Thứ Tư, 9/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 23/4/2015 20:48'(GMT+7)

Thế trận báo chí tiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính (ngoài cùng, bên phải) tác nghiệp tại chiến trường. (Ảnh: Tư liệu)

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính (ngoài cùng, bên phải) tác nghiệp tại chiến trường. (Ảnh: Tư liệu)

Không ngẫu nhiên ngay trong Xã luận ra mắt (ngày 20/10/1950), Báo Quân đội nhân dân đã khẳng định mục đích của tờ báo là góp phần đem đường lối, chủ trương của Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh thấm nhuần vào toàn thể quân đội và nhân dân để ai nấy “Kiên quyết vượt mọi khó khăn gian khổ, chiến thắng giặc Pháp xâm lược và bọn Mỹ can thiệp”. Thời điểm năm 1950 ấy, đế quốc Mỹ đã đưa quân trực tiếp tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên. Tại Việt Nam, tàu chiến Mỹ đã cập Cảng Sài Gòn, các nhóm quân sự Mỹ đã thị sát chiến trường Bắc Bộ. Sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương đã rõ.

Thực tế, âm mưu của đế quốc Mỹ từ các bước can thiệp ngày càng sâu đến việc thay thực dân Pháp trực tiếp tiến hành xâm lược Việt Nam đã chứng tỏ những nhận định và đối sách chiến lược của Đảng, Bác Hồ và quân đội ta là hoàn toàn chính xác. Đó là sự chủ động chuẩn bị cho một thời kỳ mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đường lối giương cao hai ngọn cờ “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” trên phạm vi cả nước. Trên các mặt trận mới-xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, báo chí cách mạng ở miền Bắc và các vùng căn cứ miền Nam tiếp tục sứ mệnh là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Cùng với tiếng nói của nhiều tờ báo yêu nước, dân chủ, tiến bộ trong các đô thị miền Nam, báo chí cả nước đã trở thành lực lượng tuyên truyền, đấu tranh đắc lực, sắc bén, cổ vũ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước suốt 20 năm từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đến ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong điều kiện miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng hệ thống báo chí mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng. Ngoài các cơ quan báo chí đã có là các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân; Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam, hàng loạt tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền thanh đã ra đời từ Trung ương, các ngành, đoàn thể, đến các thành phố, tỉnh, huyện. Xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới ở miền Bắc hậu phương lớn của cả nước và đấu tranh thống nhất nước nhà là hai nội dung lớn trên tất cả các cơ quan báo chí. Báo chí kịp thời cổ vũ và phản ánh các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, các nhiệm vụ hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất, các doanh nghiệp mới… Đặc biệt, các phong trào: “Sóng Duyên Hải", "Gió Đại Phong", "Cờ Ba nhất”, những điển hình trong công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng quân đội đã được báo chí giới thiệu sâu rộng, tạo nên khí thế lao động sản xuất, rèn luyện, công tác trong tất cả các tầng lớp nhân dân.

Song song với nội dung tuyên truyền về xây dựng chế độ mới ở miền Bắc, báo chí luôn cập nhật thông tin về tình hình miền Nam, kịp thời tố cáo tội ác của chế độ Mỹ-Diệm khủng bố những người từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đồng bào yêu nước. “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc” là một đợt thông tin dài, thiết thực, sâu sắc, nói lên ý chí bất khuất và tình cảm Nam-Bắc ruột thịt của đồng bào, đồng chí miền Nam. Các chủ đề tuyên truyền về cán bộ, nhân dân miền Nam trên đất Bắc nỗ lực lao động, học tập và luôn luôn hướng về quê hương, nung nấu nguyện vọng đoàn tụ, trở về Nam chiến đấu cũng tạo nên những đợt sóng tình cảm không ngừng nghỉ truyền qua kênh phát thanh tới bà con miền Nam.

