên gia về lĩnh vực báo chí, hội họa, văn học nghệ thuật tham gia đánh giá cho điểm theo các tiêu chí thống nhất để lựa chọn những mẫu sản phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS đáp ứng nhu cầu.

Ban Giám khảo sẽ chấm 2 vòng: Sơ khảo và chung khảo.

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được đăng trên trang điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương ( http://tuyengiao.vn/  www.cpv.org.vn) và hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành.

Các tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm tại Hà Nội và in sách kỷ yếu cuộc thi.

8. Cơ cấu giải thưởng:

Ban Tổ chức tuyển chọn và trao giải thưởng dành cho mỗi loại hình báo chí (báo hình, báo nói, báo viết); tranh cổ động, tranh gấp theo tiêu chí nội dung trên có nội dung hay, có tác dụng tốt đối với xã hội và được tuyển chọn qua hai vòng sơ khảo và chung khảo.

Cơ cấu giải thưởng cho từng loại hình như sau:

Truyền hình:

Giải nhất: 1 giải, mỗi giải 30.000.000đ; Giải nhì: 2 giải, mỗi giải 20.000.000đ; Giải ba: 3 giải, mỗi giải 10.000.000đ;

Phát thanh:

Giải nhất: 1 giải, mỗi giải 20.000.000đ; Giải nhì: 2 giải, mỗi giải 10.000.000đ; Giải ba: 3 giải, mỗi giải 5.000.000đ;

Báo viết( in):

Giải nhất: 1 giải, mỗi giải 10.000.000đ; Giải nhì: 2 giải, mỗi giải 5.000.000đ; Giải ba: 3 giải, mỗi giải 3.000.000đ;

Tranh cổ động:

Giải nhất : 1 giải, mỗi giải 15.000.000đ; Giải nhì: 2 giải, mỗi giải 10.000.000đ; Giải ba: 3 giải, mỗi giải 5.000.000đ;

Tranh gấp:

Giải nhất: 1 giải, mỗi giải 15.000.000đ; Giải nhì: 2 giải, mỗi giải 10.000.000đ; Giải ba: 3 giải, mỗi giải 5.000.000đ

Giải khuyến khích cho tất cả các loại hình :20 giải, mỗi giải 1.500.000đ

9. Địa chỉ liên hệ và cung cấp thông tin:

Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương

Ban Tổ chức Cuộc thi

Số 2B Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại liên hệ khi cần thiết:

08045040, 08044061 hoặc 0904101377, 0988091950.

(Ngoài ra, tác giả gửi tác phẩm dự thi theo hộp thư điện tử sau để Ban Tổ chức biên tập sách kỷ yếu: vanhoavannghe@gmail.com)

10. Công bố kết quả và trao giải:

Công bố kết quả và trao giải vào dịp Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (12/2008).

Ban tổ chức cuộc thi mong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp; sự ủng hộ, phối hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thông tin Triển lãm; Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật các cấp, các Trường Văn hóa Nghệ thuật, Mỹ thuật, Báo chí, Sân khấu Điện ảnh và các Câu lạc bộ hoạ sỹ Văn hóa - Thông tin của các tỉnh, thành phố trong toàn quốc để Cuộc thi sáng tác lựa chọn được sản phẩm thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả mong muốn.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất