Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 17/4/2015 16:14'(GMT+7)

Thế mạnh từ năng lực chính quyền địa phương

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đà Nẵng có nhiều điểm mạnh như mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch; chỉ số đào tạo lao động và cơ sở hạ tầng tốt. Nhà đầu tư yên tâm khi vào Đà Nẵng vì có thể tiên liệu được chính sách, ít rủi ro do sự thay đổi chính sách bất ngờ dẫn tới việc họ mất vốn đầu tư.

Năng lực cạnh tranh, năng lực thu hút đầu tư của một tỉnh, thành phố hiểu theo nghĩa rộng gồm nhiều yếu tố như: Vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, dân số, dân trí… Trong đó, có những tỉnh, thành phố ở vị trí địa lý thuận lợi nên đã phát triển từ lâu, có hạ tầng khá hoàn chỉnh, dân số đông, dân trí cao. Những tỉnh này có khả năng thu hút đầu tư từ thế mạnh đã có. Nếu có một chính quyền hoạt động hiệu quả, đề ra được những chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư, thì tỉnh, thành phố ấy sẽ phát huy được tối đa tiềm năng của mình.

Chỉ số PCI được công bố hằng năm chính là nhằm thúc đẩy nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền đối với doanh nghiệp. Các chỉ số thành phần của nó cũng đều là các yếu tố có thể thay đổi được qua hoạt động của chính quyền như chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp; khả năng tiếp cận và sử dụng ổn định đất đai; môi trường kinh doanh minh bạch; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chi phí không chính thức thấp…

So với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì rõ ràng Đà Nẵng không phải là trung tâm kinh tế lớn nhất, không ở vị trí thuận lợi nhất, không phải là nơi được ưu tiên nhất về cơ chế chính sách, về nguồn lực phát triển hạ tầng. Nhưng rõ ràng, hiệu quả hoạt động và những cơ chế chính sách do chính quyền Đà Nẵng đưa ra đã tạo nên sự yên tâm và hài lòng đối với nhà đầu tư.

Điều này còn có thể thấy rõ hơn qua việc tốp 5 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn thường có chỉ số PCI không cao. Nhưng Lào Cai, mặc dù cũng là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có điều kiện tự nhiên gần như tương đồng với các tỉnh nói trên, thì lại thường đứng ở tốp trên và năm nay đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng. Lào Cai hơn nhiều tỉnh cùng điều kiện với mình ở tính năng động và trách nhiệm của hệ thống chính quyền. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, gửi một email cho các cơ quan của Lào Cai thì chỉ vài giờ sau đã có email hồi âm, trong khi, nếu là tỉnh khác thì chưa biết khi nào.

Chính vì được đánh giá qua năng lực chính quyền nên nhiều “tỉnh lẻ” đã vươn lên được tốp đầu danh sách PCI. Và cũng chỉ có cách nâng cao năng lực chính quyền thì những tỉnh ấy mới phát triển được.

Nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn, hội nhập đa chiều hơn với thế giới. Không chỉ quốc gia cạnh tranh mà các tỉnh, thành phố cũng sẽ phải cạnh tranh quốc tế. Không nên nghĩ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ luôn ở thế “cửa trên” trong sự cạnh tranh với Hải Phòng, Thái Nguyên, Cần Thơ… mà Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải cạnh tranh với Băng Cốc, Cu-a-lăm-pơ, thậm chí là Bắc Kinh, Tô-ki-ô… Khi đó, hy vọng để có lợi thế so sánh trong việc thu hút nhà đầu tư được đặt vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh, thành phố của chúng ta thế nào, có tư duy đột phá không, có công tâm không, có trong sáng không?... Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã có nhiều chính sách cải cách, cởi mở trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhưng để những chính sách ấy thực sự hiệu quả trên cả nước, thì còn phải nhờ cậy vào hoạt động của chính quyền các địa phương./.

Hồ Quang Phương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất