Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sỹ nam là 3
năm, bác sỹ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo
cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện
nghèo.
Ngày 6/11, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y- Dược Hải Phòng tổ chức
khai giảng khóa 13 (cũng là khóa thứ 3 được tổ chức tại Hải Phòng) cho
35 bác sỹ trẻ được lựa chọn phù hợp các tiêu chuẩn đầu vào theo quy định
của Bộ Y tế.
Các bác sỹ trên sẽ được đào tạo Chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành:
chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, xét nghiệm, nội, ngoại, nhi, răng
hàm mặt, sản, truyền nhiễm và y học cổ truyền tại trường Đại học Y-Dược Hải Phòng trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm
công tác tình nguyện.
Trước khi trúng tuyển chuyên khoa cấp I, họ đã được tuyển dụng thành
viên chức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và 13 huyện khó khăn
thuộc 5 tỉnh như: tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu,
Thanh Hóa.
Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sỹ trẻ sẽ công tác tại các
huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn
đối với bác sỹ nam là 3 năm, bác sỹ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác
sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện,
trung tâm y tế huyện nghèo.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, dự án thí điểm
bác sỹ trẻ tình nguyện nhằm bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình
độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của
nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Qua dự án, người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải
đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ
y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị
không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh
lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
Dự án đã tổ chức khai giảng 12 khóa bác sỹ chuyên khoa cấp I tại Trường
Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y-Dược Huế và Trường Đại học Y-Dược Hải
Phòng với số lượng 265 bác sỹ cho 69 huyện nghèo của 21 tỉnh.
Dự án đã bàn giao 14 bác sỹ cho 12 huyện nghèo thuộc 08 tỉnh miền núi
phía bắc và chuẩn bị bàn giao các khóa tiếp theo. Sau khi bàn giao, Bộ Y
tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bác sỹ tại huyện
nghèo.
Tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ
thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên
khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực,
chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng
cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống
hoặc không phải chuyển tuyến.
Với sự nỗ lực của bản thân cùng với chuyên môn tốt, các bác sỹ của dự án
thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện đã được lãnh đạo địa phương, người bệnh
và người dân đánh giá cao. Tiêu biểu như bác sỹ Nguyễn Văn Hiếu, viên
chức bệnh viện Nhi Trung ương, công tác tại Trung tâm y tế huyện Mường
Nhé, Điện Biên đã được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu
của Việt Nam năm 2017./.
Thùy Giang (Vietnam+)