Sau phong trào Đồng khởi, cùng với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và những chiến thắng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp đổ bộ vào miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, báo chí cách mạng đã bước vào một giai đoạn đấu tranh mới vô cùng sôi động trên mọi mặt trận. Báo chí tuyên truyền không khí toàn quân, toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Đảng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”…

Trước thử thách lớn lao chưa từng có phải đối đầu với đạo quân hùng hậu của Mỹ-ngụy và các đội quân nước ngoài, các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, các tạp chí lý luận của Đảng, quân đội cùng các cơ quan báo chí đã ra nhiều bài chính luận và các thể tài khác khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, khẳng định quyết tâm đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.

Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển của lực lượng cách mạng miền Nam và cả nước, hệ thống báo chí đã phát triển rộng khắp. Báo Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng ra đời, hệ thống các phân xã của Thông tấn xã Việt Nam tại hầu hết các tỉnh miền Nam được hoàn thiện. Từ 19/5/1965, Báo Quân đội nhân dân ra hằng ngày. Mạng lưới báo chí quân đội phát triển vượt bậc, Báo Quân Giải phóng và Báo Quân Giải phóng Khu 5 cùng các báo của các quân khu, quân chủng, binh chủng ra đời. Thông tấn quân sự, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, các tạp chí: Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội và Xí nghiệp phim Quân đội được nâng cấp, bổ sung đội ngũ và trang bị…

Với hệ thống báo chí hùng hậu, rộng khắp, báo chí cách mạng đã trở thành lực lượng hiệp đồng thống nhất hoạt động theo sự chỉ đạo của Đảng, đạt hiệu lực tuyên truyền mạnh mẽ, trực tiếp. Các phong trào “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang” được nêu bật, cổ vũ sôi nổi trên các báo. Tin chiến thắng, bình luận, tường thuật chiến thắng ở miền Bắc, miền Nam, nhiệm vụ sơ tán kết hợp sản xuất và đánh giặc cùng mọi mặt hoạt động của một xã hội thời chiến đã được phản ánh đậm nét ở tất cả các cơ quan báo chí. Đặc biệt, những phát hiện điển hình trong chiến đấu và sản xuất trên các báo đã trở thành những khẩu hiệu, những phong trào hành động trong toàn quân, toàn dân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, “Mỗi viên đạn một quân thù”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”… cùng với những “Cánh đồng 5 tấn”, “Đường cày đảm đang”… Đó là những khẩu hiệu lay động tâm can rực lửa chiến đấu, thôi thúc thế hệ thanh niên cùng già trẻ, trai gái trên hậu phương lớn miền Bắc hăng hái hướng tới chiến trường, dốc lòng dốc sức chi viện miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc.

Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền chiến thắng và thế trận cách mạng miền Nam “Ba mũi giáp công, ba vòng chiến lược”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, tuyên truyền những tấm gương anh hùng dũng sĩ trên tuyến đầu Tổ quốc, tuyên truyền về sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, báo chí Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đã tạo nên một thế trận tiến công mạnh mẽ, sắc nhọn, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Bức tranh toàn cảnh của báo chí cách mạng là bức tranh đủ màu sắc sinh động của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đội ngũ báo chí thực sự là những chiến sĩ, sẵn sàng ra trận. Hàng loạt nhà báo tên tuổi cùng các phóng viên trẻ thay nhau đến các chiến trường. Hàng trăm cán bộ, phóng viên đã hy sinh trên các mặt trận. Riêng số người hy sinh của Thông tấn xã Việt Nam đã lên đến hơn 260 người.

Từ những trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành, I-a Đrăng, Vạn Tường… đến các mùa khô 1965-1966, 1966-1967; rồi mùa Xuân 1968; Đường 9-Khe Sanh 1971; Quảng Trị, Tây Nguyên 1972; Đông, Tây Nam Bộ 1972, 1973; chiến thắng B-52 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, những mũi tiến công của báo chí đã góp phần đắc lực xây đắp niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Khẩu hiệu “Thần tốc” từ chiến trường qua báo chí đến với toàn quân, toàn dân từng ngày, từng giờ để đến ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Nam Bắc sum họp, núi sông, biển trời liền một dải./.

Nguyễn Mạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất